Ngân hàng

Thực hư chuyện chỉ chi trả 75 triệu đồng khi phá sản ngân hàng

(VNF) – Ngân hàng Nhà nước đang mở đường cho phá sản ngân hàng, vấn đề chi trả tiền gửi cho người dân cũng đã được tính đến.

Thực hư chuyện chỉ chi trả 75 triệu đồng khi phá sản ngân hàng

Tiền gửi người dân sẽ ra sao khi phá sản ngân hàng?

Câu chuyện tiền gửi của người dân sẽ ra sao khi phá sản ngân hàng lại một lần nữa nóng lên khi mới đây, mức chi trả tiền bảo hiểm đối với tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng bị phá sản sẽ được nâng lên mức 75 triệu đồng, từ mức 50 triệu đồng trước đó.

Thông tin này khiến nhiều người hiểu rằng, khi tiến hành phá sản ngân hàng, người gửi tiền sẽ chỉ được chi trả 75 triệu đồng. Đây là cách hiểu chưa đầy đủ.

Theo Luật phá sản năm 2014, khi một tổ chức tín dụng phá sản, đầu tiên, tổ chức tín dụng đó sẽ phải hoàn trả các khoản vay đặc biệt cho Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác.

Tiếp đó, giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sẽ được trả cho chi phí phá sản; sau đó là các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết.

Thứ tự chi trả tiếp đến là tiền gửi của người dân tại tổ chức tín dụng.

Sau khi chi trả tiền gửi cho người dân, giá trị tài sản sẽ được phân trả cho khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản.

Sau cùng, giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sẽ được phân chia để hoàn tất các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Vậy sẽ ra sao nếu giá trị tài sản của tổ chức tín dụng không đủ để phân chia đầy đủ cho tất cả tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng?

Theo khoản 3 Điều 101 Luật phá sản năm 2014, trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Đồng nghĩa, nếu chiếu theo Luật phá sản năm 2014, người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng sẽ vẫn có khả năng không nhận lại đầy đủ số tiền đã gửi.

Tuy nhiên, thông điệp xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước khi phá sản ngân hàng là đảm bảo chi trả đầy đủ tiền gửi cho người dân. Hiện nay, gần như chưa có quy định pháp lý cụ thể cho việc này, tuy nhiên sắp tới sẽ có quy định rõ ràng.

Cụ thể, tháng 10/2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo khoản 1 Điều 151d về Biện pháp hỗ trợ đối với phương án xử lý pháp nhân dưới hình thức phá sản của dự thảo Luật sửa đổi, trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi đã được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả theo quy định và cơ chế xử lý từ ngân sách nhà nước đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được.

Tựu chung, từ nay đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua (dự kiến tháng 10/2017), nếu tiến hành phá sản ngân hàng, việc tiền gửi người dân có được đảm bảo toàn bộ hay không còn phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ.

Và dự kiến từ tháng 10/2017 trở đi, chắc chắn tiền gửi người dân tại ngân hàng sẽ được đảm bảo toàn bộ theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tin mới lên