Tài chính quốc tế

Người Việt chi 3 tỷ USD/năm mua nhà Mỹ: tiền có chảy 'chui' ra nước ngoài?

(VNF) - Theo đường xuất cảnh thì mỗi cá nhân Việt Nam chỉ được mang tối đa 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Theo cách này thì phải qua hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt xuất cảnh mới tích lũy đủ tiền mua nhà.

Người Việt chi 3 tỷ USD/năm mua nhà Mỹ: tiền có chảy 'chui' ra nước ngoài?

Ảnh minh họa

Sức hút dòng tiền từ 'Giấc mơ Mỹ'

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 có 284.455 căn nhà tại Mỹ đã được bán cho người nước ngoài, chiếm khoảng 5% tổng số căn hộ được mua ở Mỹ trong cùng kỳ, và tăng 32,37% so với giai đoạn 12 tháng trước đó, theo số liệu từ Hiệp hội Giới Địa ốc Quốc gia Hoa Kỳ (NAR) vừa được công bố. Tổng giá trị của những ngôi nhà này là hơn 153 tỷ USD.

Có hai loại người nước ngoài mua nhà tại Mỹ, đó là người nước ngoài cư trú tại Mỹ (resident) và không cư trú (non-resident). Người mua cư trú là những người đã di cư sang Mỹ, hoặc đã có thị thực dài hạn. Người mua không cư trú là người mua mà chỉ thỉnh thoảng mới đến ở. Chỉ có một số ít trong nhóm này có nhu cầu thực sự về nhà ở, còn lại đa phần là các nhà đầu cơ muốn nắm giữ tài sản nhằm chống lại lạm phát.

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 có 284.455 căn nhà tại Mỹ đã được bán cho người nước ngoài.

Theo một báo cáo khác của hãng nghiên cứu Hurun Report và Tập đoàn Tư vấn Visas Consulting Group khảo sát về xu hướng di cư của nhóm người giàu Trung Quốc cũng mới được công bố, hơn 50% người giàu Trung Quốc được hỏi có kế hoạch di cư ra nước ngoài. Trong các điểm đến, Mỹ vẫn luôn là nơi "nóng" nhất.

Trong khảo sát này, những người được hỏi liệt kê các lý do họ muốn sống ở nước ngoài. Theo đó, hơn 50% người được hỏi cho rằng "môi trường sống" hoặc "môi trường sống lý tưởng" là động lực chính khiến họ quyết định di cư. Tỷ lệ này tăng so với các năm trước.

Ngoài ra, vấn đề tiền tệ của Trung Quốc cũng là nguyên nhân lớn khiến nhiều người giàu nước này muốn di cư. Có tới 84% người được hỏi trả lời rằng họ lo lắng về việc ghìm giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua hồi tháng 11 và mới chỉ tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2017. Tỷ lệ này tăng mạnh so với 50% người được hỏi trong khảo sát năm ngoái.

Theo CNN, đầu tháng 5, trong một sự kiện liên quan tới chương trình thúc đẩy đầu tư và việc làm tại Mỹ do con rể Tổng thống Mỹ Trump tổ chức, thu hút chục nghìn người đăng ký. Theo chương trình này, công dân Trung Quốc đầu tư từ 500.000 USD vào một dự án tại Mỹ để tạo việc làm sẽ được cấp thẻ xanh (thẻ định cư) tại Mỹ.

Mua nhà ở Mỹ để có thẻ xanh được nhiều người lựa chọn.

Số liệu từ Hiệp hội Giới Địa ốc Quốc gia Hoa Kỳ cũng cho thấy, công dân Việt Nam đã chi 3,06 tỷ USD, chiếm 2% trên tổng số tiền người nước ngoài chi ra để mua nhà cửa, địa ốc ở Mỹ từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017. 

Tỷ lệ này đối với công dân Việt Nam không thay đổi ở mức 1% vào các năm 2007, 2008, 2010, 2011, 2013, 2014, 2015, 2016. Vào hai năm 2009, 2012, tỷ lệ được đưa ra xuống  0%. Tuy nhiên vào năm 2017 tăng lên 2%.

Liệu có tiền bất hợp pháp?

Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.

Hầu hết người Việt Nam di cư đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ (hơn 1,3 triệu người).

Năm 2015, người Việt đã mang ra nước ngoài 11 tỷ USD để chi tiêu cho riêng 3 lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Con số này gần bằng với lượng kiều hối gửi về Việt Nam 12,25 tỷ USD trong năm 2015 (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới).

Là một chuyên gia về thống kê và bằng chính phương pháp thống kê, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên cao cấp của Liên hợp quốc, đã chỉ ra một con số giật mình, 33 tỷ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài không hợp pháp chỉ trong vòng 6 năm qua từ năm 2008 đến năm  2013. Vị chuyên gia giải thích, đằng sau con số ấy là nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng.

Trong khi theo báo cáo của Global Financial Integrity (GFI), công ty có trụ sở ở Washington chuyên nghiên cứu về các dòng tiền xuyên biên giới, trong vòng 10 năm từ 2004 - 2013, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 9,29 tỷ USD tiền bất hợp pháp ra khỏi biên giới. Với lượng tiền này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 18 trong số 149 quốc gia đang phát triển được GFI xếp hạng.

Theo Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, thì công dân Việt Nam chỉ được chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

Pháp lệnh ngoại hối cũng nêu rõ, người cư trú là tổ chức kinh tế, cá nhân và các đối tượng khác được phép đầu tư ra nước ngoài phải mở một tài khoản ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép và đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư phải được thực hiện thông qua tài khoản này.

Hơn nữa, Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định hạn mức chuyển ngoại tệ không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 USD, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Theo đường xuất cảnh thì mỗi cá nhân Việt Nam chỉ được mang tối đa 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Tuy nhiên, đó chỉ là quy định cho hoạt động đầu tư (có đăng ký, được cấp phép), còn việc mua nhà ở với mục đích cá nhân thì chưa có quy định. Bởi vậy, người mua nhà để ở cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đây cũng là khe hở có thể tạo ra những hoạt động chuyển tiền không minh bạch được thực hiện núp dưới giao dịch mua nhà.

Theo đường xuất cảnh thì mỗi cá nhân Việt Nam chỉ được mang tối đa 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Theo cách này thì phải qua hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt xuất cảnh mới tích lũy đủ tiền mua nhà. Chưa kể không phải người Việt Nam nào cũng có sẵn ngoại tệ để khi cần là chuyển hoặc mang ra nước ngoài, mà đa số phải chuyển đổi từ tiền đồng Việt Nam.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, giá nhà đất ở Mỹ đã giảm đến mức thấp nhất. Một số người Việt Nam, bằng cách này hay cách khác, đã "tranh thủ" sang Mỹ mua nhà. Không rõ có bao nhiêu trường hợp mua được nhà tại Mỹ, nhưng một điều chắc chắn là không có trường hợp nào được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép chuyển tiền sang Mỹ mua nhà trong thời gian đó. Điều này đã được một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại TP. HCM khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong khi đó, hiện có nhiều các công ty bất động sản nước ngoài đến Việt Nam mời chào mua nhà, đất tại Mỹ với giá hấp dẫn, lợi nhuận cao, chuyển ngoại tệ an toàn, đã tạo niềm tin cho nhiều người Việt Nam dễ dàng mua và sở hữu nhà tại nước ngoài. 

Điều này có thể dẫn đến hệ lụy và phải chăng rõ nhất phong trào chuyển đổi tiền tệ và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo con đường "không chính thức" mà nhiều người gọi là "chảy máu ngoại tệ"?

Tin mới lên