Tài chính

Nhà đầu tư ngoại vẫn băn khoăn về nới room và lộ trình cổ phần hóa

(VNF) - Nhà đầu tư ngoại muốn được sở hữu 100% các công ty đại chúng cũng như các ngân hàng 0 đồng. Đây là những điểm mới đáng chú ý tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm nay.

Nhà đầu tư ngoại vẫn băn khoăn về nới room và lộ trình cổ phần hóa

Báo cáo của Nhóm Công tác Thị trường Vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tiếp tục nhấn mạnh đến những nội dung từng làm nóng nhiều VBF trước đó, trong đó có việc nới room và tiến trình cổ phần hóa.

Theo đánh giá của nhóm, Việt Nam đã có các thị trường vốn tuy nhiên các thị trường này chưa vận hành một cách hiệu quả do vốn huy động từ các thị trường này là rất nhỏ so với vốn đầu tư trực tiếp.

Nới room: đề xuất cho sở hữu 100% công ty đại chúng và ngân hàng 0 đồng

Theo nhóm công tác, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP để tăng sở hữu nước ngoại tại các công ty đại chúng, tác động của nghị định đối với thị trường chứng khoán còn rất hạn chế.

Thủ tục hiện hành để tăng sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng là rất phức tạp và được xét theo từng công ty cụ thể. Để tăng sở hữu nước ngoài, hiện nay các công ty đại chúng đi qua một trình tự rất tốn kém bao gồm việc thuê tư vấn, thuê luật sư;

Do đó, để thu hút được dòng vốn mới của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và vào những doanh nghiệp Nhà nước mới được cổ phần hóa, Việt Nam cần minh bạch hóa và tạo môi trường thuận lợi cho việc tăng sở hữu nước ngoài.

Nhóm công tác cho rằng Chính phủ cần phân định rõ ràng đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán bằng cách quy định cụ thể rằng Luật Đầu tư không áp dụng đối với các công ty đại chúng và quỹ đầu tư đại chúng.

Đồng thời, cần cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% trong các công ty đại chúng, trừ trường hợp luật pháp Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể và rõ ràng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn.

Ngoài ra, cần đối xử với các công ty đại chúng và các quỹ đầu tư đại chúng như nhà đầu tư trong nước không kể tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty và quỹ này là bao nhiêu, trừ trường hợp luật pháp Việt Nam hoặc điều ước quốc tế có quy định cụ thể và rõ ràng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn.

Nhóm công tác thị trường vốn đề xuất rằng các ngân hàng 0 đồng có thể được bán toàn bộ cho nhà đầu tư ngoại

Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, nhóm đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài theo đó đối với ngân hàng mà Nhà nước là cổ đông lớn hoặc ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 35% cổ phần; còn đối với đối với ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng: nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 100%.

Cần công khai hơn nữa lộ trình cổ phần hóa

Đối với tiến trình cổ phần hóa, nhóm công tác cho rằng việc công bố thoái vốn tại một số doanh nghiệp Nhà nước lớn của Chính phủ là một tin đáng khích lệ. Tuy nhiên, để có một thị trường chứng khoán có thanh khoản cao và dễ dàng tiếp cận, cần cụ thể hóa và công bố công khai lộ trình cổ phần hóa, bao gồm liệt kê tên của các Doanh nghiệp Nhà nước sẽ được cổ phần hóa và dự kiến thời gian thực hiện cổ phần hóa những doanh nghiệp này.

Các doanh nghiệp cổ phần hóa cũng cần bán ít nhất 20% - 30% doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa; đồng thời cần tuyệt đối tuân thủ thời gian niêm yết và thủ tục niêm yết đối với cả UPCOM, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh như đã được quy định rõ ràng tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 180/2015/TT-BTC.

Đáng chú ý là nhóm công tác đã đề xuất việc "cân nhắc việc loại bỏ sàn UPCOM và OTC, và cân nhắc việc yêu cầu doanh nghiệp niêm yết thẳng tại Sở giao dịch Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minhm, có thể trong vòng 3 năm từ bây giờ.

Tin mới lên