Ngân hàng

Xử lý nợ xấu: Chu trình mới hay tiếp chu trình cũ?

(VNF) – Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết, nghĩa là có giới hạn thời gian, không gian xử lý nợ xấu, nếu có mở ra một chu trình mới, thì sẽ trở về chu trình cũ khi hết thời hạn Nghị quyết.

Xử lý nợ xấu: Chu trình mới hay tiếp chu trình cũ?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giới hạn thời gian, không gian xử lý nợ xấu theo như dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu là không phù hợp

Nếu có mở ra một chu trình mới, kể cả khi chưa hết thời hạn Nghị quyết, thì nợ xấu mới phát sinh sau ngày 31/12/2016 vẫn sẽ được xử lý theo chu trình cũ.

Vội vàng, có hay không?

Xử lý nợ xấu, từ chỗ được kỳ vọng sẽ có luật riêng, thậm chí Chính phủ đã có tờ trình, dự thảo về luật riêng, nay lại tách thành 2 phần: Nghị quyết của Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật các tổ chức tín dụng. Trong khi Nghị quyết được xem xét thông qua ngay trong kỳ họp này, thì Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD lại được xem xét, thông qua tại kỳ họp sau. Đâu đó đã hình dung thấy một sự vội vàng nhất định.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tại một cuộc hội thảo về xử lý nợ xấu gần đây đã bày tỏ băn khoăn về quy trình xây dựng nghị quyết xử lý nợ xấu. Ông Cầu cho biết, sau khi xem xét, nghị quyết này có đến 8 xung đột với các quy định khác. 

Ông Cầu đặt câu hỏi rằng, dự thảo nghị quyết đã lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, bao gồm Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Tài chính, Bộ Tư Pháp, Bộ Công An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay chưa?

Trả lời kiến nghị của đại biểu Cầu, ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội rằng, vì thời gian, thời hạn thay đổi lại các quy trình (tách Luật riêng thành Nghị quyết Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD – PV), Ủy ban Kinh tế theo chỉ đạo của Quốc hội đã lấy ý kiến của Tòa án, Viện kiểm sát và Bộ Công An riêng đối với nghị quyết này.

Cần lấy ý kiến 8 Bộ, nhưng riêng với Nghị quyết xử lý nợ xấu lần này chỉ lấy ý kiến 3 Bộ, có hay không một sự vội vàng?

Vội vàng, nếu có, trong bối cảnh xử lý nợ xấu là yêu cầu rất cấp bách, khi tỷ lệ nợ xấu thực tế theo báo cáo của Chính phủ ước tính lên đến 10,08%, tương đương với khoảng 550.000 tỷ đồng nợ xấu, cũng là điều dễ hiểu.

Xử lý nợ xấu

Vì tính cấp bách, trong khi thông qua Luật riêng sẽ mất nhiều thời gian nên NHNN đành phải chọn giải pháp không trọn vẹn là tách Luật riêng ra làm 2 phần gồm Nghị quyết xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD

Tách Luật riêng thành Nghị quyết, trong khi Nghị quyết chỉ mang tính tạm thời, có thời hạn thực hiện (5 năm), có giới hạn thực hiện (chỉ áp dụng với nợ xấu phát sinh trước ngày 31/12/2016), đã sinh ra nhiều ý kiến trái chiều.

Trưởng Ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình, người từng giữ chức Thống đốc NHNN thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Nợ xấu nào chả là nợ xấu? Hôm qua, hôm nay hay ngày mai có phát sinh thì vẫn là nợ xấu, phải chăng nợ xấu hôm trước có gì đặc biệt, quy định như thế phải chăng có gì ưu ái với các khoản nợ xấu cũ?".

Ông Bình đề nghị, không nên quy định đến ngày nào cả, mà nên quy định xử lý nợ xấu theo nghị quyết đến khi nào mặt bằng pháp luật đồng bộ thì chuyển sang làm theo luật.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp của LienVietPostBank cho rằng nếu Nghị quyết có thời hạn, có giới hạn thì như vậy chỉ là "đẽo cày giữa đường".

"Thế từ 2017 về sau có nợ xấu không? Suốt 100 năm sau vẫn nợ xấu. Thế cho nên nếu mà cho đúng thì chúng ta phải luật hóa chứ không phải nghị quyết", nguyên Phó Chủ tịch LienVietPostBank nêu quan điểm.

Trái lại, theo quan điểm của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nghị quyết xử lý nợ xấu là để giải quyết một vấn đề cấp bách nên phải có thời hạn, giới hạn, không để phát sinh tâm lý ỷ lại tại các TCTD.

Với động thái ban đầu là trình Luật riêng về xử lý nợ xấu, rõ ràng NHNN không mong muốn luật riêng sẽ bị tách ra. Tuy nhiên, vì tính cấp bách, trong khi thông qua Luật sẽ mất nhiều thời gian nên NHNN đành phải chọn giải pháp không trọn vẹn là tách Luật riêng ra làm 2 phần. Tranh cãi cũng phát sinh từ đó.

Tại sao NHNN muốn ban hành Luật riêng? Tại sao ông Nguyễn Văn Bình, hay ông Nguyễn Đức Hưởng lại phản đối việc giới hạn thời gian, không gian xử lý nợ xấu?

Chu trình mới hay tiếp chu trình cũ?

"Con số trên 50.000 tỷ hiện xử lý được vẫn được thực hiện bằng một chu trình rất cũ là đôn đốc, động viên khách hàng trả nợ, xử lý các tài sản đảm bảo theo cách cũ là khởi kiện ra tòa", ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT VietinBank bộc bạch về con số trên 50.000 tỷ đồng mà VAMC xử lý được kể từ khi ra đời đến nay.

Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết, nghĩa là có giới hạn thời gian, không gian xử lý nợ xấu, nếu có mở ra một chu trình mới như mong đợi của vị chủ tịch VietinBank, thì sẽ lại khép lại khi hết thời hạn Nghị quyết. Chu trình cũ theo đó lại tiếp tục.

Ngay cả khi chưa hết thời hạn Nghị quyết, nợ xấu mới phát sinh sau ngày 31/12/2016 vẫn sẽ được xử lý theo chu trình cũ.

Xử lý nợ xấu

Nghị quyết xử lý nợ xấu nếu có mở ra một chu trình mới thì chu trình mới ấy cũng bị giới hạn về thời gian, không gian, bởi chính Nghị quyết đã bị giới hạn về thời gian, không gian xử lý nợ xấu

Lật lại ý kiến của ông Nguyễn Văn Bình, vị cựu Thống đốc cho rằng "nên quy định xử lý nợ xấu theo nghị quyết đến khi nào mặt bằng pháp luật đồng bộ thì chuyển sang làm theo luật" cũng là với ý xử lý nợ xấu phải theo chu trình mới, không quay lại chu trình cũ.

Hay như ý kiến của ông Nguyễn Đức Hưởng, rằng "chúng ta phải luật hóa chứ không phải nghị quyết" cũng là có ý này.

Mua bán nợ xấu – khúc mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu?

Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu có 2 điểm rất đáng chú ý, được kỳ vọng sẽ tạo ra chu trình mới trong xử lý nợ xấu, đó là: cho phép bán nợ xấu theo giá thị trường (có thể thấp hơn giá trị ghi sổ) và đối tượng mua nợ xấu có thể bao gồm cả các pháp nhân và thể nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

2 nội dung này được kỳ vọng sẽ tạo ra khuôn khổ căn bản hình thành thị trường mua bán nợ xấu thực thụ.

Thực tế, trên thị trường hiện chỉ có 2 đơn vị tham gia mua bán các khoản nợ xấu là Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) - đơn vị tích cực nhất trên thị trường trong thời gian qua và VAMC. Trong đó, VAMC chủ yếu mới chỉ mua theo chỉ định, tạm thời nhận nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Nói về thực trạng bán nợ xấu, Chủ tịch VietinBank Nguyễn Văn Thắng bộc bạch rằng: thương lượng bán nợ xấu rất khó vì nhiều khi bên ngân hàng không thể đàm phán được giá vì DATC tự thiết lập giá theo kiểu "anh bán thì bán mà không bán thì thôi".

Nợ xấu được xử lý lâu nay chủ yếu vẫn là đi thu nợ, hoặc ngân hàng thương mại tự "cắt lợi nhuận" để trích lập dự phòng.

Vì sao mua bán nợ xấu được coi là khúc mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu? Vì sao hình thành thị trường mua bán nợ xấu thực thụ là điểm căn bản trong hình thành chu trình mới về xử lý nợ xấu?

Xử lý nợ xấu

Hình thành thị trường mua bán nợ xấu thực thụ sẽ tạo ra chu trình mới trong xử lý nợ xấu?

Tiếp cận số liệu của VAMC, tính đến hết ngày 14/2/2017, VAMC có tổng cộng 21.029 khoản nợ với tổng dư nợ gốc là 278.912 tỷ đồng.

Về giá trị TSBĐ cho 278.912 tỷ đồng dư nợ gốc này, phía VAMC không tiết lộ cụ thể. Tuy nhiên, VAMC có công bố một bảng thống kê có thể giúp hình dung được lượng TSBĐ tại tổ chức này là lớn thế nào.

Cụ thể, tính đến ngày 14/2/2017, VAMC có 52.237 TSBĐ có giá trị dưới 100 tỷ đồng, 554 TSBĐ có giá trị từ 100 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng, 137 TSBĐ có giá trị từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng và 125 TSBĐ có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Với một bài toán đơn giản, là coi tất cả TSBĐ có giá trị dưới 100 tỷ đồng chỉ có giá 1 tỷ đồng, coi tất cả TSBĐ có giá trị từ 100 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng chỉ có giá 100 tỷ đồng (giá tối thiểu), coi tất cả TSBĐ có giá trị từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng chỉ có giá 500 tỷ đồng và coi tất cả TSBĐ có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên chỉ có giá 1.000 tỷ đồng, thì theo tính toán, tổng giá trị của tất cả TSBĐ tại VAMC sẽ ở mức 301.137 tỷ đồng, lớn hơn tổng giá trị của các khoản nợ gốc tại VAMC hiện đang ở mức 278.912 tỷ đồng.

Nên nhớ, con số 301.137 tỷ đồng mới chỉ là con số gần như tối thiểu. Con số ghi sổ thực tế có thể gấp tới vài lần. Vì thế, dù cho có định giá lại lượng TSBĐ này theo giá thị trường, các khoản nợ xấu vẫn sẽ rất hấp dẫn bởi giá trị của TSBĐ.

Xử lý nợ xấu, theo đó, nếu hình thành được thị trường mua bán nợ xấu thực thụ, nơi nhiều người bán và đặc biệt là nhiều người mua, có thể thiết lập chu trình mới trong xử lý nợ xấu.

Tin mới lên