Bất động sản

Nhà ở xã hội đang bị trục lợi như thế nào?

(VNF) - Phát triển nhà ở xã hội là một chính sách nhân văn nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị. Tuy nhiên hiện nay, chính sách này lại đang bị lợi dụng để trục lợi cho một bộ phận người.

Nhà ở xã hội đang bị trục lợi như thế nào?

Chính sách nhà ở xã hội đang bị trục lợi bởi các đối tượng khác nhau

Nhà ở xã hội, người giàu vào ở

Từ 2 – 3 năm qua, hình ảnh những chiếc xe ô tô hạng sang đậu chật kín trên các vỉa hè đã trở nên quen thuộc với người dân khu chung cư Blue house – Đại Địa Bảo (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Dù là khu nhà dành cho người thu nhập thấp, nhưng cư dân cho biết, quá nửa căn hộ tại đây có chủ sở hữu là người Hà Nội vào đầu tư.

Điều tương tự cũng diễn ra tại các dự án nhà cho người thu nhập thấp khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như Nesthome, Vicoland… Đa số cư dân tại các dự án này có mức thu nhập khá cao, vượt xa tiêu chuẩn để được xét mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.

Tại Hà Nội, việc người giàu vào ở trong khu nhà dành cho người thu nhập thấp cũng không phải là một điều mới lạ. Tại khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), ô tô đỗ chật cả bãi gửi, nhiều chiếc không có chỗ phải đậu lên cả khu vực cấm. Không ít cư dân tại Đặng Xá là công chức, viên chức, giám đốc công ty... Đa số mua để ở nhưng cũng có không ít người mua để cho thuê, thậm chí chỉ để… nghỉ ngơi cuối tuần.

Ô tô đỗ trong khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội

Ô tô đỗ trong khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội

Theo đánh giá của các chuyên gia, thực trạng người giàu vào ở trong các khu dành cho người thu nhập thấp là do kẽ hở trong công tác lựa chọn, thẩm định hồ sơ và xét duyệt đối tượng được mua nhà.

Hiện, việc nhận và xét duyệt hồ sơ vẫn do chủ đầu tư dự án đảm trách, vì vậy, việc "ưu ái" cho người thân, người quen… được lọt vào danh sách mua nhà là khó tránh khỏi. Mới đây, bê bối tại dự án Rice City (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đã làm lộ ra kẽ hở trên.

Cụ thể, trong danh sách các đối tượng được xét duyệt mua nhà đợt 2 tại dự án nhà ở xã hội Rice City có tới 3 người thân (bố đẻ, vợ và mẹ vợ) của ông Lục Minh Hoàn – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BIC Việt Nam (chủ đầu tư dự án).

Mặc dù ông Hoàn lý giải rằng bố đẻ ông chưa có nhà ở và đủ điểm để xét duyệt hồ sơ, nhưng các chuyên gia cho rằng ở đây có dấu hiệu của việc "trục lợi chính sách".

Bởi khi xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư được nhận hỗ trợ rất lớn từ nhà nước như được miễn giảm thuế đất, giao mặt bằng sạch, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp… Do đó, xét duyệt cho người giàu được mua nhà ở xã hội là đã tước đoạt cơ hội sở hữu nhà của người thu nhập thấp và bóp méo chính sách hỗ trơ của nhà nước.

Trục lợi từ mua bán chui nhà ở xã hội

Việc phê duyệt sai đối tượng đươc mua nhà ở xã hội đã tạo điều kiện cho tình trạng mua bán chui nở rộ trên thị trường. Hiện nay, việc mua – bán nhà ở xã hội chưa đủ điều kiên đang diễn ra hết sức phổ biến, thậm chí còn công khai rao bán trên mạng internet.

Việc mua bán chui xảy ra đối với mọi loại dự án (bàn giao hay vừa hoàn thiện, tự mua hay được vay vốn gói 30 nghìn tỷ) và không hạn chế người mua bán. Thậm chí có người cùng một lúc rao bán nhiều căn hộ nhà ở xã hội khác nhau.

Việc mua đi bán lại đã "giúp" không ít đối tượng trục lợi hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), giá gốc một căn hộ khoảng 14 triệu/m2, nhưng giá bán lại lên tới 18 triệu/m2. Vậy chỉ cần mua đi bán lại một căn hộ 50m2, người bán có thể "ăn chênh" ít nhất 200 triệu đồng.

Việc mua bán chui nhà ở xã hội đang diễn ra hết sức phổ biến hiện nay

Việc mua bán chui nhà ở xã hội đang diễn ra hết sức phổ biến hiện nay

Theo quy định của pháp luật, trong vòng 5 năm, căn hộ nhà ở xã hội sẽ không được phép chuyển nhượng, mua bán cho đối tượng bên ngoài (chỉ được bán lại cho Nhà nước, chủ đầu tư, người thuộc diện được mua nhà ở xã hội với giá bán không đổi). Do đó, những người "bất đắc dĩ" phải mua lại nhà ở xã hội sẽ phải đối diện với rủi ro trắng tay vì hợp đồng mua bán trái phép về mặt pháp lý.

Mặc dù nhận rõ nguy cơ đó nhưng hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn tình trạng trên. Việc trục lợi từ mua đi bán lại nhà ở xã hội vẫn diễn ra công khai và phổ biến, gây thiệt hại và làm giảm khả năng sở hữu nhà của người thu nhập thấp.

Chủ đầu tư trục lợi từ xây dựng nhà ở xã hội

Hiện tại, trên thị trường có không ít dự án nhà ở xã hội xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng gây bức xúc cho cư dân. Chẳng hạn tại dự án Ecohome 1 (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới được đưa vào sử dụng hơn 1 năm nhưng các căn hộ tại dãy nhà E có hiện tượng ngấm, rỉ nước qua vết nứt, cửa sổ. Hay như khu đô thị Đặng Xá, các căn hộ tại các tòa D5, D6, D7, D9 bị nứt tường, thủng trần thạch cao, dột mái hiên, hư hỏng cửa sổ…

Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), sự xuống cấp nhanh chóng trên xuất phát từ sự buông lỏng của cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho chủ đầu tư rút ruột công trình, trục lợi trên lưng người nghèo.

Không chỉ vậy, tại một số dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư còn tự ý thay đổi thiết kế, công năng của các căn hộ để phục vụ cho lợi ích của mình.

Chẳng hạn như tại tòa nhà Bắc Hà Lucky Building (30 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội), chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Bắc Hà đã tự ý đập thông các căn hộ với nhau để tạo thành một căn hộ lớn. Việc đập thông này xảy ra tại các tầng 8, 10, 14, 18 và nhất là tầng 19 với 6 căn bị đập thông  để ghép thành 3 căn hộ lớn.

Tòa nhà Bắc Hà Lucky Building 30 Phạm Văn Đồng, chủ đầu tư tự ý đập thông căn hộ

Tòa nhà Bắc Hà Lucky Building 30 Phạm Văn Đồng, chủ đầu tư tự ý đập thông căn hộ

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 15/11 mới đây, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã khẳng định "chính sách nhà ở xã hội đang bị bóp méo để trục lợi, mà nguyên nhân là do buông lỏng quản lý nhà nước" và đặt ra vấn đề trách nhiệm đối với Bộ Xây dựng.

Đáp lại bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết "quan điểm của Bộ Xây dựng là những hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật".

Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật, chính sách về nhà ở xã hội nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tin mới lên