Tài chính

Nhà nước có thể thu về 6.745 tỷ đồng từ việc bán cổ phần tại PV Power

(VNF) - Sếp PV Power tự tin rằng việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là tại thời điểm 31/12/2015 nên kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 - 2017 của PV Power "tốt mà chưa được phản ánh vào giá".

Nhà nước có thể thu về 6.745 tỷ đồng từ việc bán cổ phần tại PV Power

Nhà đầu tư chiến lược có thể nắm tới 36% cổ phần tại PV Power.

Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, vốn điều lệ của PV Power sau cổ phần hóa là hơn 23.400 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ; phần bán ưu đãi cho người lao động là 0,1%; có 20% vốn điều lệ được bán đấu giá công khai và gần 29% vốn điều lệ được dành cho các cổ đông chiến lược.

Tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào PV Power vừa được tổ chức, ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng giám đốc PV Power cho hay, nhà đầu tư chiến lược nếu mua hết 29% cổ phần dành cho khối này vẫn có thể mua thêm thông qua phiên IPO để nắm giữ tới 36% cổ phần của PV Power và đạt quyền phủ quyết trong đại hội cổ đông.

Với mức giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phiếu, nếu đấu giá thành công, PV Power sẽ thu về 6.745 tỷ đồng.

Hiện PV Power là doanh nghiệp phát điện lớn thứ 2 về quy mô, đóng góp khoảng 14% sản lượng điện quốc gia với tổng công suất các nhà máy điện chiếm cỡ 12% toàn hệ thống và có ưu thế trong sản xuất điện khí.

Năm 2017, PV Power đã đạt tổng sản lượng điện 20.529 triệu kWh, vượt 481 triệu kWh so với kế hoạch.

Cũng theo ông Hòa, PV Power đã tiến hành các roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc cách đây hơn 1 năm dù khi đó phương án cổ phần hóa chưa được phê duyệt. \

Hiện tại, đã có trên 100 nhà đầu tư quan tâm muốn là cổ đông chiến lược của PV Power. Ngoài nhóm các nhà đầu tư đến từ các đơn vị phát điện cùng ngành nghề và có năng lực mạnh hơn, quản trị tốt hơn ở các nước tiên tiến, còn có các chủ mỏ khí, than từ Qatar, Arab Saudi, Indonesia hay Australia.

Sau khi cung cấp thông tin và giải đáp các mối quan tâm, hiện có tới 30 nhà đầu tư phù hợp mong muốn gắn bó chung 5-10 năm và "hy vọng hơn nữa" cùng PV Power.

Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ dựa trên các tiêu chí như cam kết gắn bó với doanh nghiệp 5 năm, 2 năm liên tục gần nhất không bị lỗ, ưu tiên nhà đầu tư thu xếp được vốn cho các dự án điện khí trong tương lai, có năng lực quản trị, có hoạt động trong lĩnh vực phát điện; là chủ mỏ có sở hữu mỏ để có nguồn cung cấp nhiên liệu khi tài nguyên trong nước suy giảm.

Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược có cam kết biểu quyết nhận chuyển nhượng một số dự án nhiệt điện than Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư cũng sẽ được ưu tiên trong quá trình lựa chọn chung kết.

Ông Hòa cũng cho hay, việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là tại thời điểm 31/12/2015 nên kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 - 2017 của PV Power tốt mà chưa được phản ánh vào giá. Năm 2017, PV Power đạt doanh thu gần 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 2.500 tỷ đồng. Năm 2018, các chỉ tiêu tương ứng là gần 31.000 tỷ đồng và hơn 1.900 tỷ đồng.

Dẫu vậy, các chỉ tiêu cho năm 2018 cũng được Ban lãnh đạo PV Power cho hay "được xây dựng khá thân trọng và thực tế ít nhất sẽ tương ứng với năm 2017". Nguyên do, năm 2018 PV Power được hưởng lợi từ việc đại tu các hệ thống máy móc đã thực hiện nnăm 2017, nên hiệu suất sử dụng sẽ cao hơn, chi phí nhiên liệu thấp đi.

Theo kế hoạch, mức cổ tức hàng năm sau cổ phần hóa của PV Power là 7-12%, chưa cao là bởi lợi nhuận thu được sẽ tập trung cho đầu tư nhằm phát triển PV Power trong tương lai.

Hiện tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đang khá tốt là với mức 60/40, tức 60% vốn vay và 40% vốn chủ sở hữu, cao hơn nhiều doanh nghiệp trong ngành đang có mức 70/30, thậm chí 90/10.

Tin mới lên