Bất động sản

Nhà ở cho thuê: Vì sao doanh nghiệp hờ hững?

(VNF) – Với nhu cầu cực lớn từ thị trường, nhà ở cho thuê được đánh giá là "miếng bánh béo bở", tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp địa ốc lại tỏ ra không mặn mà phát triển.

Nhà ở cho thuê: Vì sao doanh nghiệp hờ hững?

Nhu cầu nhà thuê hiện nay rất lớn, nhưng các bất cập đã hạn chế khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp

Luật thì thiếu, lãi suất thì cao

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước sẽ cần 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, nhưng thực tế, đến nay mới chỉ đáp ứng được 10.000 căn. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp đang trở nên rất bức thiết, nhưng số lượng dự án nhà ở xã hội lại hết sức hiếm hoi. Tình trạng này được xem là mảnh đất màu mỡ để căn hộ cho thuê phát triển.

Bởi đối với người thu nhập thấp, khả năng sở hữu nhà tại các thành phố là rất nhỏ, nếu có, cũng phải mất một thời gian dài để tích lũy tiền bạc. Khi chưa có đủ năng lực để mua thì thuê nhà là nhu cầu tất yếu. Chỉ tính riêng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng người đi thuê nhà hiện nay cũng lên tới hàng triệu.

Thế nhưng, điều nghịch lý là phần lớn mảng thị phần khổng lồ đó lại đang nằm trọn trong tay của khối tư nhân. Các doanh nghiệp địa ốc gần như đứng ngoài cuộc chơi này. Điều đó dẫn đến tình trạng: cầu cứ cầu, còn cung vẫn cứ không cung.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, tỷ suất lợi nhuận thấp và khả năng đánh bóng thương hiệu kém là hai lý do khiến ít doanh nghiệp nào đổ vốn vào thực hiện, nhất là các "đại gia" bất động sản.

Đứng trên góc độ người kinh doanh, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, không phải doanh nghiệp không muốn làm nhà ở cho thuê, chỉ vì luật pháp hiện nay còn nhiều bất cập quá.

Theo ông Đực, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ luật hay nghị định nào quy định về nhà ở cho thuê. Do đó, các kế hoạch thâm nhập thị trường, thiết kế dự án của doanh nghiệp hiện có vô số "khoảng trắng" về diện tích căn hộ, quyền lợi của nhà đầu tư, nghĩa vụ của người thuê nhà…

Bên cạnh đó, sự tăng cao của lãi suất cũng được xem là chiếc dùi, dùi thủng lợi nhuận của doanh nghiệp. "Tại sao thế giới làm nhà cho thuê được mà Việt Nam thì không? Ấy là vì lãi suất. Trên thế giới, lãi suất làm nhà cho thuê chỉ từ 3 - 5%/năm, còn mình lên tới 10 - 12%/năm thì làm sao nổi", ông Đực nói.

Ngoài ra, những khó khăn, rủi ro trong quản lý dự án cho thuê cũng là yếu tố làm nản lòng chủ đầu tư. "Nhà ở thuê, không phải của mình, do vậy, nhiều người ở không có ý thức giữ gìn tài sản, chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để sửa chữa hàng năm sẽ khá lớn. Đó là chưa nói trong nhiều trường hợp, có những người thuê chây ì không đóng tiền thuê nhà, thậm chí phá hoại nhà, gây bất lợi cho cư dân… 

Trong trường hợp ấy, chủ đầu tư có quyền được trục xuất những người đó không? Hay chính quyền lại bênh vực người dân và xử phạt doanh nghiệp? Đó thực sự là những khó khăn rất lớn mà chúng ta phải thật lòng nói thẳng với nhau", ông Đực bày tỏ.

Nhà nước nên tự làm nhà cho thuê?

Cũng theo ông Đực, để giải quyết vướng mắc hiện nay, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. "Chừng nào doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi của nhà nước, khoảng 4%/năm, thì khi đó mới có thể làm nhà cho thuê 30m2 với giá 2 triệu/tháng. Còn nếu vay trên thị trường thì giá phải là 4 triệu/tháng, khó có thể thấp hơn".

Ông Đực cũng cho rằng, việc xã hội hóa nhà cho thuê là rất khó. Nhà nước không thể dựa vào một vài doanh nghiệp như Lê Thành hay Hoàng Quân để làm. Bởi năng lực của mỗi doanh nghiệp làm tới vài ngàn căn là quá sức.

"Cũng như nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê cần được xem là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước phải lập ra một ban làm nhà cho thuê, rồi có thể lựa chọn tự đầu tư hạ tầng hay khoán cho doanh nghiệp. Chứ như chúng tôi, không luật, không hỗ trợ lãi suất, phải tự mày mò làm nhà, tự tạo sản phẩm, thậm chí lách luật làm thí điểm… thì rất khó giải quyết cơ bản vấn đề. Một vài doanh nghiệp không thể tạo ra cú đấm để giải quyết nhà cho thuê", ông Đức khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện nay trên thị trường cũng xuất hiện các dạng căn hộ cho thuê có diện tích nhỏ (dưới 20m2). Mặc dù có tốc độ tiêu thụ tốt, nhưng ông Đính cho rằng, rất khó nhân rộng ra vì vẫn còn vướng thủ tục pháp lý (chưa có quy định chuẩn dưới căn hộ).

Hơn nữa, việc chia nhỏ căn hộ sẽ làm gia tăng cơ học dân số, gây sức ép lên hạ tầng và khiến việc quản lý dự án trở nên khó khăn.

Do đó, về lâu dài, ông Đính khuyến nghị phải có sự kết hợp của nhiều bên. Nhà nước cần có quy hoạch đồng bộ, nhất là trong việc khẩn trương đẩy nhanh việc xây dựng các đô thị vệ tinh có những chức năng riêng biệt. Chủ đầu tư cần cẩn trọng trong nghiên cứu, đánh giá, phân tích thị trường để nhà cho thuê làm ra đạt được hiệu quả, tránh tình trạng như các khu Pháp Vân – Tứ Hiệp hay một số dự án của Hoàng Quân, nhà làm xong nhưng không có người vào thuê, gây lãng phí và thiệt hại cho doanh nghiệp.

Tin mới lên