Ngân hàng

Tỷ giá ‘đi đâu mà vội mà vàng’?

Ngày 31/12/2015, tỷ giá hối đoái được các ngân hàng thương mại niêm yết bán ra ở 22.520 đồng/đô la Mỹ. Cuối ngày 18-11-2016 tỷ giá này được chào bán ở mức 22.550 đồng/đô la Mỹ. Ngày thứ Bảy (19-11), các tổ chức tín dụng niêm yết giá bán cao hơn một chút 22.600 đồng/đô la Mỹ do đề phòng cuối tuần tỷ giá tự do có thể biến động. Điều đó đã thành quy luật cho những ngày cuối tuần tại thời điểm tỷ giá có "nhảy nhót".

Tỷ giá ‘đi đâu mà vội mà vàng’?

Gần 11 tháng qua, tỷ giá chính thức của ngân hàng tăng rất nhẹ và tỷ giá trung tâm cùng thời gian cũng chỉ tăng xấp xỉ 1%

Như vậy nhìn lại quãng đường gần 11 tháng qua, tỷ giá chính thức của ngân hàng tăng rất nhẹ và tỷ giá trung tâm cùng thời gian trên do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hàng ngày tăng xấp xỉ 1%.

Trước hết, cần khẳng định tỷ giá như thế là ổn định, giá lên xuống vài chục đồng/đô la Mỹ không có gì phải dè dặt, không có gì phải "đi đâu mà vội mà vàng". Đầu tuần trước NHNN đã ban hành Thông tư 31/2016/TT-NHNN kéo dài thời hạn của những đối tượng được vay ngoại tệ thêm một năm đến ngày 31-12-2017. Đây chủ yếu là những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ, có thể vay ngắn hạn đô la Mỹ nhằm tận dụng lãi suất vay đang ở mức thấp (thấp hơn chừng 50% so với vay bằng tiền đồng). Một số doanh nghiệp đang vay ngoại tệ đã dè chừng tỷ giá để canh trả nợ cuối năm, giờ không còn gì phải lo lắng.

Trong khi đó nhu cầu ngoại tệ để thanh toán của các nhà nhập khẩu trong những tháng cuối năm có khả năng tăng lên, nhưng vẫn chưa thể vượt nguồn cung. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 10-2016 nhập siêu hơn 400 triệu đô la Mỹ, nhưng tính chung 10 tháng Việt Nam vẫn đang xuất siêu 3,2 tỉ đô la Mỹ. Bây giờ đang là mùa cao điểm của kiều hối. Con số nhập siêu tháng 10 vẫn còn thấp hơn nhiều so với lượng kiều hối chuyển về nước trong một tháng.

Yếu tố gì khiến thị trường chộn rộn tuần qua và có thể còn chộn rộn trong một vài ngày sắp tới? Đó chính là sự biến động quá mạnh của các đồng tiền quốc tế và vàng so với đô la Mỹ. Kể từ ngày ông Donald Trump đắc cử, đồng yen Nhật đã trượt giá gần 11% so với đô la Mỹ tính đến ngày 20-11-2016. Sự trượt giá của đồng euro được ghi nhận 6,35%; vàng mất 7% giá trị và giá vàng thế giới đang ở sát ngưỡng 1.200 đô la Mỹ/ounce. Trật tự tiền tệ của thế giới dường như đang chứng kiến một sự đảo lộn và sự thay đổi có lẽ mới chỉ bắt đầu.

Sự thay đổi ấy đang vô cùng có lợi cho Việt Nam. Thứ nhất, phần lớn các khoản nợ của Chính phủ Việt Nam là bằng đồng yen Nhật. Bây giờ đồng yen mất giá càng nhiều, nợ nước ngoài tính theo giá trị tiền đồng càng thấp. Ít nhất thì nợ nước ngoài bằng đồng yen đã giảm hơn 10% chỉ trong chưa đầy hai tuần qua. Nếu đồng yen Nhật về mức 120 yen/đô la Mỹ, thì người mở nút sâm banh đầu tiên hẳn phải là Bộ Tài chính!

Kế đó những khoản vay bằng đồng euro tính ra tiền Việt cũng được lợi. Nợ bằng euro của Chính phủ đứng thứ ba, chỉ sau đồng yen và đô la Mỹ. Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu, chủ yếu là dược phẩm, máy móc, thiết bị... cũng trở nên rẻ hơn, trong khi đơn hàng giày dép hay dệt may xuất đi châu Âu của Việt Nam phần lớn lại được thanh toán bằng đô la Mỹ.

Đồng tiền Việt Nam là đồng tiền chưa chuyển đổi được. Chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của NHNN vẫn là thả nổi có kiểm soát. Việc sử dụng các ngoại tệ khác trong thanh toán của các nhà xuất, nhập khẩu Việt chiếm dưới 10% kim ngạch xuất nhập khẩu, hoàn toàn không đáng kể và không ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái giữa đô la Mỹ và tiền đồng.

Đáng lưu tâm là sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với đồng bạc xanh. Từ đầu năm đến nay đồng nhân dân tệ mất giá gần 6% so với đô la Mỹ. Tuy nhiên trong năm ngoái, tỷ giá đã được NHNN điều chỉnh theo hướng tiền đồng mất giá 5% so với đô la Mỹ. Năm nay tỷ giá trung tâm đã trượt thêm 1%, thì cũng hợp lý. 

Một lưu ý khác là NHNN vẫn chưa nâng giá mua vào ngoại tệ. Giá mua của Sở giao dịch NHNN vẫn ở 22.300 đồng/đô la Mỹ, không đổi từ 12 tháng qua và giá bán được yết kịch trần ở mức 22.775 đồng/đô la Mỹ. Nguồn tin đáng tin cậy từ NHNN cho biết nếu ngân hàng, doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ chính đáng, NHNN sẵn sàng bán ra can thiệp, đáp ứng. Giá bán theo dự đoán của các chuyên gia, sẽ xoay quanh giá trần.

NHNN đã chủ động nâng lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian điều chỉnh tỷ giá trung tâm công bố hàng ngày nhằm thu hẹp dư địa đầu cơ của các chủ thể trên thị trường. Tâm lý đầu cơ đang ngự trị thị trường ngoại tệ liên ngân hàng khi thứ Sáu tuần trước (18-11), buổi sáng tỷ giá mua bán có thời điểm được đẩy lên 22.560 đồng/đô la Mỹ, nhưng rớt rất nhanh lại 22.460-22.465 đồng/đô la Mỹ, rồi khép ngày ở quanh 22.500 đồng/đô la Mỹ. Bộ phận kinh doanh ngoại hối của một số tổ chức tín dụng nhận xét nếu lực cầu có thực, thì tỷ giá liên ngân hàng không thể lên xuống thất thường cả 100 đồng/đô la Mỹ hàng giờ như thế được.

Khảo sát của chúng tôi cũng chỉ ra trạng thái ngoại hối của hầu hết các ngân hàng đang dương. Mức dương trạng thái ngoại hối cũng không thể vượt quá quy định. NHNN cho biết sẽ kiểm soát chặt trạng thái ngoại hối của các ngân hàng nếu cần thiết.

Tin mới lên