Nhân vật

Nguyễn Quốc Bình - người 'chuyển hóa' Hanel

(VNF) - Dưới thời ông Nguyễn Quốc Bình, Hanel đã có bước chuyển quan trọng trong hướng kinh doanh để từ một công ty điện tử trở thành một thương hiệu của công nghệ và sáng tạo Việt.

Nguyễn Quốc Bình - người 'chuyển hóa' Hanel

Ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Hanel

LTS: Như VietnamFinance đã đưa tin, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV sẽ nhóm họp vào ngày 20/7 tại Hà Nội. Trong danh sách các đại biểu Quốc hội kỳ này, tổng cộng có 17 đại biểu đang là lãnh đạo doanh nghiệp, thường được gọi là "đại biểu doanh nhân". Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu lần lượt các gương mặt này với bạn đọc. Gương mặt kỳ này là ông Nguyễn Quốc Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc công ty Hanel.

Ông Nguyễn Quốc Bình sinh năm 1959 tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tốt nghiệp trung học phổ thông, ông chuyển sang học tập tại Đại học quân sự.

Sau khi ra trường, ông nhận quyết định về công tác tại Bộ Tư lệnh phòng không, biên chế tại sư đoàn 377, trung đoàn 274.

Năm 1987, sau gần mười năm gắn bó với quân ngũ, ông Bình được điều chuyển về công tác tại phòng kinh tế, công ty Hanel.

Từ đó sự nghiệp của ông ông gắn liền với công ty này. Năm 2003, ông Bình được đề bạt làm Phó Giám đốc, 3 năm sau được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc.

Và từ tháng 6/2007, ông chính thức đảm đương chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Từ khi nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối ở Hanel, ông Bình đã xác định chuyển hướng kinh doanh của công ty, tập trung mạnh vào công nghệ thông tin, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Đến nay, Hanel hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực như điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại, xây dựng, bất động sản, đào tạo – cung ứng nhân lực quốc tế, vận tải đa phương thức và công nghiệp phụ trợ.

Tuy nhiên, theo chiến lược kinh doanh của ông Nguyễn Quốc Bình, việc phát triển đa ngành cũng chỉ để tạo nguồn lực tổng hợp, tập trung cho nghiên cứu - phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin.

Không còn bó hẹp trong lĩnh vực điện tử như những năm 90 của thế kỷ trước, Hanel hiện tại là nhà đầu tư của khu công nghệ cao, khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, khu công nghiệp hỗ trợ.

Là Hanel của những giải pháp phần mềm dành cho Chính phủ và doanh nghiệp, cho giao thông, y tế, giáo dục - đào tạo và nông nghiệp thông minh, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa đất nước.

Nhắc đến Hanel là nhắc đến các sản phẩm truyền dẫn số, sản phẩm truyền hình qua Internet - Hanel ITV. Nhắc đến Hanel là nhắc đến ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam - với Khu công nghiệp Sài Đồng B, Tổ hợp công nghiệp phụ trợ Hanel (trong Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội - Hanssip).

Dưới thời của ông Bình, một trong những thương vụ đình đám nhất của Hanel là mua đi bán lại 70% cổ phần khách sạn Daewoo năm 2012.

Bằng việc mua lại toàn bộ cổ phần của công ty Daewoo E&C, sau đó bán lại cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1, Hanel đã kiếm được một số tiền khá lớn.

Tuy không công bố cụ thể lợi nhuận từ thương vụ mua bán cổ phần này, tuy nhiên dựa theo thông tin bên mua có khoản hỗ trợ giá quyền lợi, lợi thế chuyển giao không bồi hoàn 5 triệu USD cho Hanel theo hợp đồng mua bán phần vốn góp có điều kiện thì đủ thấy lợi nhuận trong thương vụ này mà Hanel nhận được là không hề nhỏ.

Trong năm 2014, doanh thu Hanel đạt được là 10.500 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013 và tăng 10% so với kế hoạch đặt ra). Lợi nhuận sau thuế đạt 798 tỷ đồng (tăng 10,8% so với thực hiện 2013 và tăng 6,4% so với kế hoạch). Số tiền nộp ngân sách của doanh nghiệp trong năm 2014 lên tới 588 tỷ đồng (tăng hơn gấp rưỡi so với năm 2013)

Quan trọng hơn, theo ông Bình, trong năm 2014, Hanel đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm thành công để chính thức đề xuất một loạt dự án quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.

Một số đề xuất của Hanel đã được đánh giá cao, như: Dự án Quốc hội điện tử, giáo dục tích hợp kỹ năng STEAM (gồm Science - khoa học, Technology - công nghệ; Engineering - kỹ nghệ; Art - nghệ thuật; Math - toán học); Thông qua các khu công nghệ thông tin tập trung và quỹ khoa học - công nghệ tạo cơ chế đầu tư ban đầu vào nghiên cứu nông nghiệp thông minh và y tế thông minh; Khuyến khích mô hình sáng tạo mở (phần mềm nguồn mở, phần cứng nguồn mở, tài liệu mở...); Mở chuỗi trung tâm tự làm tại các cơ sở giáo dục, các khu tập trung doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn quốc.

Với những thành tựu trong kinh doanh, năm 2009, ông Bình được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đồng thời là Đại biểu Quốc hội khóa 13, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Đại biểu HĐND TP Hà Nội. Trong đợt bầu cử vừa qua, ông Bình tiếp tục trúng cử để trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Tin mới lên