Ngân hàng

TCTD ‘ôm’ ngân hàng 0 đồng: Sẽ không thể ‘rũ áo’

(VNF) – TCTD "ôm" ngân hàng 0 đồng, kể cả khi không phục hồi được ngân hàng 0 đồng, cũng sẽ không thể giải thể hoặc phá sản ngân hàng 0 đồng, theo quy định của dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

TCTD ‘ôm’ ngân hàng 0 đồng: Sẽ không thể ‘rũ áo’

TCTD một khi "ôm" ngân hàng 0 đồng sẽ không thể giải thể hoặc phá sản ngân hàng 0 đồng dù cho có phục hồi được ngân hàng 0 đồng hay không

Như VietnamFinance đã đưa tin, dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đã hợp thức hóa thuật ngữ "0 đồng" trong việc mua lại bắt buộc ngân hàng yếu kém, đồng thời phân tách việc mua lại ngân hàng 0 đồng ra làm 2 trường hợp theo đối tượng mua lại: tổ chức tín dụng (TCTD) mua lại hoặc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại. Ở trường hợp NHNN mua lại, Chính phủ có thể dùng tiền ngân sách để hỗ trợ ngân hàng 0 đồng.

Đối với trường hợp TCTD mua lại, dự thảo Luật hiện cũng có đề xuất riêng một điều luật về biện pháp hỗ trợ đối với TCTD được chỉ định mua lại bắt buộc ngân hàng 0 đồng như: được sở hữu 100% vốn điều lệ ngân hàng 0 đồng, không phải hợp nhất báo cáo tài chính, loại trừ ngân hàng 0 đồng khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, khoản vốn góp vào ngân hàng 0 đồng không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá đầu tư…

Trong hầu hết các trường hợp, việc TCTD mua lại ngân hàng 0 đồng luôn được khuyến khích hơn việc NHNN mua lại ngân hàng 0 đồng, bởi một khi NHNN đã "nhúng tay", việc sử dụng tiền ngân sách là khó tránh khỏi. Hơn nữa, đây cũng không phải là chức năng chính của NHNN.

Tuy nhiên, quy định trong dự thảo Luật về "số phận" các ngân hàng 0 đồng sau khi "về tay" TCTD phần nào đang làm giảm mức độ "hào hứng" của các TCTD trong việc mua lại ngân hàng 0 đồng.

Đáng chú ý nhất là việc một khi TCTD mua lại ngân hàng 0 đồng, dù cho có phục hồi được ngân hàng 0 đồng hay không, TCTD cũng không thể tiến hành giải thể hay phá sản ngân hàng 0 đồng, mà chỉ có thể bán cổ phần, sáp nhập hoặc hợp nhất.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 38 quy định về Thoái vốn hoặc xử lý pháp nhân TCTD yếu kém được TCTD được chỉ định mua bắt buộc, các hình thức thoái vốn hoặc xử lý pháp nhân ngân hàng 0 đồng mà TCTD được phép thực hiện chỉ có 2 trường hợp.

Một là tiến hành thoái một phần hoặc toàn bộ vốn thông qua việc chuyện nhượng cổ phần, phần vốn góp cho các nhà đầu tư mới theo quy định pháp luật. Trường hợp thứ hai, việc xử lý pháp nhân được thực hiện thông qua việc bán cho pháp nhân, cá nhân khác; sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác.

Đối với trường hợp NHNN mua lại ngân hàng 0 đồng, NHNN sẽ được phép thoái vốn bằng việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho các nhà đầu tư mới theo quy định pháp luật; hoặc tiến hành xử lý pháp nhân thông qua hình thức giải thể hoặc phá sản theo quy định pháp luật.

Như vậy, NHNN "ôm" ngân hàng 0 đồng, nếu không thể phục hồi, có thể tiến hành giải thể hoặc phá sản, còn đối với TCTD "ôm" ngân hàng 0 đồng thì không.

Tuy nhiên, vẫn còn có một khả năng có thể xảy ra, là TCTD "ôm" ngân hàng 0 đồng, nếu không phục hồi được, cũng không muốn tiến hành sáp nhập hay hợp nhất, sẽ đề xuất bán lại cho NHNN. Nếu NHNN chấp thuận, khi ấy, NHNN có thể tiến hành giải thể hoặc phá sản ngân hàng 0 đồng.

Mặc dù vậy, dự thảo Luật hỗ trợ tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu vẫn chưa có quy định rõ ràng về trường hợp này, nhất là khi dự thảo đã phân tách khá rõ ràng 2 trường hợp TCTD mua lại và NHNN mua lại ngân hàng 0 đồng.

Nhưng kể cả khi TCTD "ôm" ngân hàng 0 đồng muốn đề xuất NHNN mua lại ngân hàng 0 đồng đó, thì một là phải được NHNN chấp thuận, hai là phải sau ít nhất 2 năm kể từ khi TCTD mua lại ngân hàng 0 đồng, theo quy định của dự thảo Luật.

Nếu không thể bán lại, sáp nhập, hợp nhất với đối tượng khác, TCTD "ôm" ngân hàng 0 đồng sẽ buộc phải "gánh" ngân hàng 0 đồng dù cho có phục hồi được hay không.

Tin mới lên