Thị trường

Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất trong 5 nước Asean

(VNF) – Financial Times cho biết trong quý I/2018, chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu ở Việt Nam tăng nhanh nhất trong số 5 nước Asean được khảo sát. 49% số người trả lời cho biết họ muốn tăng chi tiêu tại trung tâm thương mại trong năm 2018, nhiều hơn bất cứ nhóm nào khác trong Asean-5.

Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất trong 5 nước Asean

49% người Việt được khảo sát cho biết muốn tăng chi tiêu tại trung tâm thương mại năm 2018

Financial Times Confidential Research vừa công bố kết quả khảo sát về niềm tin tiêu dùng tại một số nước Đông Nam Á.

Hơn 5.000 người tiêu dùng ở Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam đã tham gia khảo sát. Trong đó, những người trẻ ở Việt Nam nằm trong nhóm lạc quan nhất về triển vọng kinh tế của đất nước. Việc này đẩy chỉ số lạc quan kinh tế của người Việt Nam lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2015.

Theo Financial Times, người Việt Nam luôn lạc quan về triển vọng kinh tế của đất nước kể từ khi tổ chức này bắt đầu tiến hành khảo sát vào năm 2013. Sự lạc quan của người Việt Nam trái ngược hoàn toàn với tình trạng bi quan triền miên của người tiêu dùng Malaysia và tâm lý mong đợi những thay đổi của người dân Thái Lan.

Không chỉ Financial Times, kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen năm 2017 cũng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam xếp hạng thứ 7 trên toàn cầu xét về độ lạc quan.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mức tiêu dùng tư nhân tăng 7,4% trong năm 2017. Năm qua, doanh số bán lẻ tăng 10,9%, đạt mức kỷ lục 129,6 tỷ USD, tương đương với 58,6% GDP.

Trong khi doanh thu bán lẻ ở Việt Nam tăng gần 11% trong năm ngoái thì doanh thu mua sắm trực tuyến tăng 25%. Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam dự đoán mức tăng này sẽ duy trì cho đến năm 2020.

Ở trong nước, một số tên tuổi trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến như Thegioididong.com và Sendo đang nổi lên như những đối thủ cạnh tranh tiềm năng của các công ty lớn trong khu vực như Lazada.

Chi cho tiêu dùng của người Việt Nam tăng lên khi nền kinh tế tăng trưởng. Dự báo, tốc độ tăng trưởng cao sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay nhưng việc tiếp tục cải cách kinh tế là vẫn là một yếu tố rất quan trọng.

ADB dự báo năm 2018, GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc và đạt mức tăng trưởng 7,1% trước khi bắt đầu đà giảm vào năm 2019.

Riêng với mặt hàng ô tô, Financial Times dự đoán doanh số bán ô tô dự kiến trong năm nay sẽ tăng, thị trường ô tô tại Việt Nam sẽ hồi phục sau sự suy giảm của năm 2017 nhờ việc cắt giảm thuế nhập khẩu từ các nước Asean khác. Tính trong 5 năm, từ 2012 đến 2017, doanh số bán ô tô tại Việt Nam đã tăng 241% .

Một lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động, trẻ và rẻ vẫn đang là lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất trong khu vực; cạnh tranh với Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Lợi thế về lực lượng lao động trẻ sẽ còn duy trì đến năm 2035 – thời điểm mà Việt Nam bước vào quá trình già hóa dân số.

Ngoài ra, Financial Times cũng dự đoán về sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc xuất khẩu của Việt Nam những năm tới đây. Việt Nam đang dần rời xa các ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp như dệt may. Thay vào đó, các ngành có giá trị gia tăng cao, các loại hình dịch vụ sẽ được tập trung hơn.

Điều này sẽ giúp người Việt Nam cải thiện đáng kể thu nhập. Đó chính là động lực cho tiêu dùng trong nước. 

Tin mới lên