Ngân hàng

VPBank tuyển nhân viên lương 100 triệu/tuần: Chỉ là chiêu trò PR gây sốc?

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội cho rằng thông tin tuyển dụng của VPBank chỉ là chiêu trò PR gây sốc, tạo hiệu ứng và ít tốn kém về chi phí do tạo được sự kiện nóng.

VPBank tuyển nhân viên lương 100 triệu/tuần: Chỉ là chiêu trò PR gây sốc?

VPBank đăng tuyển nhân viên với mức lương 100 triệu đồng/tuần

Còn thực tế, nếu gọi 100 triệu đồng/tuần là lương thì không đúng, vì đã là lương thì người ta có quyền tiêu theo sở thích và nhu cầu của bản thân.

Cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) vừa có thông tin tuyển dụng gây sốc trên thị trường với mức lương 100 triệu/tuần cho một ứng viên duy nhất được ngân hàng này tuyển dụng.

Cụ thể, điều kiện ứng tuyển cho công việc mà VPBank đưa ra là công dân Việt Nam, trong độ tuổi từ 20 đến 40, có ít nhất một nguồn thu nhập bất kỳ (đi làm chính thức, làm thêm, tự doanh…); không phân biệt giới tính, trình độ học vấn, chuyên môn, nơi sinh sống; tin rằng mình có khả năng cân đối chi tiêu và tổ chức cuộc sống hợp lý để chi tiêu 100 triệu trong một tuần.

Ngoài ra, ứng viên biết sử dụng mạng xã hội, sẵn sàng khám phá những trải nghiệm mới lạ, biết cách tận hưởng cuộc sống... "Nếu hội đủ các điều kiện trên hãy tham gia ứng tuyển để có cơ hội nhận ngay 100 triệu đồng chỉ trong một tuần", thông báo ghi.

Chương trình tuyển dụng này bắt đầu từ ngày 20.7 và kết thúc nhận ứng tuyển ngày 10.8. Cuối cùng, ban tuyển dụng sẽ chọn ra một ứng viên duy nhất thắng cuộc vào tuần thứ 3 của tháng 8.2016.

Đại diện ngân hàng VPBank cho biết, đây là thông tin tuyển dụng thật và rất nghiêm túc. Công việc thực sự là tự ứng viên trải nghiệm các dịch vụ của một loại thẻ tín dụng mới của ngân hàng, từ mua sắm offline đến online, giáo dục, bảo hiểm, giải trí, du lịch... sao cho hết 100 triệu đồng trong vòng một tuần (có thể chi tiêu cùng với tối đa 5 người bạn khác).

"Đây là hình thức tuyển dụng được nhà băng áp dụng lần đầu và được xem là phương thức truyền thông mới hướng đến giới trẻ qua trải nghiệm thực tế của họ với dịch vụ ngân hàng, không qua bất kỳ rào cản hoặc trung gian nào khác", vị này chia sẻ.

Bình luận về chiêu tuyển dụng của VPBank, giám đốc chi nhánh một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội đặt câu hỏi: VPBank thi chọn một người biết chi tiêu có kế hoạch và bắt chi tiêu thật cho hết 100 triệu đồng/tuần. Vậy có thể coi 100 triệu đồng là lương được không?

"Nếu là lương sau khi phải làm cái việc tiêu tiền một cách có kế hoạch đó thì phải trả thêm 100 triệu đồng nữa để người ta muốn tiêu dùng gì thì tiêu. Như vậy mới gọi là lương chứ", vị này bình luận.

Theo vị này, số tiền này nên gọi là phần thưởng cho một cuộc thi "thi tìm ra người biết chi tiêu có kế hoạch nhất", và phần thưởng đó, người đoạt giải được toàn quyền sử dụng các sản phẩm mà họ đã mua, như thế mới chính xác.

"Nhưng nếu gọi là thưởng thì không gây sốc với truyền thông, vì có nhiều doanh nghiệp thưởng còn khủng hơn. Vậy nói trả lương 100 triệu/tuần một tuần thì mới gây sốc với giới truyền thông, gây tâm lý tò mò cho người đọc báo và xem truyền hình. Như vậy việc làm này chỉ là một chiêu PR. Xem ra đây là chiêu P/R rất hiệu quả, ít tốn kém về chi phí do tạo ra sự kiện nóng, báo đài bình luận nên VPBank không tốn tiền quảng cáo", vị này bình luận.

Vị giám đốc chi nhánh này bình luận thêm, với số tiền 100 triệu đồng, người được tuyển dụng phải chi tiêu cho có kế hoạch và phải tiêu trong 1 tuần. "Mà trong 1 tuần đó VPBank không cho biết người tiêu tiền phải làm những gì có liên quan đến việc PR hình ảnh là bao nhiêu? Rồi lại chưa trừ đi chi phí tiền lương/tiền công mà người dự thi phải nghỉ làm, hoặc phải nghỉ kinh doanh. Nếu trừ thì người đoạt giải sẽ hưởng lợi thấp hơn 100 triệu đồng nhiều", vị này phân tích.

Theo vị giám đốc chi nhánh này, trong bối cảnh hoạt động ngân hàng đang còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong hoạt động còn lớn, việc tung ra "chiêu" này cũng không phải là phù hợp.

"Việc PR như thế này chỉ chứng tỏ ngân hàng không còn có những gì hay hoặc độc đáo để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, nên phải sáng tạo ra các chiêu trò câu khách, như vậy lợi bất cập hại. Bởi với ngân hàng, uy tín có được trong lòng khách hàng là sự an toàn, bảo mật và sự chắc chắn chứ không phải là các chiêu trò gây sốc", vị này bình luận.

Tin mới lên