Nhân vật

Chuyên gia công nghệ gây sốt khi 'bắt lỗi' dịch vụ của VCB

(VNF) - Anh Dương Vi Khoa, một chuyên gia nổi tiếng trong giới công nghệ của Việt Nam mới đây đã có bài viết phân tích về các điểm yếu trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng liên quan đến thẻ của Ngân hàng Vietcombank. Bài viết đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, comment trên mạng xã hội Facebook.

Chuyên gia công nghệ gây sốt khi 'bắt lỗi' dịch vụ của VCB

Anh Khoa cho hay anh là khách hàng của VCB đã gần 20 năm, sử dụng VCB cho các giao dịch hàng ngày như chuyển khoản, rút tiền ATM, thanh toán các loại hóa đơn. Tuy nhiên, anh đã quyết định chuyển sang ngân hàng khác "vì rất nhiều lý do".

Cụ thể, anh nêu 8 lý do mà anh cho là rất "kém", chẳng hạn việc thu phí chuyển khoản nội bộ hoặc rút tiền ATM khó khăn, dịch vụ tại quầy giao dịch là kém. Mặc dù, anh cũng thừa nhận 2 điểm mạnh mà VCB đang có gồm "Bạn bè, người quen dùng nhiều, chuyển khoản nhanh vì gần như ai cũng có VCB" và "Đăng ký từ ngày xưa, lười đi đổi".

"Cho đến bây giờ thì 8 cái lý do trên đủ để đánh bật 2 cái lý do dưới. Các bank khác chuyển khoản liên ngân hàng giờ đã nhanh lắm rồi, lại không mất phí... Tôi có rút tiền ở Techcombank ATM nhiều lần khá là thích vì tiền ra đầy đủ cả 500-200-100. Kiểu như rút 3 triệu sẽ có 5 x 500 + 2 x 200 + 100", anh viết.

Sau khi các nhận định trên được công bố trên facebook, chuyên gia đã nhận được rất nhiều lượt "tương tác" và tạo cảm hứng để anh viết luôn một bài phân tích dài về vấn đề này. VietnamFinance xin trích giới thiệu 04 nội dung quan trọng trong bài viết này.

Nội dung thứ nhất là về "Chuyển tiền nội bộ cùng ngân hàng". Theo anh Khoa, "đồng ý rằng dùng Mobile Banking của VCB sẽ được miễn phí, nhưng tại sao iBanking thì lại mất 3.300đ/lần? Các bạn có bao giờ tự hỏi điều đó và đòi 1 sự giải thích xác đáng từ VCB không? Chưa kể Mobile Banking chỉ cho giao dịch 100tr/ngày, nếu hơn thì vẫn phải dùng iBanking trở lại. Chưa kể sao kê trên iBanking của VCB chỉ có ngày chứ không có giờ giao dịch, rất bất tiện cho việc tra soát nếu có nhiều giao dịch giống nhau trong ngày. iBanking của Vietcombank cũng không cho phép đặt lệnh chuyển khoản liên ngân hàng từ 18h00 đến 5h00 sáng hôm sau trong khi các ngân hàng khác đều cho phép."

"Các bạn là khách hàng mà, sao lại thụ động tiếp thu như vậy mà không đòi hỏi về quyền lợi của mình? Tại sao phải trả phí trong khi có thể miễn phí? Nhiều bạn nói rằng "sao cái gì cũng đòi miễn phí, làm miễn phí thì tiền đâu nuôi nhân viên", tôi thấy rất buồn cười. Tiền các bạn gửi trong ngân hàng là đã tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng rồi, các bạn là khách hàng chứ không phải là người đi xin xỏ ban phát gì từ ngân hàng cả mà không có quyền đòi hỏi. Nhiều bạn suy nghĩ thụ động đến mức không biết là mình có cái quyền đó nữa, cứ nghĩ là mình dùng dịch vụ tốt như vậy thì trả tiền vậy là đúng rồi. Các bạn có biết là lương trung bình của nhân viên Vietcombank là cao nhất ngành ngân hàng không?", anh viết.

Con số 3.300đ/lần chuyển tiền nội bộ này, theo anh Khoa, là "rất cao chứ không phải là cao bình thường". Anh cũng cho rằng việc miễn phí hoàn toàn việc chuyển tiền trong nội bộ ngân hàng phải là hiển nhiên vì "chả thấy có cái lý do gì để thu phí chuyển tiền nội bộ trong 1 ngân hàng cả", thậm chí "ở Việt Nam vẫn có những ngân hàng cho chuyển khoản liên ngân hàng miễn phí. Tôi có người bạn phải sử dụng giao dịch online banking rất nhiều, anh ta có tài khoản ở hơn 10 ngân hàng khác nhau nhưng giao dịch trên iBanking của Vietcombank vẫn là nhiều nhất, 1 tháng tốn đến gần 8 triệu tiền phí chuyển khoản nội bộ".

Vietcombank vẫn là "ông lớn" trong làng thẻ ngân hàng Việt Nam dù dịch vụ bị chê là kém

Nội dung thứ hai là "Rút tiền tại ATM". Theo chuyên gia, ATM của VCB phân bổ tiền không hợp lý, có những bạn vẫn rút được 5 triệu/lần nhưng tôi đảm bảo là số người chỉ có thể rút từ 3 triệu/lần trở xuống nhiều gấp mấy lần số có thể rút 5 triệu/lần mà vẫn bị trừ phí như nhau.

"Như trường hợp của tôi, 8/10 lần đi rút tiền tại ATM VCB đều gặp toàn tiền 100K, thậm chí chỉ toàn 50K, thỉnh thoảng có 200K và rất hiếm khi rút được toàn bộ 500K. Mỗi lần tôi rút tiền toàn từ 10tr-20tr/lần, rất là tốn thời gian và phải cầm 1 cọc tiền lẻ cực kỳ khó chịu. Tôi toàn phải chấp nhận phí cao hơn, rút tiền tại ATM của Techcombank, ACB, VPBank để có tiền chẵn", anh viết.

"Các bạn không thấy vô lý khi tiền của mình gửi vào ngân hàng, lúc muốn lấy ra lại phải mất phí? Hay vì các bạn cảm thấy chuyện đó là bình thường nên không cần quan tâm? Nhiều ngân hàng khác ở Việt Nam và trên thế giới đều không tính phí rút tiền tại ATM cùng hệ thống. Mà nếu thu phí thì dịch vụ phục vụ phải tốt và xứng đáng, đằng này tôi lại thấy dịch vụ này có thể gọi là kém.", anh viết tiếp.

Nội dung thứ ba là về "Giao dịch tại quầy/phòng giao dịch", theo chuyên gia, khi mở tài khoản vào năm 1999, khách hàng VCB cũng vắng nhưng các giao dịch viên thì rất niềm nở và dễ thương, tư vấn tận tình. Còn bây giờ, phòng giao dịch của VCB "có ở khắp nơi, khang trang sạch sẽ, nhân viên đông đúc nhưng mỗi lần có việc cần ra quầy giao dịch VCB thì thật là mất thời gian và thậm chí có lúc bực mình vì thái độ thiếu chuyên nghiệp, khó chịu của nhân viên VCB". 
"Trong khi bây giờ chuyển sang 1 ngân hàng khác, có việc gì tôi chỉ cần thông báo trước với nhân viên, họ chuẩn bị sẵn giấy tờ, tôi đến nơi chỉ việc ký tên và giao dịch là xong, rất nhanh chóng thuận tiện. Thậm chí có khi họ còn đợi tôi đến 18h00, trong khi ở VCB có chi nhánh chưa đến 16h00 đã ngừng nhận giao dịch", anh viết. 

Nội dung thứ tư là về "Lợi thế của VCB đối với cá nhân", theo anh Khoa, vì VCB có đông người sử dụng nên đây cũng là nhược điểm của VCB do các dịch vụ thường quá tải. Cũng vì đông người dùng nên ai cũng cần 1 cái tài khoản VCB để giao dịch với người xung quanh cho thuận tiện. Phòng giao dịch nhiều, có ở khắp các tỉnh thành, quận huyện. Tuy nhiên, "dần dần bạn bè xung quanh tôi sử dụng các ngân hàng khác nhiều hơn, dùng VCB ít đi hẳn. Đồng thời hiện nay có không dưới 3 ngân hàng đang có chính sách miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng nên lý do cần có VCB để giao dịch không còn đứng vững nữa".

"Nhiều ngân hàng nhỏ hơn VCB có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn hẳn, nhân viên tại quầy giao dịch cũng chuyên nghiệp hơn, niềm nở hơn do ít khách hàng hơn. Với tài khoản giao dịch thì có lẽ việc mà tôi quan tâm không phải là độ an toàn của ngân hàng (về mặt tín dụng, không phải về mặt bảo mật) mà là dịch vụ mình được hưởng có phải là tốt nhất hay không. Ngày trước thì không có nhiều lựa chọn nên tôi chả có suy nghĩ sẽ thay đổi tài khoản giao dịch. Bây giờ thì đã có thể nghĩ đến khi có rất nhiều offer tốt hơn mà vẫn đáp ứng đúng nhu cầu của mình. Tại sao phải trả phí cao hơn cho 1 dịch vụ kém hơn trong khi có thể được phục vụ tốt hơn mà chi phí thấp hơn? Đó là lý do để tôi đưa ra quyết định sẽ thay đổi tài khoản giao dịch chính của mình. Tất nhiên là tài khoản VCB vẫn giữ nếu có nhu cầu sử dụng, nhưng nó sẽ không phải là tài khoản chính nữa", anh kết luận.

Dương Vi Khoa là ai?

Anh Dương Vi Khoa là một nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ thông tin của Việt Nam. Anh có bằng MCSE (Kỹ sư hệ thống của Microsoft) từ năm 19 tuổi. Năm 2006, khi còn là admin của Diễn đàn tin học Việt Nam (ddth.com), anh từng là 1 trong 2 người Việt Nam được Microsoft trao danh hiệu Most Valuable Professional (MVP) và mời sang tham dự MVP Summit ở trụ sở Microsoft tại Seattle, US.

Trong hơn 10 năm qua, anh tiếp tục ghi dấu ấn của mình trong làng công nghệ với vai trò một game thủ xuất sắc, huấn luyện viên đội eSports Việt Nam tham dự ASIAN Indoor Games, nhiếp ảnh gia và là một chuyên gia tư vấn các giải pháp công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tin mới lên