Tài chính

Nghị định mới về CPH: Giảm trình, tôn trọng thị trường

(VNF) - Chính phủ đã ban hành Nghị định mới với nhiều nội dung thông thoáng hơn nhằm thúc nhanh cổ phần hóa

Nghị định mới về CPH: Giảm trình, tôn trọng thị trường

Nghị định mới về CPH: Giảm trình duyệt và tôn trọng thị trường

Chính phủ vừa ban Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Giảm tình trạng "trình lên Thủ tướng"

Trao đổi với chúng tôi về việc ban hành văn bản này, một chuyên gia tài chính cho hay nghị định sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc pháp lý mà tiến trình cổ phần hóa đang gặp phải lâu nay.

Điểm nhấn quan trọng của Nghị định này là đã tăng quyền, tăng trách nhiệm cho các chủ sở hữu và sửa đổi quy định còn vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp, một khâu quan trọng trong quá trình cổ phần hóa DNNN.

Cụ thể, trước đây các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án cổ phần hóa sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa.

Để giảm các công việc có tính sự vụ cho Thủ tướng Chính phủ và gắn trách nhiệm cho các các Bộ ngành và địa phương, nghị định mới đã quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa theo quy định của pháp luật.

Đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt (như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác) khi thực hiện cổ phần hóa mà phương án cổ phần hóa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa".

Về quyền của chủ sở hữu, nghị định mới nêu rõ: "Khi thực hiện cổ phần hóa mà phương án cổ phần hóa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn sở giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá".

Tôn trọng giá trị thị trường

Về xác định giá trị doanh nghiệp, thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp có khoản đầu tư tài chính dài hạn tại các doanh nghiệp khác mà các doanh nghiệp được đầu tư bị lỗ, mất vốn, thì giá trị các khoản đầu tư này đã thấp hơn giá trị trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng doanh nghiệp vẫn phải lấy giá trị ghi trên sổ sách kế toán để tính vào giá trị doanh nghiệp.

Trong khi đó, các khoản trích dự phòng mà doanh nghiệp đã trích lại phải hoàn nhập tăng vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp, dẫn tới việc định giá phản ánh không đúng giá trị thực của doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.

Vì vậy, nghị định mới đã sửa đổi nội dung này theo hướng: "Trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác khi đánh giá, xác định lại có giá trị thực tế thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì được xác định theo giá trị thực tế xác định lại."

Điều này cho thấy, việc định giá đã được điều chỉnh theo hướng thị trường, căn cứ vào giá trị thực tế tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Một số điểm mới đáng chú ý

Về cơ cấu vốn cổ phần lần đầu, Nghị định mới chỉ quy định chung về cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư khác, thay cho quy định cụ thể cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư khác không thấp hơn 25% vốn điều lệ (trừ trường hợp quy định), số cổ phần bán cho các nhà đầu tư khác không thấp hơn 50% số cổ phần nêu trên.

Bên cạnh đó, Nghị định vẫn giữ nguyên quy định đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khácvà các công ty mẹ thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thì tỷ lệ cổ phần đấu giá bán cho các nhà đầu tư do Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền xem xét, quyết định cụ thể.

Về tổ chức đấu giá công khai, ngoài quy định hiện hành, Nghị định mới bổ sung quy định đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt khi thực hiện cổ phần hóa mà phương án cổ phần hóa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì người đứng đầu Bộ ngành, địa phương quyết định lựa chọn Sở giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá.

Về bổ sung chính sách ưu đãi cho người lao động, Nghị định mới quy định những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa thực hiện được IPO trong thời gian 90 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa thì doanh nghiệp được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt. 

Chênh lệch giữa giá bán cho người lao động, cho tổ chức công đoàn (nếu có) so với mệnh giá cổ phần được trừ vào giá trị phần vốn nhà nước khi quyết toán tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Tin mới lên