Nhân vật

Chủ tịch Hoa Sen tự tin trước 'canh bạc' dự án thép 10 tỷ USD

(VNF) - Dù còn nhiều ý kiến trái chiều cần làm rõ nhưng tại đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Hoa Sen ngày 6/9 đã có 97% cổ đông tham dự đồng ý thông qua Tổ hợp dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Chủ tịch Hoa Sen tự tin trước 'canh bạc' dự án thép 10 tỷ USD

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ.

Ngày 6/9, đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) đã diễn ra với nội dung nóng nhất chính là về câu chuyện Tổ hợp dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD.

Theo tờ trình HĐQT Hoa Sen gửi đến cổ đông, ban giám đốc công ty đề xuất nhà đầu tư thông qua chủ trương triển khai đầu tư Tổ hợp dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, công suất 6 triệu tấn/năm. Tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017-2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm. Đồng thời, ủy quyền cho HĐQT quyết định về phân kỳ giai đoạn đầu tư, quy mô, vốn đầu tư cụ thể cho từng giai đoạn, thời điểm đầu tư, hình thức đầu tư, lựa chọn công nghệ sản xuất và xử lý môi trường, đối tác, nhà cung ứng, đơn vị tư vấn, giám sát…

Vấn đề nóng nhất được quan tâm chính tại ĐHCĐ bất thường lần này là vấn đề bảo vệ môi trường khi dự án này được ví như có nguy cơ trở thành một Formosa thứ hai.

Tuy nhiên, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết: "Thời điểm này là cơ hội vàng để làm dự án thép vì nhu cầu của thị trường đang lớn chưa bao giờ giá thành đầu tư nhà máy thép rẻ như bây giờ".

Ông Lê Phước Vũ cho biết trước khi chọn Cà Ná - Ninh Thuận để đầu tư, Hoa Sen đã tính đến một số phương án ở Đông Hồi tỉnh Nghệ An và Dung Quất - Quảng Ngãi nhưng những nơi này không có cảng nước sâu đủ lớn. Ông Vũ cho rằng Cà Ná là một trong những nơi làm thép tốt nhất thế giới vì nằm gần TP.HCM, ít nguy cơ bị bão, có cảng biển nước sâu cho tàu 200.000 - 300.000 tấn cập cảng giúp tiết kiệm cho phí vận tải khoảng 300 triệu USD cho 16 triệu tấn thép/năm.

"Chi phí đầu tư cảng Cà Ná vào khoảng 12.000 tỷ đồng nhưng hiện tỉnh Ninh Thuận đang đề nghị Chính phủ đầu tư theo hình thức PPP, Nhà nước sẽ làm phần đê chắn sóng nên dự kiến vốn đầu tư Hoa Sen bỏ ra vào khoảng 7.000 – 8.000 tỷ. Ngoài ra ở Cà Ná không có sóng nên cảng sẽ không bị bồi lắng và không tốn chi phí nạo vét", ông Vũ cho biết.

Chủ tịch Hoa Sen cũng nói thêm rằng: "Sau sự kiện Formosa xảy ra làm ai cũng sợ và ví đây là dự án thứ hai của Formosa. Với dự án của Hoa Sen, chúng ta đi theo một hướng khác và đặt yếu tố bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Hoa Sen là người đi sau nên học được những kinh nghiệm nhiều từ các dự án trước, mặc dù được áp dụng công nghệ tối tân nhất nhưng cũng phải tính toán đến trường hợp xấu nhất, không phải một năm mà cả 100 năm tới".

Sự cố của Formosa là do sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi hóa chất. Ông Vũ cũng cam kết với cổ đông rằng trong các giai đoạn đầu tiên sẽ không thực hiện luyện cốc mà vẫn nhập cốc, trừ khi các công đoạn khác hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn tuyệt đối thì mới đầu tư cho luyện cốc bằng công nghệ tối tân nhất, dưới sự giám sát của đội ngũ chuyên gia đến từ châu Âu hoặc Mỹ. 

"Hoa Sen sẽ sử dụng công nghệ luyện cốc nhưng không thu hồi hóa chất mà thu hồi nhiệt để làm phát điện thì chắc chắn không xảy ra như Formosa", ông Vũ nói.

Về nguồn vốn đầu tư dự án, ông Lê Phước Vũ cho biết Ngân hàng Vietinbank đã cam kết đầu tư 500 triệu USD cho dự án nên Hoa Sen không có ý định phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu để thu hút vốn. Theo ông, trong vòng 10 năm tới, dự kiến vốn điều lệ của Hoa Sen sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng.

Tin mới lên