Ngân hàng

Vietcombank sẽ lấy lại ngôi đầu?

Với đà 2015, sẽ không bất ngờ nếu Vietcombank lấy lại vị trí dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận.

Vietcombank sẽ lấy lại ngôi đầu?

Năm 2015, lợi nhuận trước trích lập dự phòng của Vietcombank vào khoảng 12.700 tỷ đồng.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa chốt lại số liệu kinh doanh cơ bản năm 2015 với tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận. Từ 2016, ngân hàng từng giữ ngôi đầu hệ thống một thời sẽ bắt đầu trở lại.

Trong quá khứ, Vietcombank từng khẳng định vị trí số 1 trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam về hiệu quả kinh doanh. Con số lợi nhuận từng bằng cả chục thành viên đứng sau cộng lại.

Nhưng, họ đã chậm chân, rồi dần đứng sau những năm gần đây.

Hơn hai năm trước, khi trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo Vietcombank từng nói đến so sánh trên. Họ định hình lại chiến lược, tập trung đổi mới quản trị điều hành và hẹn một sự trở lại chắc chắn và thuyết phục hơn.

Giá trị của sự khác biệt

Như nhiều ngân hàng khác, 2011 từng là năm đỉnh cao lợi nhuận của Vietcombank, với 5.938 tỷ đồng trước thuế. Đến 2012, dấu trừ đầu tiên xuất hiện ở tốc độ lợi nhuận, xuống còn 5.547 tỷ đồng trước thuế. Sự hồi phục thể hiện trong 2013 và 2014, nhưng quá nhẹ, chỉ với mức tăng trưởng 0,6% và 1,7%.

Nhìn vào dữ liệu thống kê, dễ nhận thấy nguyên do tốc độ lợi nhuận Vietcombank kém đi trước hết nằm ở mức độ sử dụng vốn. Trong năm đỉnh cao 2011, tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) ở mức 90,6%, rồi liên tục giảm nhanh chỉ còn 76,5% năm 2014.

Vietcombank có thể cho rằng, trong bối cảnh khó khăn và nợ xấu nổi lên, khẩu vị rủi ro đã thay đổi và họ khó đẩy mạnh vốn ra thị trường. Dù thế nào thì hệ số sử dụng vốn thấp như trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

Đến 2015, số liệu ước tính ban đầu cho thấy, sau bốn năm, Vietcombank đã chính thức vượt qua được kỷ lục lợi nhuận 2011, đạt khoảng 6.700 tỷ đồng trước thuế; tốc độ tăng trưởng trên 16% cũng là sự bứt phá so với bình quân chỉ 1,1% giai đoạn 2011-2014. Gắn với yếu tố trên, tỷ lệ LDR năm qua đã được nâng trở lại với khoảng 79%.

Dù hệ số sử dụng vốn đã được nâng lên, nhưng hướng trở lại trên còn nhờ tới hai yếu tố khác nữa - hai giá trị của sự khác biệt, có thể nói là riêng có tại ngân hàng này.

Trước hết, đó là nguồn lực đầu vào có chi phí thấp. Cho đến nay, Vietcombank vẫn là một trường hợp để thị trường xem xét ở khía cạnh này.

Từ năm 2014, Vietcombank bắt đầu xoay chuyển và định hình lại cơ cấu vốn huy động, gắn với thay đổi trong quan điểm quản trị và điều hành. Tỷ trọng nguồn vốn chi phí thấp trong tổng huy động đã tăng mạnh hai năm qua, đến 2015 đã đạt khoảng 29%.

Riêng năm 2015, dù nằm ngoài các đợt tăng lãi suất phổ biến ở nhiều thành viên khác, dù áp lãi suất thấp nhất trên thị trường, nhưng huy động vốn Vietcombank vẫn tăng tới 18,3%, cao hơn nhiều mức khoảng 13% bình quân ngành. Ở một góc độ nhất định, uy tín và vị thế thương hiệu giúp ngân hàng thu hẹp được khoảng cách cạnh tranh lãi suất.

Giá trị khác biệt trên đã góp phần giúp Vietcombank cải thiện lợi nhuận. Vốn đầu vào thuận lợi cùng chi phí thấp giúp cạnh tranh cho vay tốt hơn.

Hai năm qua, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đều cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành, cơ cấu tín dụng chuyển dụng tích cực với sự tăng mạnh của dư nợ cho vay bán lẻ. Năm 2015, nếu tính tăng trưởng tín dụng với nguồn sử dụng vốn tăng thêm, ngân hàng này có được tốc độ tới 28%.

Vốn đầu vào thuận lợi cùng chi phí thấp cũng là yếu tố giúp cải thiện tỷ lệ lãi biên (NIM). NIM của Vietcombank liên tục giảm nhanh từ sau năm đỉnh cao 2011, từ mức tới 3,74% xuống lần lượt còn 2,83%, 2,47% và 2,29% năm 2014. Dù vẫn còn thấp hơn bình quân ngành (khoảng 2,8%), nhưng NIM của ngân hàng này đã bắt đầu cải thiện lên 2,55% năm qua.

Góp thêm nữa vào sự trở lại của lợi nhuận là nguồn thu phi tín dụng - giá trị của sự khác biệt thứ hai tại Vietcombank. Từ năm 2014 cho đến nay, đây vẫn là ngân hàng thương mại nhà nước duy nhất, và cũng là một trong số rất ít trên toàn hệ thống, tạo được tỷ trọng nguồn thu phi tín dụng trên 30% cơ cấu lợi nhuận.

Lấy lại ngôi đầu?

Sẽ không đầy đủ nếu xét lợi nhuận Vietcombank kém đi ba năm sau 2011 chỉ vì hệ số sử dụng vốn quá thấp. Nợ xấu là vấn đề lớn, níu kéo lớn.

Trong khi một số ngân hàng thương mại nhà nước khác báo cáo tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng trên dưới 1%, thì hai năm qua Vietcombank từng vài lần mấp mé trên dưới 3%. Dù "tự hào" là nói thực, là chủ động áp dụng các chuẩn mực cao trong phân loại nợ từ rất sớm, nhưng đó vẫn là một tỷ lệ cao.

Quan trọng hơn là quan điểm đối diện với nợ xấu, sức ép về thành tích lợi nhuận. Vietcombank đã chọn đối diện với nợ xấu trước, lợi nhuận nhẹ bước sau.

Có một điểm rất nổi bật khi nhìn lại chuỗi thống kê. 2014 và 2015, lượng nợ xấu ngân hàng này thu hồi được đột biến, với 1.796 tỷ và 2.078 tỷ đồng thu nợ ngoại bảng. Trong khi các năm trước chỉ thu hồi được 212 tỷ, 366 tỷ trong 2011 và 2012, hay có tốt hơn từ 2013 với 855 tỷ đồng.

Từ năm 2013, khi Vietcombank bắt đầu có thay đổi nhân sự cao cấp, ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc khi đó, nói với VnEconomy rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo là tập trung quản trị được rủi ro nợ xấu, bên cạnh những mức tăng trưởng hợp lý ở các chỉ tiêu khác.

Đến nay, Vietcombank trở thành hiện tượng trong hệ thống, khi là ngân hàng có tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro so với tổng dư nợ xấu ở mức cao nhất, đạt 95% năm 2014 và trên 100% năm 2015. Có lẽ năm qua đây là ngân hàng Việt Nam duy nhất có lượng dự phòng lớn hơn cả nợ xấu.

Dĩ nhiên gia tăng trích lập dự phòng tỷ lệ nghịch với kết quả lợi nhuận. Phía sau con số khoảng 6.700 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2015 là quy mô gần 6.000 tỷ đồng trích lập dự phòng dồn thêm. Nếu tính lợi nhuận trước dự phòng, năm vừa qua Vietcombank đạt quy mô khoảng 12.700 tỷ.

Với tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro so với tổng dư nợ xấu đã trên 100%, tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 1,8%, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank dự tính: "Chúng tôi tin tưởng rằng từ năm 2016, Vietcombank sẽ kiểm soát được chất lượng tín dụng và chặn đứng, thậm chí có thể giảm được mức trích lập dự phòng rủi ro".

Dù chưa tiết lộ chỉ tiêu kế hoạch, nhưng với thông tin trên, khi đã chặn đứng và thậm chí hoàn nhập dự phòng, lợi nhuận của Vietcombank năm 2016 dự báo sẽ rất khác.

Sau nhiều năm đánh mất, sẽ không bất ngờ nếu Vietcombank lấy lại ngôi đầu hệ thống về chỉ tiêu lợi nhuận. Nhiệm vụ trở thành ngân hàng số 1 của Việt Nam mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao cách đây hai năm dự kiến cũng sẽ sớm hiện thực.

Từ khoá: Vietcombank, lợi nhuận,
Tin mới lên