Tài chính

Nguyên Phó trưởng ban nghiên cứu Thủ tướng: ‘Không nên để SCIC kinh doanh vốn'

(VNF) - Chuyên gia kinh tế nổi tiếng nói không nên để SCIC giữ vai trò kinh doanh vốn, đồng thời nên có nhiều SCIC.

Nguyên Phó trưởng ban nghiên cứu Thủ tướng: ‘Không nên để SCIC kinh doanh vốn'

Trong bài bình luận gửi tới Hội thảo chuyên đề vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Tiến sỹ Đặng Đức Đạm, nguyên Phó trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng giai đoạn đầu thập kỷ trước, nói không nên để SCIC giữ chức năng kinh doanh vốn. 

"Về công ty quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì hiện nay đã có SCIC; tuy nhiên không nên giao cho SCIC chức năng kinh doanh vốn (như Temasek của Singapore), mà chỉ làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu và quản lý vốn nhà nước thôi", ông Đạm viết.

Chuyên gia giàu uy tín này cho rằng căn cứ tình hình, yêu cầu cụ thể của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước phù hợp cho Việt Nam hiện nay nên là mô hình hai cấp: cấp quản lý nhà nước và cấp doanh nghiệp.

Ở cấp quản lý nhà nước, chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần được thực hiện tập trung bởi một Cơ quan nhà nước chuyên trách giám sát và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có thể là Bộ đặc trách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Ở cấp doanh nghiệp, chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua các Tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước tương tự như SCIC và các tập đoàn kinh tế nhà nước. 

"Cùng với việc kiện toàn SCIC đang hoạt động hiện nay, tùy theo nhu cầu có thể thành lập thêm một số tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước kiểu như SCIC nữa để có thể làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước ở tất cả các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước độc lập. Ở cấp này, việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức đầu tư vốn; các công ty mẹ đầu tư vốn vào các công ty con, và quản lý các công ty con với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đã đầu tư vào công ty con đó", ông Đạm đề xuất.

Chuyên gia cũng cho rằng cần nghiên cứu điều chỉnh chức năng của SCIC theo hướng chủ yếu là thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không làm chức năng kinh doanh vốn. 

Theo đó, vốn nhà nước do SCIC thu về thông qua cổ phần hóa sẽ đưa vào một quỹ riêng do Chính phủ quyết định sử dụng để đầu tư phát triển hạ tầng, y tế, giáo dục… mà không tái đầu tư vào kinh doanh.

Bên cạnh đó, tên gọi của SCIC cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp, không phải là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn mà là Tổng công ty đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tùy theo nhu cầu, có thể thành lập thêm một số SCIC khác để đảm nhiệm bao quát chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và chưa cổ phần hóa và các tổng công ty 90, trừ những tập đoàn kinh tế nhà nước đã được thành lập và hoạt động theo NĐ101/2009/NĐ-CP.

Ngoài ra, chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các tập đoàn và các SCIC sẽ do Cơ quan chuyên trách quản lý và giám sát vốn nhà nước trực tiếp đảm nhiệm. Có thể đặt trụ sở của các SCIC mới thành lập ở các trung tâm kinh tế lớn như TP. HCM, Đà Nẵng… không nhất thiết tập trung tại Hà Nội.

Tin mới lên