Nhân vật

Nguyễn Công Trứ, người số một

(VNF) - Mùa hè năm 2000, nhà thơ Tố Hữu và phu nhân có một chuyến hành hương dài từ Hà Nội về Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Huế. Tại Vinh, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại mới được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đã tiếp riêng và mời cơm ông bà một cách trọng thị, thân tình. Tôi, khi ấy là phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Nghệ - Tĩnh, đồng thời là người quen cũ của ông Tuyển, nên được mời đến cùng dự và để hầu chuyện văn chương.

Hôm ấy, nhà thơ Tố Hữu đã hướng về Hà Tĩnh vái dài và nói: "Tôi xin bái phục, nghìn lần bái phục cụ Nguyễn Công Trứ. Tôi giờ mới thật hiểu cụ. Thật là một người có một không hai. Tài đến rứa là cùng, khí phách đến rứa là cùng, đức độ làm quan đến rứa là cùng, mà chơi nhởi cũng hay đến rứa là cùng".

Thế đấy, cái khoảng cách về thời gian và ý thức hệ của chế độ phong kiến và chế độ XHCN, khoảng cách của chữ quốc ngữ và chữ Hán đã làm cho chúng ta không dễ hiểu hết và đánh giá đúng giá trị của tiền nhân!

Xét riêng về từng mặt, Nguyễn Công Trứ không phải là số một. Nhưng khả năng xuyên thấu lịch sử, khả năng truyền cảm hứng cho đời sau, thì ông là "Người số một". Dường như, trong thời nay, ông vẫn còn đang gần gũi đâu đó quanh ta, trong ta. Ông là biểu hiện tập trung, chói sáng của tính cách Việt, của phẩm chất kẻ sĩ, của văn hóa tương lai.

Các nhà nghiên cứu văn học trung đại xếp ông là một nhà nho tài tử. Tôi nghĩ, có những con người mà mọi định danh chỉ như tấm áo chật. Tôi thấy câu "Có những ngôi sao càng nhìn càng thấy sáng" của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thật đúng với trường hợp của Nguyễn Công Trứ - Một con người đã vượt khỏi khuôn khổ thời đại phong kiến, vượt cả thời đại ngày nay của chúng ta. Đó là một người khổng lồ. Chúng ta có thể thấy sự khổng lồ của ông trên mấy mặt sau đây.

Người gồm đủ lập đức, lập công và lập ngôn

Người xưa quan niệm bậc thánh nhân quân tử phải là người có đủ hoặc noi theo tam lập. Sách "Tả truyện" viết: "Thái thượng hữu lập đức, kỳ thứ hữu lập công, kỳ thứ hữu lập ngôn" (Trước hết, cao nhất là thành tựu đạo đức, sau là làm nên công trạng, sau nữa là để lại lời hay được truyền tụng). Lập đức như cái cây, lập công như cái quả, lập ngôn như cái hạt để truyền lại đời sau. Lập đức tức xây dựng nền tảng đạo đức, nền tảng phép tắc trị nước là việc của bậc thánh nhân; lập công là việc của người anh hùng, lập ngôn là việc của kẻ sĩ.

Đánh giá về Nguyễn Công Trứ, sách "Đại Nam liệt truyện" viết: "Công Trứ là người trác lạc, có tài khí… Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi được cất nhắc lên ngay; Tỏ sức ở chiến trường, nhiều lần lập được công chiến trận. Buổi đầu Trứ lĩnh chức doanh điền, sửa sang mới có trong một năm mà các việc đều có đầu mối, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, thành ra mối lợi vĩnh viễn. Khi tuổi già về nghỉ, tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thuỷ, trải hơn 10 năm có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật".

Nguyễn Công Trứ thuở nhỏ tên là Củng, nghĩa chữ Hán là củng cố vững vàng. Trứ, nghĩa chữ Hán là làm sáng rõ (cái đức lớn). Nguyễn Công Trứ không chỉ làm sáng tỏ đạo đức thánh hiền mà còn dựng nên một nền tảng đạo đức mới, coi trọng quyền sống của con người cá nhân, "phớt thoảng ra ngoài sự vật" và ước thúc của xã hội phong kiến; nhưng lại đề cao bổn phận đối với đất nước và nhân dân, "không quân thần, phụ tử đếch ra người".

Năm 1803, nhân Gia Long ra Bắc, ông dâng 10 kế sách làm cho nước thái bình. Lập đức, còn có nghĩa là nêu gương về sự làm quan liêm khiết. Ông giữ chức tổng đốc nhiều tỉnh, thượng thư hai bộ, nhưng nhà vẫn thường nghèo như thuở nho sinh: "Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no/Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ". 

Về hưu, ngoài lương hưu, ông được Tự Đức thưởng cho 170 quan tiền, bèn mở tiệc mời đồng liêu và bạn hữu chén sạch. Ông ghét nhất bọn quan dốt, quan tham: "Chuồn đội mũ mượn mầu đạo đức/Thịt hay ăn một cục tham si". Về công trạng, thì ông đã đánh đuổi quân Xiêm, đánh dẹp các cuộc bạo loạn để ổn định chính trị; Lập nên huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) và một tổng của huyện Giao Thủy (Nam Định).

Về lập ngôn, ông để lại những áng văn chương bất hủ. Người Việt Nam, hầu như đều thuộc ít nhất hai câu thơ của ông: "Đã mang tiếng đứng trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông" và "Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo". 

Văn chương ấy không phải là hư văn, mà thúc đẩy dấn thân, có trách nhiệm với cuộc sống của mình và xã hội, hun đúc tinh thần, cốt cách cao đẹp là sự ngay thẳng, chịu đựng, vượt qua mọi sương gió cuộc đời. Chữ "danh" của Nguyễn Công Trứ không phải là học vị, chức quan mà là tài danh, là việc làm rạng danh đất nước.

Làm một việc đã khó. Ba việc gồm đủ như Nguyễn Công Trứ thật kỳ vĩ!

Người mang cái tôi đi lừng lững giữa đời

Thời phong kiến, vua là trời. Còn tất cả bá tính thiên hạ là dân đen.Không ai được quyền có cái tôi, chỉ có bổn phận của bầy tôi, của thần dân. Không ai được làm trái ý vua, nói trái ý vua. Chỉ có Nguyễn Công Trứ là người ngất ngưởng, tự nhận mình là người tài giỏi, và dùng cái tài giỏi ấy để chơi với đời: "Trời đất cho ta một cái tài /Giắt lưng dành để tháng ngày chơi", "Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông Gồm, thao lược đã nên tay ngất ngưởng"... Nghìn xưa, người tài không thiếu, và người ta biết "thiên sinh ngã tài tất hữu dụng", nhưng coi cá nhân mình, coi cái tài của mình như một lực lượng riêng, một triều đình riêng như Nguyễn Công Trứ thì chưa từng có.

Nguyễn Công Trứ xuất thân là nhà nho. Ông sinh ngày mồng 1 tháng 11 năm Mậu Tuất, 1778 (trai mồng một, gái ngày rằm), tại Quỳnh Côi, Thái Bình, nơi cha ông là Nguyễn Công Tấn làm tri huyện. Quê cha là làng Uy Viễn (Xuân Giang), Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm 41 tuổi (1819), ông đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) ở Trường thi Nghệ An. 

Năm 1820, ông được bổ quan, giữ chức Hành tẩu Quốc sử quán. Sau đó ông giữ chức Tri huyện Đường Hào, Hải Dương (1823) rồi thăng đến Tổng đốc, Thượng thư… Qua nhiều thăng giáng, năm 1848, khi tròn 70 tuổi, ông được nghỉ hưu khi dang làm chức Phủ doãn (tỉnh trưởng) Thừa Thiên. Ông có nhiều công trạng trong việc đánh giặc ngoại xâm, dẹp loạn... Trong khai khẩn đất đai, thủy lợi, công trạng của ông, dân gian mãi còn ghi nhớ.

Lẽ xuất xử, hành tàng của nhà nho đơn giản là "tiến vi quan, thoái vi sư", được trọng dụng thì làm quan, không được trọng dụng thì làm thầy, lui nữa thì về ở ẩn. Nhà nho xưa hầu hết được dạy kỹ càng về việc tu thân, khắc kỷ phục lễ, trau dồi liêm dũng. Chính trị xưa là để bảo vệ ngôi báu và lợi ích cục bộ, thường hay dùng bọn ác nhân vô đạo, hay thực thi gian trá, bạo tàn, nên ở ẩn là con đường mà những người biết liêm sỉ thường lựa chọn. 

Vì thế, mà người ta ca ngợi, tôn thờ ông Đào Tiềm hơn là ca ngợi những ông tể tướng giỏi như Quản Trọng, Vương An Thạch… Vì thế mà đêm dài trung cổ đã dài lại kéo dài thêm vì người có tài đức không được trọng dụng, người có tài đức thường hay thúc thủ.

Nguyễn Công Trứ không coi con đường ấy là con đường của mình và sở học nho y lý số là giới hạn. Ông vào đời cũng không theo kiểu xuất thế của nhà nho với phận sự của bầy tôi. Ông coi mọi việc đời, mọi việc trong vũ trụ, việc gì cũng là việc của mình: "Vũ trụ nội mạc phi phận sự". 

Cái ngông của ông không phải là việc cưỡi bò cái đeo lục lạc đít bịt mo cau đi chơi, không phải việc mắng sư, việc đùa bỡn với cái nghèo, việc dắt díu một đôi dì… mà coi mọi người ngang bằng nhau trong trách nhiệm, trong sở thích. Thông điệp từ cuộc đời của Nguyễn Công Trứ cho ta thấy được: Mỗi người có một trách nhiệm và đã có trách nhiệm thì trách nhiệm ấy chính là ông vua của mình! Sở thích cũng không hại đến ai, đấy cũng chính là ông vua của mình, lẽ sống của mình!

Nguyễn Công Trứ có cái tôi phóng dật, ai cũng biết, cũng thích. Thời trẻ thì "Giang sơn một gánh giữa đồng", về già vẫn "Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng/Kìa núi nọ phau phau mây trắng/Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi/Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng"… Nhưng ông còn một cái tôi khác, theo tôi quan trọng hơn, là cái tôi trách nhiệm.

Năm Thiệu Trị thứ tư, 1844, đang làm Tuần vũ An Giang, Nguyễn Công Trứ bị Nguyễn Công Nhàn, vốn cùng làm tướng với ông, có lòng đố kỵ, vu cáo ông chở thuyền gian, ngầm thu mua hàng cấm (sừng tê giác). 

Ông bị cách hết chức tước, bắt làm lính trơn sung vào đội quân tuần thú ở Quảng Ngãi. Đến Quảng Ngãi, Tuần vũ tỉnh ấy thấy Nguyễn Công Trứ nguyên là mệnh quan triều đình, lại đã 65 tuổi rồi mà phải mặc áo ngắn, đội nón dấu, đeo dao tu thì rất ái ngại, định lấy đồ khác thay cho đồ lính thú. Nguyễn Công Trứ vội ngăn:

- Xin ngài cứ để vậy. Lúc làm Đại tướng, tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính, tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được!

Tuần vũ Quảng Ngãi càng thêm bội phục, viết sớ tâu lên vua Thiệu Trị đề nghị xét lại vụ án, mới rõ Công Nhàn vu cáo. Vua lại cho Nguyễn Công Trứ làm Chủ sự Bộ Hình… Về hưu, năm Tự Đức 11(1858), nghe tin Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, ông còn xin cầm quân đánh Pháp!

Mọi thứ chức tước không phải phù phiếm nhưng là vật ngoại thân, là giả tạm. Tài năng, tấm lòng con người, trách nhiệm với cuộc sống mới là giá trị đích thực. Dù là việc lớn, việc bé, người có trách nhiệm đều phải tận lực thi hành. Đấy chính là bài học sâu sắc mà hành xử của Nguyễn Công Trứ để lại cho chúng ta như một di sản.

Người san bằng giới hạn để con người và hạnh phúc cuộc sống lên ngôi

Thuyết tương đối của Anhxtanh ra đời làm cho cơ học của Niutơn trở nên có giới hạn.

Trong chừng mực nào đó, có thể coi Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ như Anhxtanh trong đời sống xã hội Việt Nam khi phát hiện và đề cao giá trị cá nhân, quyền sống của con người. Đặc biệt là Nguyễn Công Trứ. Ông thống nhất điều này cả trong lời nói và hành động. Nếu chúng ta chỉ thấy Nguyễn Công Trứ là tài tử, là ngông thì chưa thấy hết ý nghĩa triết học, ý nghĩa lịch sử trong những tư tưởng và hành xử của ông.

Đối với ông, con người là trung tâm của vũ trụ, là tối cao.

Thần thánh không thể ở trên con người, không có có ý nghĩa gì nếu không đem lại sự chia sẻ, cảm thông, sự phục vụ đối với con người.

Có lần rượu say, Nguyễn Công Trứ qua miếu Long thần mời tượng thần cùng uống, say quá đổ rượu vào tượng và đánh cả thần. Sáng mai tỉnh dậy, ông làm bài thơ tạ lỗi, đem dán ở miếu: "Hôm qua trời tối tới chơi đây/Ðánh phải long thần mấy cẳng tay/Khi tỉnh thời nào ai có dám/Say!".

Sư chùa làng Uy Viễn hay chữ, Nho Phật thường hạ bệ nhau. Sư có lần tự phụ trước anh học trò Củng: "Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, chẳng thiên địa thánh thần nhưng khác tục!". Nho sinh trả miếng: "Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người!". Thần Phật đã thế, còn gì có thể ràng buộc, đè nén sức sống tự do của con người! 

Khi còn sống, nhiều câu đối mừng thọ Nguyễn Công Trứ đã đề cao ông là Tiên, là Phật. Xưa, các du tử, do biết đời, biết người đã từng kêu gọi con người hãy biết đốt đuốc chơi đêm. Nguyễn Công Trứ cổ súy cho con người biết tìm lạc thú ở đời: "Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí", "Chơi xuân kẻo hết xuân đi".

Ông cho rằng, con người không biết tạo ra, không biết hưởng lạc thú ở đời thì dẫu sống nghìn năm cũng không có ý nghĩa. Ông xót xa cho những kẻ chỉ biết "tiền đếm, gạo lường", tầm thường vô vị. Mọi thứ đối với ông là tương đối. Cái tuyệt đối là giá trị bản thân. Ông lấy rất nhiều vợ lẽ. 

Khi hưu ở Đại Nài, ông lấy một cô 23 tuổi, và nói, 50 năm trước, "mềnh cũng 23 tuổi như mụ mi" (Tân nhân nhược thị lang niên vấn/ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam). Ông lấy lẽ không vì chơi mà vì tình. 

Thuở học trò, đã có chuyến "Giang sơn một gánh giữa đồng" với cô đào Hiệu Thư người làng Cổ Đạm. Khi làm Tổng đốc Hải An (Hải Phòng, Quảng Yên), trong một lần tổ chức hát xướng ở dinh, Nguyễn Công Trứ tình cờ gặp lại Hiệu Thư. Ông Tổng đốc đang ngờ ngợ thì Hiệu Thư hát lên: "Giang sơn một gánh giữa đồng/Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng", thì Tổng đốc liền làm bài thơ tặng:

Giăng xế nhưng mà cung chửa khuyết
Hoa tàn song lại nhị còn tươi
Chia đôi duyên nọ đà hơn một
Mà nét xuân kia vẹn cả mười…

Rồi lại cưới nàng Hiệu Thư làm vợ.

Đánh giá Nguyễn Công Trứ, Tổng đốc Hà Tĩnh Hoàng Nho Nhã viết:

Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu
Phong lưu đáo lão thế gian vô!

(Sự nghiệp làm người thiên hạ sợ thì trong thiên hạ không ít, nhưng phong lưu đến già như Nguyễn Công Trứ thì trên đời không có ai như ông).

Người ta có thể gọi Nguyễn Công Trứ là một nhà nho, một nhà thơ tài tử, một ông quan thanh liêm, chính trực, có nhiều công trạng… Nhưng đúng hơn, phải gọi ông là một nhà tư tưởng, một nhà nhân đạo chủ nghĩa. Sự nghiệp của ông, tư tưởng và cách sống của ông còn ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống hôm nay, đến việc xây dựng tinh thần và tính cách Việt.

Tin mới lên