Ngân hàng

Tín dụng cá nhân: Khoảng trống và bước nhảy

(VNF) – Thị trường tín dụng cá nhân đang chứng kiến "bước nhảy lớn", khi mà khoảng trống của từng phân khúc đang từng bước bị lấp đầy không chỉ bởi các ngân hàng, mà còn bởi những tên tuổi khác rất mới.

Tín dụng cá nhân: Khoảng trống và bước nhảy

Khoảng trống từng phân khúc của thị trường tín dụng cá nhân đang từng bước được lấp đầy

Từ chuyện quỹ ngoại rót triệu USD vào công ty cầm đồ

Công ty quản lý quỹ Mekong Capital mới đây đã thông báo, quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) vừa hoàn thành gói đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư F88. Mặc dù không công bố cụ thể khoản đầu tư vào F88, nhưng MEF III thường đầu tư từ 6 - 15 triệu USD cho các khoản đầu tư thiểu số hoặc nắm quyền kiểm soát. Phía F88 cũng xác nhận, Mekong Capital đã đầu tư "hàng triệu USD" vào F88.

Điều đáng chú ý là, F88 là một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ.

F88 được thành lập năm 2013 và có thể coi là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng mô hình hệ thống cầm đồ toàn quốc. Hiện F88 sở hữu 15 cửa hàng tại 8 thành phố lớn. Mục tiêu của doanh nghiệp cầm đồ này là đến năm 2020 sẽ sở hữu chuỗi 300 cửa hàng cung cấp dịch vụ cầm đồ tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Rất rõ ràng, F88 đang bước vào khai phá một "khoảng trống to đùng" của thị trường tín dụng cá nhân, nơi đó chưa có một tên tuổi nào thực sự nổi lên với phân khúc cầm đồ chuyên nghiệp. Không phải phân khúc này không hấp dẫn, mà trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi bước vào lĩnh vực nhạy cảm này là thái độ không mấy thiện cảm của người dân với chính doanh nghiệp.

Cửa hàng F88

Việc F88 nhận được khoản đầu tư triệu USD từ Mekong Capital không chỉ tạo ra "bước nhảy" cho bản thân F88, mà còn gợi mở ra góc nhìn rộng hơn về tín dụng cá nhân, nơi các khoảng trống đang dần được lấp đầy

Khó khăn này hiện lên rất rõ ngay trong chính chia sẻ của ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc F88 tại sự kiện ký kết và công bố chiến lược của Mekong Capital và F88. "F88 đã không ngừng tìm kiếm đối tác đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm đầu tư lâu năm ở thị trường Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, có thể đồng hành cùng F88 xây dựng hệ thống cầm đồ chuyên nghiệp hơn và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của xã hội về ngành nghề này", ông Phùng Anh Tuấn nói. Có lẽ cũng chỉ có những nhà đầu tư nước ngoài mới "dám" đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm tại Việt Nam như lĩnh vực cầm đồ, bởi ở các nước phát triển như Anh, Úc, Mỹ, Nhật…, đây là dịch vụ tài chính rất phổ biến.

Việc Mekong Capital rót triệu USD vào F88 không chỉ tạo ra "bước nhảy" cho bản thân F88, mà còn cho thấy góc nhìn rộng hơn về thị trường tín dụng cá nhân, nơi phương thức kinh doanh truyền thống đang dần bị thay thế bởi những hình thức hiện đại hơn, tiệm cận với các nước phát triển.

Bên cạnh mô hình chuỗi cửa hàng cầm đồ như F88, thị trường cầm đồ chuyên nghiệp cũng xuất hiện loại hình cầm đồ trực tuyến, điển hình như camdonhanh.vn sáng lập bởi quỹ đầu tư John Galt Ventures, hay Vietmoney.vn của Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Việt Money.

Đến cuộc "xâu xé" miếng bánh tín dụng cá nhân giữa các ngân hàng

Nếu như thương vụ đầu tư của Mekong Capital mới chỉ mở ra con đường dài cho F88 trong "mảnh đất màu mỡ " là dịch vụ cầm đồ chuyên nghiệp – một phân khúc của thị trường tín dụng cá nhân, thì đối với các ngân hàng, con đường đến với "miếng bánh" tín dụng cá nhân đang chứng kiến cuộc đua với khát khao "xâu xé" chưa từng có.

Chỉ trong vài năm trở lại đây, khoảng trống rất lớn của thị trường tín dụng cá nhân đã được các ngân hàng đua nhau lấp đầy, dù với chiến lược có phần khác nhau. Nhiều ngân hàng tấn công thị trường tín dụng cá nhân, đặc biệt là hoạt động cho vay tín chấp, vay tiêu dùng, bằng các công ty tài chính chuyên biệt mà tiêu biểu và thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại là trường hợp FE Credit của VPBank, tiếp nối với đó là HD SAISON của HDBank. Thị trường cũng đang đón nhận những tân binh tài chính chuyên biệt mới, chẳng hạn như MCredit của MBBank hay Công ty tài chính tiêu dùng SHB của ngân hàng SHB.

Với nhiều ngân hàng khác, tín dụng cá nhân vẫn được triển khai trong phạm vi ngân hàng chứ không thành lập các công ty tài chính chuyên biệt, nhưng hiệu quả đem lại vẫn cao. Tiêu biểu trong số đó là trường hợp của Techcombank. Đây là 1 trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần có lợi nhuận cao nhất năm 2016 với tín dụng cá nhân chiếm tới khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng. Nhiều ngân hàng khác như SeABank, VIB… cũng lấy mảng bán lẻ làm trụ cột kinh doanh và thường xuyên duy trì tỷ trọng tín dụng cá nhân ở mức trên 50% tổng dư nợ tín dụng.

FE Credit

Thành công bước đầu của FE Credit đã và đang kéo một loạt ngân hàng thành lập công ty tài chính chuyên biệt, tập trung khai thác thị trường tín dụng cá nhân vốn còn nhiều màu mỡ

Ngay cả với các ngân hàng lớn vốn lâu nay thường tập trung vào khách hàng lớn do có nhiều lợi thế trong phân khúc này, nay cũng đã coi tín dụng cá nhân là hướng đi chiến lược. Với Vietcombank, tín dụng cá nhân năm 2016 có mức tăng cao 38,8%, mang lại tỷ lệ lãi biên cao hơn cho nhà băng này, đồng thời kích thích thêm phát triển mảng kinh doanh dịch vụ. Còn với VietinBank, tỷ trọng lợi nhuận của khối doanh nghiệp lớn đã giảm từ mức 90% tổng lợi nhuận, nay chỉ còn dưới 50%, tương ứng với đó là sự nổi lên mạnh mẽ của khối khách hàng cá nhân.

"Bước nhảy lớn" trong lĩnh vực tín dụng cá nhân, đặc biệt là hoạt động cho vay tín chấp, không chỉ đem đến cho các ngân hàng tỷ lệ lãi cao hơn, mà còn có tác động lấn át các hoạt động cho vay bên ngoài, cho vay nóng, tín dụng đen vốn gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Mô hình dịch vụ cầm đồ chuyện nghiệp tương tự như các quốc gia phát triển, với điển hình mới nổi là F88, cũng đang trên con đường tương tự, kỳ vọng sẽ lấn át được hình thức cầm đồ kiểu "xã hội đen" truyền thống.

Rộng hơn nữa, sự "thay máu" trong lĩnh vực tín dụng cá nhân với việc tận dụng những khoảng trống thị trường đang góp những mảng màu lớn trong bức tranh "thay máu" chung của các ngành kinh tế, song hành cùng với những tín hiệu điển hình trong tận dụng khoảng trống thị trường khác như sự thay thế đáng kỳ vọng trong ngành xổ số với sự xuất hiện của Vietlott và loại hình xổ số tự chọn; sự tham gia của Vinmart+, Bách Hóa Xanh vào phân khúc cửa hàng bán lẻ, cạnh tranh với chợ truyền thống và cửa hàng, đại lý nhỏ lẻ; hay kỳ vọng đáng kể ở thị trường nông nghiệp công nghệ cao với gói tín dụng ưu đãi trên 50.000 tỷ đồng theo cam kết từ phía Chính phủ…

Tin mới lên