Ngân hàng

Tái cơ cấu các TCTD cơ bản đạt mục tiêu đề ra

Một trong những điểm đáng chú ý nhất là việc đã thực hiện được mục tiêu không để xảy ra đổ vỡ hệ thống, hạn chế tối đa tổn thất và chi phí ngân sách.

Tái cơ cấu các TCTD cơ bản đạt mục tiêu đề ra

Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng

Cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra

Nhiều nghiên cứu, đánh giá, hội thảo chuyên đề, tổng kết đã được tiến hành trong năm 2015 nhằm đánh giá về những kết quả triển khai Đề án 254 về "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015".

Nhận định chung của các nghiên cứu trên là việc thực hiện Đề án đã thành công và đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Cụ thể, đã hoàn thành được phần lớn mục tiêu lành mạnh hóa tình trạng tài chính và năng lực hoạt động của các TCTD thông qua xử lý các TCTD yếu kém (tính đến hết năm 2015, đã giảm được 19 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại, giải thể, thu hồi giấy phép so với cuối năm 2011).

Đồng thời, đã thực hiện được phần lớn mục tiêu cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả của các TCTD. Năm 2015, hệ số an toàn vốn (CAR) của hệ thống đạt 13,14%, ROA 0,52%, ROE 5,79%.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất là việc đã thực hiện được mục tiêu không để xảy ra đổ vỡ hệ thống, hạn chế tối đa tổn thất và chi phí ngân sách. Công tác tái cơ cấu về tài chính, hoạt động, quản trị, pháp nhân, sở hữu dù chưa toàn diện nhưng cũng đã được thực hiện quyết liệt thông qua các phương thức như phân nhóm TCTD; hỗ trợ thanh khoản; sáp nhập, hợp nhất, mua lại; NHNN mua lại; tăng vốn chủ sở hữu, nâng cao hiệu quả hoạt động; thoái vốn, giảm sở hữu chéo… Mục tiêu xử lý nợ xấu (XLNX), giảm nợ xấu xuống dưới 3% cũng đã đạt được.

Các chuyên gia cho rằng, giảm nợ xấu là một trong những thành tựu nổi bật của quá trình tái cơ cấu vừa qua. Mức nợ xấu khoảng 465 ngàn tỷ đồng (trên 10% dư nợ) năm 2012 đã giảm xuống còn 2,72% năm 2015 nhờ các nhóm giải pháp quyết liệt của NHNN trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu "không sử dụng tiền NSNN để đảm bảo không đổ gánh nặng nợ xấu lên người đóng thuế".

Bên cạnh đó, mục tiêu hình thành một, hai NHTM có quy mô, trình độ khu vực cũng đang được triển khai. Về quy mô, hiện Việt Nam có 11 NHTM nằm trong top 1000 NHTM theo đánh giá của The Banker. Bốn NHTM nhà nước có quy mô vốn điều lệ trên 1 tỷ USD, trong đó VietinBank đạt 1,65 tỷ USD.

Phía trước còn nhiều thách thức

Dù tái cơ cấu đã đạt nhiều thành quả nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết là mức độ an toàn, hiệu quả của hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là theo Basel II, chưa hoàn toàn được đảm bảo.

Hiện tại, hệ số CAR của hầu hết các NH đều đạt trên 9%, và CAR của hệ thống đạt mức 13,14% nhưng cách tính hệ số CAR hiện nay của Việt Nam chưa đạt chuẩn Basel II, đặc biệt là cách tính hệ số rủi ro theo kết quả xếp hạng tín dụng.

Chỉ số ROE của các NH cũng chưa tính hết chi phí trích lập dự phòng rủi ro, do cách phân loại nợ hiện nay mặc dù đã tiệm cận dần nhưng chưa theo được đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế. Hầu hết các NHTM Việt Nam mới đang áp dụng Basel I, trong khi Basel II đã được áp dụng tại hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Cùng với AEC đã có hiệu lực và quá trình hội nhập mạnh mẽ hiện nay, các chuyên gia chỉ ra đây chính là một trong những thách thức lớn đối với các TCTD Việt Nam, nhất là khi ngày càng có nhiều NH trong khu vực và thế giới gia nhập thị trường để đón đầu làn sóng đầu tư, thương mại và dịch vụ dự báo sẽ tăng mạnh trong tương lai gần.

Trong năm 2014, NHNN đã lựa chọn 10 NHTM để thí điểm thực hiện phương pháp quản lý vốn và rủi ro theo Basel II đến cuối 2015. Công tác này do đó vẫn đang trong giai đoạn khởi tạo và cần được tập trung triển khai thời gian tới.

Bên cạnh đó, dù số lượng NH có vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ thuộc top 1000 NH trên thế giới tăng lên 11 NH năm 2015, nhưng nhìn chung quy mô còn khá nhỏ. NH lớn nhất Việt Nam hiện nay là VietinBank với vốn điều lệ 1,65 tỷ USD thì vẫn còn nhỏ hơn đáng kể so với các NH các nước trong khu vực như Malaysia (Maybank: 4,1 tỷ USD; PPB: 2,4 tỷ USD), Thái Lan (Bangkok Bank: 3,2 tỷ USD; Siam Bank: 2,2 tỷ USD), Singapore (UOB: 6,3 tỷ USD; DBS: 9,6 tỷ USD) (theo The Bankers, 2015).

Theo các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, hiện chưa có NH nào ở Việt Nam được xếp hạng đạt trình độ cao trong quản trị, công nghệ và khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó XLNX đang gặp vướng mắc chính là phụ thuộc vào việc xử lý các tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khách hàng - chủ yếu liên quan tới thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Hai thị trường này thời gian qua còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm. Cùng với đó là quy trình xử lý TSBĐ, phát mại tại Việt Nam còn rất vướng mắc, thủ tục rườm rà nên chưa hỗ trợ tốt cho các TCTD…

Trong thời gian tới cùng với việc tiếp tục tái cơ cấu các TCTD, các chuyên gia khuyến cáo, cần tập trung vào phát triển các TCTD theo hướng an toàn, hiệu quả hơn theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là Basel II, nâng cao trình độ và khả năng cạnh tranh để có một, hai NHTM đạt trình độ trung bình trong khu vực. Công tác XLNX cần tiếp tục thực hiện triệt để hơn để xử lý được tận gốc nợ xấu hiện tại, đồng thời chủ động ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh thông qua việc nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.

Về phía các TCTD, một mặt cần tăng cường năng lực tài chính thông qua tăng vốn chủ sở hữu và giữ các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn ở mức phù hợp. Mặt khác cần hoàn thiện, thay đổi cơ chế quản trị điều hành theo hướng công khai, minh bạch hóa để tăng niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng, tối ưu hóa các nguyên tắc quản trị chuyên nghiệp của quốc tế. Tăng cường ứng dụng các chuẩn mực vốn mới theo Basel II và các nguyên tắc quản trị rủi ro hiện đại.

Tin mới lên