Ngân hàng

Tái cơ cấu ngân hàng nhìn từ ‘câu chuyện chanh, đào’

(VNF) – Tái cơ cấu ngân hàng đang gặp vướng mắc lớn bởi "thông tin bất cân xứng".

Tái cơ cấu ngân hàng nhìn từ ‘câu chuyện chanh, đào’

Tái cơ cấu ngân hàng đang vướng "câu chuyện chanh, đào"

Ngân hàng và chuyện "chanh", "đào"

Nhà kinh tế học George Akerlof từng đưa ra một ví dụ kinh điển về lý thuyết thông tin bất cân xứng, tạm gọi nôm na là "câu chuyện chanh, đào". Câu chuyện lấy tâm điểm là thị trường xe ô tô đã qua sử dụng.

Akerlof gọi những chiếc xe tồi là "lemon", nghĩa là "quả chanh", nhưng theo tiếng lóng Mỹ còn có nghĩa là "xe hay gặp hư hỏng", hoặc "vật vô giá trị". Với những chiếc xe tốt, Akerlof đặt tên là "peach", nghĩa là "quả đào", nhưng còn có nghĩa là "tuyệt hảo".

Akerlof đặt vấn đề, bất kỳ ai bán một chiếc xe ô tô đều biết nó là "quả chanh" hay "quả đào", tuy nhiên, người tìm mua nó lại không hề biết. Điều này khiến người tìm mua bất lợi hơn trong lựa chọn, có thể trả giá quá cao cho "quả chanh" hoặc trả giá quá thấp cho "quả đào", cùng với đó là tâm lý nghi ngờ giá "chanh", "đào". Tâm lý ỷ lại cũng nảy sinh, nghĩa là người tìm mua dần từ bỏ nhu cầu tìm thêm thông tin, bởi điều này là khó khăn, nhọc công, tốn kém…

Cũng như thế, ngành ngân hàng cũng có "chanh", "đào". Khách hàng, đặc biệt là người gửi tiền cũng luôn trong tình trạng thiếu hụt thông tin về các ngân hàng hơn rất nhiều so với bản thân các ngân hàng. Sự bất cân xứng thông tin này cũng gây ra tâm lý ỷ lại, từ bỏ nhu cầu tìm hiểu thông tin ở người gửi tiền.

Rất nhiều trường hợp ngân hàng yếu kém, ngân hàng 0 đồng trước đây hoàn toàn không có thông tin, chỉ báo đáng kể nào cho đến khi tình trạng bết bát được phanh phui một cách muộn màng. Với những trường hợp đặc biệt như thế, người gửi tiền còn "bất lực" trong tìm kiếm thông tin, thì việc họ "nhắm mắt đưa tay" gửi tiền vào các ngân hàng mà không màng đến rủi ro là chuyện dễ hiểu.

Gửi tiền

Người dân đang phải "nhắm mắt đưa tay" gửi tiền vào các ngân hàng mà không màng đến rủi ro

Hệ quả là, dòng tiền gửi "chảy" vào các ngân hàng không hiệu quả do "chảy" vào nơi rủi ro nhiều và nơi rủi ro ít như nhau. Điều này là bất công, bởi các ngân hàng ít rủi ro đã và đang phải hy sinh nhiều nguồn lực, chấp nhận giảm lợi nhuận để tăng tính an toàn, hạn chế rủi ro, rốt cuộc lại bị đối xử như các ngân hàng rủi ro nhiều, hy sinh ít.

Điều này cũng lý giải vì sao tâm lý người gửi tiền ở Việt Nam chưa bao giờ được coi như tâm lý nhà đầu tư, nghĩa là chấp nhận rủi ro, kể cả khi ngân hàng đổ vỡ thanh khoản hay phá sản, bởi tâm lý này không thể hình thành khi thiếu thốn thông tin. Thế nên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn luôn phải trong trạng thái "đảm bảo quyền lợi người gửi tiền", kể cả khi tiến hành phá sản ngân hàng nhỏ, nếu không tâm lý hoang mang sẽ lan tràn, có thể gây ra làn sóng rút tiền trên diện rộng.

Tốt khoe, xấu che

Thực tế, NHNN đã rất lưu ý đến vấn đề "thông tin bất cân xứng" trong thời kỳ tái cơ cấu ngân hàng trước đây. Ở Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 (Đề án 254), tại tiểu mục "Cơ cấu lại hệ thống quản trị", NHNN đã đề cập đến 2 giải pháp là "Tăng tính minh bạch hóa hoạt động ngân hàng thông qua việc áp dụng cơ chế mới về công bố thông tin của các TCTD" và "Niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán".

Mặc dù cả 2 giải pháp trên đều nhằm gia tăng tính minh bạch thông tin, giảm thiểu tình trạng "thông tin bất cân xứng" nhưng cả 2 đều chỉ là giải pháp mang tính chất khuyến khích, không bắt buộc nên kể từ thời điểm đề án tái cơ cấu được phê duyệt vào tháng 3/2012 đến hết năm 2015 mới chỉ có duy nhất một trường hợp niêm yết là BIDV.

BIDV

Giai đoạn 2012 - 2015, dù NHNN đã "thúc" các ngân hàng tiến hành niêm yết thông qua Đề án 254 nhưng chỉ có duy nhất một trường hợp niêm yết là BIDV

Trong khi đó, các ngân hàng không niêm yết đa phần vẫn "ì ạch" trong công bố báo cáo tài chính, nhiều trường hợp chỉ công bố báo cáo tài chính năm, không công bố hàng quý, nhiều trường hợp khác công bố không đầy đủ (thiếu thuyết minh báo cáo tài chính), có trường hợp thậm chí còn "giấu nhẹm" đi dưới chiêu bài "chỉ công bố cho cổ đông"…

Xin lưu ý, báo cáo tài chính mới chỉ là thông tin cơ bản nhất về các ngân hàng. Các thông tin đáng kể khác về an toàn vốn, các loại rủi ro... hầu như không được các ngân hàng công bố, hoặc nếu có công bố thì chỉ công bố theo kiểu "tốt khoe, xấu che".

Áp lực từ Basel II

Công bố thông tin, minh bạch thông tin, hay nhìn rộng ra là kỷ luật thị trường, là 1 trong 3 trụ cột của Hiệp ước Basel II đang được triển khai có chọn lọc với 10 ngân hàng tại Việt Nam. Một số ngân hàng không thuộc danh sách 10 ngân hàng trên cũng đang tự nguyện triển khai nhằm chuẩn bị cho thời điểm "phổ cập" Basel II. Tất nhiên, việc triển khai Basel II ở các ngân hàng này có tốc độ chậm và độ sâu ít hơn so với các ngân hàng được chọn thí điểm Basel II.

Tuy nhiên, nhìn vào lộ trình triển khai Basel II, có thể thấy NHNN rất thận trọng, và đặc biệt là tập trung chủ yếu vào yêu cầu về vốn trong Basel II, ít đề cập đến vấn đề công bố thông tin.

Cụ thể hơn, 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II phải "cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Basel II" vào cuối năm 2018. Đến năm 2020, các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12 – 15 NHTM áp dụng thành công Basel II.

Ngày 30/12/2016, NHNN đã phê duyệt Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực vào năm 2020, trong đó dành riêng một điều mục về Công bố thông tin.

VietinBank

Vấn đề minh bạch thông tin ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể khi Thông tư 41 có hiệu lực vào năm 2020

Cụ thể, định kỳ 6 tháng một lần theo năm tài chính, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện công bố thông tin về tình trạng an toàn vốn, đáng chú ý có thể kể đến như: cơ cấu vốn tự có, tỷ lệ an toàn vốn, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường.

Đây là nỗ lực lớn của NHNN về minh bạch thông tin ngân hàng như là một phần trong tiến trình tái cơ cấu ngân hàng thông qua áp dụng chuẩn Basel II. Nếu áp dụng đầy đủ và giữ được kỷ luật công bố thông tin, đặc biệt là đảm bảo tính công khai trong công bố thông tin như quy định tại Thông tư 41, hệ quả tiêu cực từ "thông tin bất cân xứng" trong ngành ngân hàng sẽ được giảm thiểu đáng kể. Tái cơ cấu ngân hàng, theo đó, chắc chắn sẽ bền vững và hiệu quả hơn.

Vì rằng Thông tư 41 có hiệu lực từ năm 2020 nên những nỗ lực này phải chờ đến năm 2020 mới có thể bắt đầu. Trước mắt, chỉ có thể chờ đợi và hy vọng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của NHNN sẽ có quy định bắt buộc mới về vấn đề công bố thông tin đối với các ngân hàng.

Tin mới lên