Ngân hàng

Tháng 'cô hồn' của ngân hàng Việt: Tiền trong tài khoản liên tục 'bốc hơi'

(VNF) - Liên tiếp thông tin các vụ tiền gửi ở ngân hàng "không cánh mà bay" khiến chủ tài khoản phát hoảng lại tình cờ xảy ra đúng vào tháng 7 âm lịch mà theo quan niệm của người Việt đây là "tháng cô hồn".

Tháng 'cô hồn' của ngân hàng Việt: Tiền trong tài khoản liên tục 'bốc hơi'

Với người châu Á, tháng 7 âm lịch được xem là tháng cô hồn, với quan niệm là tháng không đem lại may mắn, khó khăn trong làm ăn, kinh doanh. Một cách tình cờ, trong tháng 8 năm nay (tức tháng 7 theo lịch âm), một loạt các ngân hàng lớn như Vietcombank, VIB, ANZ, VPBank,... được "điểm danh" với các sự cố mất tiền của khách hàng lên đến tiền tỷ.

Vietcombank

Vụ việc đầu tiên gây bão dư luận liên quan đến ngân hàng Vietcombank với sự việc khách hàng Hoàng Thị Na Hương bỗng dưng mất bị chuyển khoản 500 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng rút khỏi tài khoản qua ATM ở Malaysia và 300 triệu đồng được chuyển tiếp thông qua internet banking vào đêm ngày 3/8 và rạng sáng ngày 4/8.

Đáng chú ý là khi xuất hiện giao dịch trừ tiền trong tài khoản, chị Hương đang ngủ và không nhận được bất kỳ tin nhắn nào có chứa mã OTP để thông qua giao dịch.

Sự vụ này gây rúng động thị trường, nhất là những chủ thẻ của Vietcombank. Từ trước đến nay, Vietcombank luôn được đánh giá là ngân hàng hoạt động hiệu quả, minh bạch và an toàn.

Trong khi thông tin về chủ tài khoản Vietcombank - chị Na Hương mất 500 triệu trong một đêm vẫn còn nóng dư luận cả nước, nhất là các cá nhân và đơn vị sử dụng dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tử (internet banking, mobile banking v.v) để giao dịch, thì tiếp tục có khách hàng "kêu cứu" vì sau một đêm số tiền gần 20 triệu trong tài khoản thẻ Master Debit Vietcombank mất sạch, dù thẻ vẫn nằm trong ví khách.

Theo đó, anh Vũ Thành Phương, Giám đốc một công ty về kỹ thuật tại TP. HCM, chủ thẻ Master Debit Vietcombank cho biết, sáng 16/8, vừa ngủ dậy lúc 5h51 sáng, anh nhận được một loạt tin nhắn trong điện thoại. Mở ra thì nhìn thấy 14 tin nhắn của Vietcombank thông báo về phát sinh giao dịch trong tài khoản, cụ thể là 14 giao dịch thanh toán bằng thẻ Master Debit của anh tại Nhật Bản (Japan) vào lúc 4h sáng ngày 16/8 (giờ Vietnam), thanh toán cho resort TOKYO DISNEY RESORT CHIBA JPN và một thanh toán nhỏ tại MARRIOTT HTL và BOOKHAVEN NY với tổng số tiền gần 18 triệu đồng (Tài khoản của anh Phương khi đó còn khoảng hơn 18 triệu). Những thanh toán từ số 11 trở đi không thành công khi số tiền trong tài khoản không đủ thanh toán theo yêu cầu.

Anh Huỳnh Anh Khương, sống tại TP.HCM cũng là một nạn nhân khác. Sử dụng dịch vụ Mobile Banking của tài khoản Vietcombank để nhận tiền giao dịch bitcoin, trong đêm 24/8, anh Khương bán bitcoin cho đối tác với số tiền lên đến gần 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi chuyển bitcoin cho đối tác, anh Khương lại không nhận được tiền và mất trắng gần 40 triệu. Theo lời anh Khương, đây có thể là một sơ hở của dịch vụ ngân hàng bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo.

Các khách hàng này đến nay vẫn chưa nhận được đủ số tiền và Vietcombank cũng đã mời cơ quan công an điều tra nguyên nhân.

VPBank

Không những tài khoản cá nhân mà ngay cả tài khoản doanh nghiệp cũng bị "bốc hơi" khiến chủ doanh nghiệp tá hỏa. Không liên tục xuất hiện các khách hàng bị mất tiền như Vietcombank, nhưng số tiền bị mất của khách hàng gửi tại VPBank là con số cao chưa từng có: 26 tỷ đồng. Khách hàng này là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (ở huyện Củ Chi, TP.HCM).

Vụ việc được bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân phát hiện từ tháng 7 nhưng đến cuối tháng 8 mới công khai đến cơ quan báo chí. Theo bà Xuân, có sự câu kết giữa nhân viên ngân hàng và nhân viên công ty bà để rút tiền trái phép từ tài khoản công ty.

Ngân hàng Quốc tế (VIB)

Theo phản ánh của ông Phan Diệu Chương, sau khi được Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) mời mở thẻ tín dụng VIB, ông đã mở thẻ visa mang tên ông (thẻ chính) và một thẻ phụ mang tên con gái ông là chị Phan Lê Hằng Giang với mục đích chu cấp tiền cho con gái ông trong quá trình du học tại Mỹ. Nhưng khi thẻ bị mất tiền, ngân hàng không những bỏ mặc khách hàng phải chịu thiệt hại, mà còn đòi truy đến cùng tiền gốc và lãi phát sinh.

Cụ thể, phía VIB cho biết ngày 09/10/2014 chủ thẻ phụ (Phan Lê Hằng Giang) đã thực hiện 3 giao dịch mua hàng cùng lúc với tổng giá trị là 1.526,14 USD. Tuy nhiên, khi ngân hàng trưng ra bằng chứng cho việc người mua hàng ký xác nhận giao dịch, cả hai cha con ông Chương đều khẳng định đó là chữ ký giả, và tài khoản phụ đã bị hack. Bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận ra chữ ký mẫu in trên thẻ và chữ ký của người mua hàng khác nhau hoàn toàn.

Tại buổi làm việc giữa ông Phan Diệu Chương và đại diện của VIB diễn ra ngày 16/12/2015, theo tính toán của bà Lê Việt Thu, Trưởng phòng tín dụng VIB, cộng cả số tiền 1.526,14 USD và tiền lãi phát sinh, ông Phan Diệu Chương cần phải trả cho VIB số tiền xấp xỉ 48 triệu đồng. 

Như vậy, số tiền bị kẻ gian lấy cắp chi tiêu qua thẻ giả ban đầu là hơn 30 triệu đồng, song VIB khẳng định không có trách nhiệm trong việc này và yêu cầu chủ tài khoản nộp trả gần 100 triệu đồng tính cả gốc và lãi.

ANZ

Ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, là ANZ cũng không nằm ngoài sự cố. Theo đó, anh Trương Đức Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chủ thẻ VISA Credit Card của ANZ bị hack mất hơn 30 triệu. Anh Đức Anh cho biết "vào lúc 12h32 ngày 21/8/2016, anh có nhận được tin nhắn từ dịch vụ SMS Banking của ANZ thông báo có giao dịch được hoàn thành tại tiki.vn vàcungmua.com. Lúc này anh Đức Anh nhận thấy đã có khoảng 6-7 giao dịch thành công trong vòng 5 phút với mỗi giao dịch có giá trị từ 1.425.000 VND đến 2.425.000 VND.

Nhận thấy sự việc bất thường, ngay lập tức, anh đã gọi điện cho tổng đài 19001276 của ANZ để yêu cầu tạm khóa thẻ tín dụng lại. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian trao đổi với nhân viên hỗ trợ của ANZ, đã có thêm 4 giao dịch nữa được thực hiện thành công với giao dịch có giá trị cao nhất là 6.987.000 VND. Như vậy trong vòng 14 phút (từ 12h27 đến 12h41) có tổng cộng 11 giao dịch được thực hiện từ tài khoản thẻ của tôi với tổng giá trị là 30.997.000 VND.

Hiện anh Đức Anh đã làm đơn khiếu nại và đang được phía ANZ giải quyết. Tuy nhiên, theo quy định của tổ chức thẻ quốc tế VISA, quá trình xử lý khiếu nại sẽ diễn ra trong vòng 120 ngày.

Tin mới lên