Tài chính

Nhà đầu tư chiến lược ACV: Không có chỗ cho 'tay mơ'

(VNF) - Các điều kiện ngặt nghèo có thể giúp ACV tìm được đối tác tầm cỡ, tuy nhiên số lượng nhà đầu tư có thể đáp ứng được các điều kiện này lại bị hạn chế.

Nhà đầu tư chiến lược ACV: Không có chỗ cho 'tay mơ'

Theo quy định trong quyết định mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải về tiêu chí, trình tự để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện phương án cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các điều kiện được đưa ra là khá ngặt nghèo.

Chỉ dành cho nhà đầu tư có "doanh thu tỷ USD"

Cụ thể, nhà đầu tư là một tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không, phải có số lượng cảng hàng không do doanh nghiệp quản lý, khai thác trong năm 2014 tối thiểu là 10 cảng hàng không, sân bay.

Bên cạnh đó, doanh thu của doanh nghiệp năm 2014 tối thiểu là 1,5 tỷ USD hoặc tương đương, trong đó doanh thu khai thác, quản lý cảng hàng không, sân bay tối thiểu 70% tổng doanh thu doanh nghiệp (tương đương 1 tỷ USD), báo cáo tài chính năm 2014 không có lỗ lũy kế, lợi nhuận năm 2014 tối thiểu 10% doanh thu; vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 không thấp hơn 2 tỷ USD hoặc tương đương.

Đối với nhà đầu tư là tổ chức tài chính, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 không thấp hơn 5 tỷ USD hoặc tương đương. Báo cáo tài chính năm 2014 không có lỗ lũy kế, lợi nhuận năm 2014 tối thiểu 5% doanh thu.

Còn đối với nhà đầu tư là tổ hợp các tổ chức (tập đoàn/ công ty tài chính; tập đoàn/công ty quản lý khai thác cảng hàng không hoặc công ty kinh doanh dịch vụ phi hàng không), phải có tối đa là 03 tổ chức (tập đoàn, tổng công ty, công ty), trong đó phải có ít nhất một tổ chức là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không.

Bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không trong tổ hợp phải đáp ứng các tiêu chí như số lượng cảng hàng không do doanh nghiệp quản lý, khai thác trong năm 2014 tối thiểu là 05 cảng hàng không, sân bay, doanh thu của doanh nghiệp năm 2014 tối thiểu là 1 tỷ USD hoặc tương đương, trong đó doanh thu khai thác, quản lý cảng hàng không, sân bay tối thiểu 70% tổng doanh thu doanh nghiệp (tương đương 700 triệu USD), báo cáo tài chính năm 2014 không có lỗ lũy kế, lợi nhuận năm 2014 tối thiểu 10% doanh thu; vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 không thấp hơn 1 tỷ USD hoặc tương đương.

Các tổ chức còn lại trong tổ hợp cũng phải có tổng mức vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 không thấp hơn 2 tỷ USD hoặc tương đương, báo cáo tài chính năm 2014 không có lỗ lũy kế.

Bán cổ phần thế nào?

Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là bán thỏa thuận trực tiếp sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.

Trường hợp có hơn 03 (ba) nhà đầu tư đủ điều kiện đăng ký tham gia hoặc tổng số cổ phần các nhà đầu tư đăng ký mua lớn hơn số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt thì tổ chức bán đấu giá giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện đã đăng ký theo quy định.

Trong số các nhà đầu tư đảm bảo các tiêu chí sẽ xem xét, ưu tiên nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không đăng ký mua hết số cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược (20% vốn điều lệ của Công ty cổ phần).

Về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để đơn vị này tổng hợp danh sách báo cáo Ban Chỉ đạo cổ phần hóa trước ngày 31/12/2015. Cơ quan này sẽ lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược; tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 31/01/2016 để xem xét, phê duyệt danh sách nhà đầu tư chiến lược, số lượng cổ phần bán và giá bán khởi điểm cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo ghi nhận của VietnamFinance, hiện mới chỉ có hai nhà đầu tư chính thức "lộ diện" và bày tỏ mong muốn được tham gia làm nhà đầu tư chiến lược.

Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV mới đây đã bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược nội địa của ACV bằng việc đầu tư vốn góp với mức sở hữu khoảng 5% vốn điều lệ của ACV sau khi cổ phần hóa.

Trước đó, Tập đoàn Aeroport de Paris (Pháp) đã nhiều lần bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của ACV và mới đây, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV, tập đoàn này đã gửi thư tới Bộ trưởng Đinh La Thăng để xác nhận lại mong muốn này.

Trao đổi với VietnamFinance mới đây, ông Dominics Scriven, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về cổ phần hóa tại Việt Nam nói ACV là câu chuyện "đáng quan tâm", tuy nhiên là chỉ với các nhà đầu tư dài hạn.

Tin mới lên