Tài chính

'Ngôi sao sáng' An Giang Agifish đang dần vụt tắt

(VNF) - Từ vị trí là một ngôi sao trong ngành thủy sản, Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish, HOSE: AGF) bỗng dưng làm ăn sa sút rồi rơi vào tay của Công ty Thủy sản Hùng Vương (HVG) và lâm cảnh lay lắt.

'Ngôi sao sáng' An Giang  Agifish đang dần vụt tắt

Mới đây nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ra quyết định đưa cổ phiếu AGF vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 7/3/2018. Ngôi sao sáng một thời của ngành thủy sản từng được chào mua với giá 155.000 đồng/cổ phiếu (tháng 3/2007) nay chỉ còn ở mức giá... 2 ly trà đá (khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu).

Trái đắng đa ngành

Agifish được thành lập năm 2001. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, năm 2002 cổ phiếu AGF đã được niêm yết tại HoSE và là đơn vị đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá basa, cá tra fillet sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Hoa Kỳ, Úc, Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu.

Thời "hoàng kim" của mình (năm 2007), Agifish thuộc hàng công ty có sản lượng xuất khẩu cá tra lớn nhất sang thị trường châu Âu và Mỹ. Giá cổ phiếu của Agifish có lúc tăng lên đến 155.000 đồng/cổ phiếu (tháng 3/2007).

Thế nhưng, chỉ một năm sau đó, AGF bắt đầu làm ăn thua lỗ. Nguyên nhân của việc thua lỗ này đến từ việc AGF có... quá nhiều tiền.

Cụ thể, năm 2007, AGF phát hành một lượng lớn cổ phiếu để tăng vốn và thu về hơn 385 tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vì dùng số tiền này đầu tư vào lĩnh vực thủy sản, AGF lại đem đi đầu tư tài chính, góp vốn vào các công ty liên doanh liên kết... và kết quả là bị thua lỗ. Giá cổ phiếu AGF bắt đầu lao dốc, từ mức trên 155.000 đồng/cổ phiếu về mức 25.000 đồng/cổ phiếu (tháng 8/2008).

Khi nhiều nhà đầu tư lớn bán ra cổ phiếu AGF, Hùng Vương đã chớp cơ hội mua vào. Đến cuối năm 2008, Hùng Vương đã nắm giữ khoảng 21% vốn của Agifish.

Đến tháng 3/2010, Hùng Vương đã nâng tỷ lệ nắm giữ lên 51% và nắm quyền chi phối hoạt động của công ty này. Từ đây, nhiều nhà đầu tư hy vọng AGF sẽ trở về thời hoàng kim của mình. 

Bằng chứng là các năm 2011, 2012 doanh thu của AGF tăng gần gấp đôi so với những năm trước, ở mức 2.762 tỷ đồng (năm 2011) và 2.811 tỷ đồng ( năm2012) so với con số 1.780 tỷ đồng (năm 2010).

Đặc biệt, năm 2011, AGF được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) chứng nhận là doanh nghiệp nằm trong top 3 về xuất khẩu cá tra.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2013, vị thế trong xuất khẩu thủy sản của AGF giảm mạnh về vị trí thứ 7 với giá trị xuất khẩu đạt 112,7 triệu USD.

Bước sang năm 2014, AGF tiếp tục tụt hạng từ vị trí số 7 xuống đến số 14. Không chỉ vậy, giá trị xuất khẩu năm 2014 của AGF cũng giảm gần 25% so với năm 2013. Cũng trong năm này, Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (mã chứng khoán PAN) đã bán hết 5,2 triệu cổ phiếu AGF (tương đương 20,53% vốn điều lệ). Trong khi đó, Hùng Vương đã tiếp tục mua thêm và nâng sở hữu hơn 20,3 triệu cổ phiếu AGF (tương đương 79,58% vốn điều lệ).

Từ năm 2015 đến nay, liên tục AGF báo kết quả kinh doanh giảm sút và lỗ nặng. Trong đó, năm 2017 kết quả kinh doanh sau kiểm toán, Agifish lỗ ròng 187 tỷ đồng, chênh lệch đến 191 tỷ đồng so với con số lãi 4 tỷ đồng mà DN này tự lập.

Bước sang năm 2018, báo cáo tài chính quý I niên độ tài chính 2017 – 2018 (kỳ kế toán của AGF bắt đầu từ 1/10), AGF tiếp tục lỗ ròng 96,4 tỷ đồng, mức lỗ nặng so với khoản lãi 1,6 tỷ đồng năm trước.

Kết quả này cùng với việc bị HoSE đưa vào diện kiểm soát đặc biệt khiến cổ phiếu AGF liên tục giảm sàn. Trong phiên giao dịch hôm nay 2.3, cổ phiếu AGF giảm kịch sàn về mức 7.150 đồng/cổ phiếu (-6,9%).

"Làm thuê" cho ngân hàng

Bên cạnh gánh nặng thua lỗ do đầu tư ngoài ngành cách nay hơn chục năm khiến AGF chịu ảnh hưởng trong thời gian dài, việc chi phí tài chính, gánh nặng nợ vay khiến Thủy sản An Giang "khốn đốn" vì lãi vay trong nhiều năm qua. Hiện nợ phải trả của AGF là 1.139 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đến 98%. Nợ ngắn hạn của AGF hiện đã tiệm cận tài sản ngắn hạn (1.114 tỷ đồng/1.271 tỷ đồng).

Riêng nợ vay của AGF hiện tại là 761 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nợ phải trả và gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Chưa kể, AGF hiện đang có khoản lỗ lũy kế 188,7 tỷ đồng.

Rõ ràng, việc thanh toán các khoản nợ vay nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào việc hoạt động kinh doanh thuận lợi hay không. Nếu thị trường không thuận lợi, áp lực từ các khoản nợ vay, lãi vay ngân hàng đối với AGF sẽ ngày càng lớn. Và tình hình này đang diễn ra với AGF khi kết thúc năm 2017, doanh thu của AGF chỉ đạt 2.274 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số doanh thu cả năm 2016 khi đạt tới 3.291 tỷ đồng.

Tin mới lên