Ngân hàng

Tài sản tăng ấn tượng, ngân hàng Việt vẫn 'đội sổ' ASEAN về tỷ suất lợi nhuận

(VNF) - Các ngân hàng Việt Nam có sự bứt phá về mức tăng trưởng tài sản nhưng điều đó không đồng nghĩa với lợi nhuận cũng tăng tương ứng. Thực tế Việt Nam đang thuộc nhóm xếp hạng cuối trong ASEAN về tỷ suất lợi nhuận.

Tài sản tăng ấn tượng, ngân hàng Việt vẫn 'đội sổ' ASEAN về tỷ suất lợi nhuận

19 ngân hàng Việt Nam lọt Top 100 ngân hàng hàng đầu ASEAN năm 2016" của The Banker.

Theo xếp hạng của The Banker, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ngân hàng đứng thứ hai trong bảng xếp hạng "Top 100 ngân hàng hàng đầu ASEAN 2016". Trong bảng xếp hàng năm nay có tới 19 đại diện từ Việt Nam.

Campuchia là nước có tốc độ tăng trưởng ngân hàng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng 30,4% mặc dù nước này chỉ có duy nhất 1 ngân hàng lọt top 100 là Acleda Bank, chiếm 0,1% tổng tài sản của 100 ngân hàng hàng đầu khối ASEAN, giảm so với mức 0,19% một năm trước.

Trong khi đó, Việt Nam có 19 ngân hàng góp mặt trong bảng xếp hạng. Mặc dù tổng tài sản của cả 19 ngân hàng này chỉ chiếm 7,46% trên tổng tài sản của 100 ngân hàng trong top (cải thiện so với mức 6,21% năm 2015), nhưng nhóm 19 ngân hàng này ghi nhận tốc độ tăng tài sản ấn tượng 15,66% chỉ trong vòng một năm, cao thứ hai trong xếp hạng. 

Ba ngân hàng Việt Nam là VPBank, SCB và Shinhan Bank dẫn đầu Top 10 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tài sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nguồn: The Banker

Dẫn đầu bảng xếp hạng về tốc độ tăng trưởng tài sản là ba đại diện của Việt Nam với Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) với mức tăng 35,02%, theo sau là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Shinhan Việt Nam với tỷ lệ lần lượt là 34,22% và 33,32%. Theo nhận định của The Banker, các nhà băng Việt vẫn đang sẵn sàng cho một sự gia tăng lớn hơn nữa.

Bảng xếp hạng năm nay của The Banker vẫn bị chi phối bởi các ngân hàng lớn đến từ Malaysia, Singapore và Thái Lan, với tổng tài sản nắm giữ chiếm gần 3/4 tổng tài sản của 100 ngân hàng hàng đầu khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, The Banker cũng lưu ý rằng, mặc tài sản của các ngân hàng Việt tăng trưởng nhanh nhưng điều này không đồng nghĩa với việc lợi nhuận cũng tăng lên tương ứng. Thực tế, với tỷ lệ ROA (lợi nhuận ròng trên tài sản) 0,8% và ROC (lợi nhuận ròng trên vốn) 12,19%, Việt Nam đang thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng trong ASEAN về tỷ suất lợi nhuận. Trong khi đó, Indonesia chiếm vị trí dẫn đầu trong chỉ tiêu này năm nay với tỷ suất ROA và ROC tương ứng là 2,7% và 25,31%.

Mặt khác, theo The Banker, tuy về cuối bảng xếp hạng của khối ASEAN khi tính theo tỷ số ROA và ROC, lợi nhuận trước thuế của nhóm 19 ngân hàng Việt Nam lại tăng trưởng đến 6%, mạnh hơn hầu hết các nước khác.

10 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế mạnh nhất ASEAN. Nguồn: The Banker. 

Ngoài ra, mức độ thâm nhập dịch vụ ngân hàng của các nhà băng Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực. Chỉ có 30,86% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng trên tổng số 91 triệu dân, số liệu thống kế tính năm 2014 cho thấy.

The Banker cũng nhận định, trong lúc  tập trung mở rộng hoạt động của mình, các ngân hàng Việt  tăng quy mô nguồn vốn cấp 1 của mình với tốc độ tương ứng. 19 ngân hàng Việt có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn cấp 1 chỉ đạt 4,54%, thấp nhất trong khối ASEAN.

Dưới đây là bảng xếp hạng "Top 100 ngân hàng hàng đầu khu vực ASEAN do tạp chí The Banker giới thiệu.

Tin mới lên