Ngân hàng

VPBank đạt kết quả kinh doanh tốt nhờ tối đa hóa hiệu suất hoạt động

(VNF) – VPBank báo lãi trước thuế lên đến 4.900 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử ngân hàng này và nhiều khả năng sẽ là ngân hàng tư nhân có lợi nhuận dẫn đầu Việt Nam trong năm 2016. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VPBank đạt 13,03%, vượt xa quy định 9% của NHNN.

VPBank đạt kết quả kinh doanh tốt nhờ tối đa hóa hiệu suất hoạt động

Lãi trước thuế năm 2016 của VPBank lên đến 4.900 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016, theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 4.900 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử ngân hàng này. Nếu tính lợi nhuận của riêng Ngân hàng, con số là hơn 3.400 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh này, nhiều khả năng VPBank sẽ là ngân hàng tư nhân có lợi nhuận dẫn đầu Việt Nam trong năm 2016.

Đi sâu hơn, lợi nhuận năm 2016 tăng chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, đạt 15.100 tỷ, tăng 4.500 tỷ đồng so với năm trước. Ngoài ra, tăng thu từ nợ đã xử lý rủi ro cũng đóng góp một phần đáng kể vào lợi nhuận của VPBank với con số đạt 715 tỷ đồng, tăng 180% so với năm 2015.

Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí hoạt động chỉ ở mức tăng 16% so với 2015. Theo phía VPBank, đây là kết quả của việc thực hiện một số biện pháp tiết kiệm, tối ưu hóa chi phí, bao gồm sắp xếp cơ cấu lại bộ máy bán hàng, đồng thời đẩy mạnh mô hình tập trung bộ máy hỗ trợ.

VPBank

Với 4.900 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2016, nhiều khả năng VPBank sẽ dẫn đầu về lợi nhuận trong hệ thống các ngân hàng tư nhân

Kết thúc năm 2016, tổng tài sản của VPBank đạt gần 226 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% từ mức 194 nghìn tỷ đồng năm 2015. Tổng huy động vốn trong năm qua đạt 172 nghìn tỷ đồng, tăng 13,15% so với năm 2015, trong đó tỷ trọng cơ cấu huy động dài hạn đã tăng đáng kể so với năm trước, từ 40% tại ngày 31/12/15 lên 50,4% tại ngày 31/12/16. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 13,03%, tiếp tục duy trì ở mức cao hơn so với quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước.

Tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2016 của ngân hàng đạt mức 17,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của ngành trong năm nay, trong đó, tăng trưởng của hoạt động bán lẻ, bao gồm phân khúc Khách hàng cá nhân, Micro SME và SME đóng góp phần lớn vào tổng tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2016. Ngược lại, tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản đã giảm từ 19,5% cuối năm 2015 xuống còn 15,8% cuối năm 2016.

Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đã giảm từ mức 2,43% trong năm 2015 xuống còn 2,03% tính đến cuối năm 2016. Phía VPBank cho biết, đây là kết quả của việc thực hiện một loạt các biện pháp xử lý và kiểm soát nợ xấu.

Tin mới lên