Ngân hàng

Techcombank chốt niêm yết sàn HoSE, chưa rõ thời điểm niêm yết

(VNF) – Bên cạnh quyết định không chia cổ tức, đại hội đồng cổ đông Techcombank đã thông qua chủ trương niêm yết lên sàn HoSE, tuy nhiên, chưa rõ thời điểm niêm yết cụ thể.

Techcombank chốt niêm yết sàn HoSE, chưa rõ thời điểm niêm yết

Techcombank chưa rõ thời điểm lên sàn HoSE

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2017. Đại hội nóng bỏng với hai vấn đề lớn là việc Techcombank chậm niêm yết cổ phiếu so với kế hoạch và việc nhà băng này tiếp tục không chia cổ tức năm thứ 6 liên tiếp.

Đây là hai vấn đề sát sườn với nhau bởi nhiều cổ đông nhỏ lẻ vốn đã bức xúc nhiều năm với việc Techcombank không chia cổ tức đang mong muốn nhà băng này lên sàn để tăng tính thanh khoản cũng như nâng giá trị cổ phiếu lên, nhằm chốt lời cổ phiếu Techcombank để bù đắp sự thiếu hụt cổ tức.

Mặc dù đại hội đã chính thức thông qua chủ trương niêm yết trên sàn HoSE với tỷ lệ đồng thuận gần như tuyệt đối nhưng ban lãnh đạo Techcombank cho biết vẫn chưa có thời điểm niêm yết cụ thể, chỉ nói rằng "sẽ lên sàn theo kế hoạch có lợi nhất cho cổ đông" và "sẽ cố gắng đưa cổ phiếu lên sàn ngay trong năm 2017, song còn phụ thuộc vào thời điểm hồ sơ được các cơ quan quản lý chấp thuận".

Đối với vấn đề không chia cổ tức, lãnh đạo Techcombank tiếp tục tái khẳng định mục đích giữ lại lợi nhuận để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Chia cổ tức để có cổ phiếu giá 10.000 đồng, hay không chia nhưng giá cao hơn 20.000 đồng, thì cơ hội đầu tư nào thu lời hơn? Với tốc độ tăng trưởng tài sản, tín dụng và lợi nhuận của Techcombank như thời gian qua, với giá trị cổ phiếu đang có được, cổ đông là người kết luận chính xác nhất đâu là kênh đầu tư hiệu quả", Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh nêu quan điểm.

Techcombank

Bên cạnh quyết định không chia cổ tức, Techcombank đã thông qua chủ trương lên sàn HoSE nhưng chưa rõ thời điểm niêm yết

Với những cổ đông nhỏ lẻ đang muốn chốt lời cổ phiếu, vị chủ tịch ngân hàng này khuyến nghị, trong trường hợp nhà đầu tư cần giao dịch, có thể bán bớt một phần cổ phiếu; hiện cổ phiếu đã có mức giá trị gia tăng nhất định trên thị trường.

Tại đại hội, nhiều cổ đông cũng tỏ ra khá băn khoăn khi bên cạnh việc không chia cổ tức, Techcombank lại muốn tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng.

Đề cập về vấn đề này, lãnh đạo Techcombank cho rằng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết nhằm giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là nhằm đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn của Basel II.

"Việc tăng vốn không phải lúc nào cũng có thể thực hiện, mà chỉ tiến hành tại thời điểm phù hợp, đồng thời phải mang được giá trị tăng thêm cho các nhà đầu tư hiện hữu, chứ không phải tăng vốn để pha loãng giá trị cổ phiếu mình đang nắm giữ", Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh nói.

Tin mới lên