Ngân hàng

Trả góp lãi suất 0% trở thành ‘cơn đau đầu’ với các công ty tài chính

(VNF) - Lãi suất 0%, từ chỗ là phương thức thúc đẩy cho vay tiêu dùng cực kỳ hiệu quả, nay đã trở thành "cơn đau đầu" đối với các công ty tài chính tiêu dùng.

Trả góp lãi suất 0% trở thành ‘cơn đau đầu’ với các công ty tài chính

Biên lợi nhuận các nhà bán lẻ giảm dần đang đẩy chiến lược trả góp lãi suất 0% vào thế khó

Thực tế, lãi suất 0% phần nhiều là xuất phát từ các nhà bán lẻ hơn là xuất phát từ các công ty tài chính.

Lãi suất 0% có thể coi là một hình thức khuyến mãi của nhà bán lẻ kết hợp với công ty tài chính, thay vì các phương thức khuyến mãi truyền thống như giảm giá, tặng quà, mua 1 tặng 1…

Vai trò của các công ty tài chính là cung cấp các khoản tài chính để trả trước cho nhà bán lẻ, sau đó nhận lại tiền theo từng đợt từ người mua. Về bản chất, nhà bán lẻ chính là người trả lãi cho công ty tài chính thay cho người mua, hay gọi mĩ miều hơn là "chia sẻ lợi nhuận".

Vậy nguồn tiền trả lãi thay cho người mua, nhà bán lẻ lấy từ đâu?

Thứ nhất là khoản chi phí mà đáng ra nhà bán lẻ sẽ khuyến mãi theo cách khác thì nay chuyển sang khuyến mãi kiểu lãi suất 0%. Thứ hai, việc bán trả góp lãi suất 0% sẽ kích thích mở rộng thị trường, làm tăng quy mô bán lẻ, từ đó bù đắp được lượng lợi nhuận hụt đi do trả lãi, thậm chí đa phần vẫn dôi ra lợi nhuận nếu so với việc không tiến hành chiến lược bán trả góp lãi suất 0%.

Thứ ba, tiêu cực hơn, là các nhà bán lẻ nâng giá bán trước khi khuyến mãi lãi suất 0%, hoặc bán các mặt hàng kém chất lượng, hay đã lỗi thời…

Nhưng không chỉ nhà bán lẻ, các công ty tài chính cũng có những cách thức khác để gia tăng thêm lãi trong bối cảnh lãi mà nhà bán lẻ trả cho các công ty tài chính còn hạn hẹp, điển hình nhất là xuất hiện các khoản phí mà người mua phải đóng thêm cho các công ty tài chính khi thực hiện trả góp, chẳng hạn như phí thu hộ, phí bảo hiểm…

Sau nhiều năm nở rộ, từ chỗ là phương thức thúc đẩy cho vay tiêu dùng cực kỳ hiệu quả, đến nay, chiến lược trả góp lãi suất 0% đang khiến các công ty tài chính phải "đau đầu" – như lời của Đàm Thế Thái, Phó Tổng giám đốc HD SAISON chia sẻ tại một buổi tọa đàm về tài chính tiêu dùng diễn ra mới đây

"Về lâu dài tất cả chúng ta đều ‘chết’ hết. Margin (biên lợi nhuận – PV) của việc bán máy đang giảm dần, nhà sản xuất, nhà bán lẻ cũng vậy. Các công ty tài chính bây giờ cứ cạnh tranh nhau làm như vậy, chạy đua cạnh tranh người tiêu dùng hưởng lợi nhưng không biết đang gây hại rất nghiêm trọng", ông Đàm Thế Thái đánh giá.

Theo ông Thái, trước bối cảnh biên lợi nhuận của các nhà bán lẻ đang giảm dần, các công ty tài chính tiêu dùng nên ngồi lại với nhau, kết nối với nhau để từng bước loại trừ chương trình lãi suất 0%.

Tuy nhiên, ông Thái nhìn nhận rằng khó có thể thực hiện điều này ngay ngày mai, mà sẽ phải mất khoảng 1, 2 năm.

Tin mới lên