Ngân hàng

Tồn tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước có lãng phí nguồn lực?

(VNF) - PGS.TS Đào Văn Hùng nêu quan điểm rằng việc tồn tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV là "lãng phí các nguồn lực".

Tồn tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước có lãng phí nguồn lực?

Phát biểu tại hội thảo "Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường: những vấn đề về cải cách thể chế giai đoạn 2016 - 2020", PGS.TS Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho hay, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước hiện nay vẫn chi phối toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Tỷ lệ vốn sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng này hiện vẫn ở mức cao như Vietcombank (77,11%), BIDV (95,28%), Agribank (100%), Vietinbank (64,46%), Ngân hàng Xây dựng (100%), Oceanbank (100%), GPbank (100%), trong khi theo luật có thể giảm tỷ lệ sở hữu về 51% mà không ảnh hưởng đến sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước.

"Cả 4 NHTM nhà nước (Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV) hiện đều là ngân hàng thương mại đa năng, có chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu và chiến lược phát triển tương tự nhau, có hệ thống sản phẩm dịch vụ cơ bản giống nhau. Do vậy, việc tiếp tục để tồn tại cả 4 NHTM nhà nước dẫn đến chính các NHTM này cạnh tranh nhau, vừa không tạo được một ngân hàng tầm cỡ, vừa lãng phí các nguồn lực", PGS.TS Đào Văn Hùng nhận định.

Tuy nhiên, phản biện về vấn đề này, Tiến sỹ Cấn Văn Lực - hàm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho rằng các nước trên thế giới đều duy trì mô hình "Top 4" - bốn ngân hàng lớn như vậy. Úc, Trung Quốc, Mỹ đều có " Top 4", "Top 5" và những ngân hàng đó cạnh tranh với nhau quyết liệt, thậm chí cùng thị phần khách hàng. "Đó là cạnh tranh, là tốt, chứ không phải xấu", ông Cấn Văn Lực khẳng định.

Tại Úc, nếu hai ngân hàng lớn muốn sáp nhập với nhau, dứt khoát không cho sáp nhập bởi vì nó liên quan đến câu chuyện độc quyền. "Do vậy, tôi mong muốn duy trì mô hình "Top 4" này", ông Lực nói.

Tin mới lên