Tiêu điểm

Petrolimex và mối nguy của thế độc quyền

(VNF) – Thế độc quyền trong ngành xăng dầu của Petrolimex đang đem đến những hệ lụy tai hại mà người chịu thiệt nhất chính là người tiêu dùng.

Petrolimex và mối nguy của thế độc quyền

Thế độc quyền của Petrolimex tạo ra nhiều hệ lụy nguy hại

Không độc quyền vẫn giữ thế độc quyền

Nói Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là độc quyền thì chưa hẳn đã chính xác, bởi theo điều 12, mục 2 Luật Cạnh tranh thì doanh nghiệp được coi là có vị trị độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.

Thực tế thì ngành xăng dầu hiện nay đang có khá đông đảo nhà nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu ngoài Petrolimex. Cũng theo điều 11, mục 2 Luật cạnh tranh thì Petrolimex được coi là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường vì có thị phần trên 30% (Petrolimex đang chiếm gần 50% thị phần ngành xăng dầu toàn quốc).

Dù mang danh là không độc quyền mà chỉ là "thống lĩnh thị trường", nhưng thật ra Petrolimex vẫn luôn ở thế độc quyền.

Cơ sở của nhận định này là không thiếu. Theo kết luận thanh tra mới nhất của Thanh tra Chính phủ thì khi xây dựng giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ xăng dầu, Petrolimex và Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo mức cố định, thiếu cơ sở, cao hơn chi phí thực tế của Petrolimex.

Đây là hành vi thể hiện rất rõ thế độc quyền của Petrolimex. Thế độc quyền của Petrolimex còn được cụ thể hóa rất rõ trong kết quả kinh doanh của tập đoàn này.

Năm 2014, Petrolimex đạt doanh thu thuần 206.780 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp ở mức 3,46%. Đến năm 2015, mặc dù doanh thu thuần giảm xuống còn 146.916 tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận gộp lại tăng vọt lên 8,74%.

6 tháng đầu năm 2016, Petrolimex đạt doanh thu thuần 58.756 tỷ đồng, giảm 26,6% so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp lại tăng lên mức 10,83%.

Việc doanh thu liên tục giảm dần trong khi biên lợi nhuận gộp lại liên tục tăng hàm ý rằng, dù giá xăng – dầu thế giới có biến động thế nào thì vẫn không phải là vấn đề với Petrolimex. Giá đầu vào tăng thì tăng giá, giá đầu vào giảm thì chưa chắc giảm giá, biên lợi nhuận gộp vì thế mà không bị ảnh hưởng, thậm chí liên tục tăng mạnh. 

Những hệ lụy to lớn

Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex tăng vọt lên 3.057 tỷ đồng sau khi năm 2014 lỗ nhẹ 9 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex tiếp tục tăng rất mạnh 43,8% so với cùng kỳ 2015, đạt mức 2.270 tỷ đồng.

Vì Petrolimex "kiếm tiền quá dễ", không lo cạnh tranh nên cũng vì thế mà tập đoàn này rất "hào phóng" trong việc đầu tư ngoài ngành. Theo kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ thì Petrolimex đã chi tổng cộng 2.255 tỷ đồng cho các khoản đầu tư ngoài ngành.

Các khoản đầu tư ngoài ngành không đúng quy định điển hình có thể kể đến như: tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ) và CTCP Bảo hiểm Petrolimex 171 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ) mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ; tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào CTCP Bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương, sử dụng vốn kinh doanh 231 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, không đúng với Nghị quyết của HĐQT…

Nhiều khoản đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, thua lỗ, thậm chí có nguy cơ mất vốn.

Tuy nhiên, những hệ lụy từ việc thất thoát vốn Nhà nước do đầu tư ngoài ngành chưa phải là hệ lụy lớn nhất. Hệ lụy lớn nhất là quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại.

Như đã đề cập ở trên, Petrolimex cùng với Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo mức cố định, thiếu cơ sở và cao hơn chi phí thực tế của Petrolimex.

Điều này có nghĩa là, người tiêu dùng đã phải chi ra nhiều tiền hơn số tiền đáng ra họ phải chi, thật chẳng khác gì là bị "móc túi". Số tiền ấy không chảy trực tiếp vào ngân sách mà lại chảy vào túi của Petrolimex, rồi từ túi của Petrolimex mới chảy một phần vào ngân sách nhà nước. Nếu chiếu theo Luật Cạnh tranh thì đây có thể coi là hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường.

Mối nguy từ thế độc quyền hiện lên rất rõ qua trường hợp của Petrolimex. Hiện Việt Nam còn không ít những doanh nghiệp nhà nước hoặc chi phối bởi vốn nhà nước cũng ở thế độc quyền như vậy, thậm chí là còn hơn trường hợp của Petrolimex rất nhiều.

Tin mới lên