Nhân vật

Doanh nhân Trần Anh Tuấn và 10 năm thăng trầm cùng Maritime Bank

(VNF) - Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT, rồi kiêm nhiệm Tổng Giám đốc và giờ là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Maritime Bank, ông Trần Anh Tuấn đã để lại nhiều dấu ấn đáng kể.

Doanh nhân Trần Anh Tuấn và 10 năm thăng trầm cùng Maritime Bank

Doanh nhân Trần Anh Tuấn được xem là có nhiều đóng góp quan trọng cho Ngân hàng Maritime Bank trong một thập kỷ qua

Giữa thời điểm sóng gió khi ông Tuấn đối mặt những tin đồn tiêu cực, cùng nhìn lại những bước thăng trầm của Maritime Bank trong 10 năm làm lãnh đạo của người đàn ông mang hai quốc tịch Việt Nam và Malta này.

Hành trình thâu tóm Maritime Bank

Năm 2005 đánh dấu một bước phát triển mới của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) khi ngân hàng này chuyển Hội sở chính từ Hải Phòng lên Hà Nội, đồng thời mở rộng đối tác khách hàng ra ngoài ngành hàng hải.

Chỉ một năm sau đó, Maritime Bank trở thành ngân hàng đại chúng và kể từ đây, hành trình thâu tóm Maritime Bank của ông Trần Anh Tuấn cũng bắt đầu.

Năm 2007, V.I.D Group sở hữu lượng cổ phần chi phối tại Maritime Bank (theo nhiều thông tin là sở hữu trên 80% cổ phần).

Với cương vị là Tổng Giám đốc V.I.D Group, ông Tuấn dễ dàng lọt vào HĐQT Ngân hàng Maritime Bank và giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Tháng 10/2008, ông Tuấn được bổ nhiệm kiêm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Maritime Bank.

Một điều khá lạ là theo báo cáo thường niên 2015 thì V.I.D Group (nay đổi tên thành TNG Holdings) không có tên trong danh sách cổ đông lớn của Maritime Bank. Danh sách này chỉ liệt kê 2 cổ đông lớn là VNPT (sở hữu 6,092% cổ phần) và Công ty TNHH Đầu tư Phúc Tiến (sở hữu 6,521% cổ phần).

Hành trình trở thành "ông chủ" Maritime Bank của ông Tuấn tiếp tục thuận lợi khi tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2012, ông được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Maritime Bank nhiệm kỳ 2012 – 2016. Đồng thời, đại hội cũng thông qua việc thành lập Hội đồng sáng lập Maritime Bank gồm 4 thành viên, do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vợ của ông Trần Anh Tuấn, làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập.

Trong thời gian ông Trần Anh Tuấn làm lãnh đạo, Maritime Bank cũng liên tục tăng vốn. Nếu như vốn điều lệ năm 2009 của Maritime Bank chỉ là 3.000 tỷ đồng thì chỉ một năm sau, con số này đã tăng lên mức 5.000 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của Maritime Bank sau đó tiếp tục tăng lên 8.000 tỷ đồng vào năm 2011 và năm 2015 vừa qua, sau khi sáp nhập với Mekong Bank, vốn điều lệ của Maritime Bank tiếp tục tăng lên mức 11.750 tỷ đồng.

Những chuyện kém vui

Tuy khá thành công trong vai trò một doanh nhân, hành trình 10 năm qua của doanh nhân Trần Anh Tuấn ghi nhận một vài sự kiện "kém vui".

Cụ thể, trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, theo hồ sơ bản án hình sự sơ thẩm số 46/2014/HSST ngày 27/01/2014 thì 3 trong số 9 công ty là nguyên đơn dân sự, người bị hại trong vụ án "Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn" được xác định là công ty "sân sau" của Maritime Bank, bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư Phúc Vinh, Công ty Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Hưng Yên.

Tổng cộng, "siêu lừa" Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của 3 công ty này số tiền lên đến 1.598 tỷ đồng. Đến tận bây giờ, dư luận vẫn thắc mắc là tỷ lệ lợi ích của Maritime Bank tại 3 công ty này là bao nhiêu?

Câu chuyện thứ hai là vụ sáp nhập Mekong Bank vào năm 2015, theo đó Maritime Bank chính thức sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), qua đó tăng vốn điều lệ từ 8.000 tỷ đồng lên thành 11.750 tỷ đồng, đồng thời mở rộng mạng lưới hoạt động từ 221 lên thành 270 điểm giao dịch trên toàn quốc.

Trước khi sáp nhập, Mekong Bank có kết quả kinh doanh khá tốt khi ngân hàng này đạt lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng vào năm 2014 và 63 tỷ đồng vào năm 2013.

Việc Mekong Bank về với Maritime Bank không có gì bất ngờ vì vốn dĩ Maritime Bank đã sở hữu 9,36% cổ phần của ngân hàng này.

Đồng thời, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Tiến – cổ đông lớn của Maritime Bank ở thời điểm hiện tại, cũng đồng thời là cổ đông lớn của Mekong Bank khi sở hữu 10% cổ phần của ngân hàng này.

Như vậy, nhiều khả năng Công ty Phúc Tiến trở thành cổ đông lớn của Maritime Bank thông qua việc sáp nhập Mekong Bank vào Maritime Bank.

Câu chuyện thứ ba là về các sự kiện gần đây liên quan đến bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vợ của ông Trần Anh Tuấn. Theo đó, bà Hường đã bị phát hiện nhập Quốc tịch Malta ngay sau khi trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và sau đó đã bị bác tư cách đại biểu.

Từ sự việc này, trên mạng liên tục xuất hiện các thông tin mang tính đồn thổi về vợ chồng ông Trần Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cũng như các công ty do hai ông bà đang nắm giữ.

Như VietnamFinance đã đưa tin, tối 8/8, ông Trần Anh Tuấn đã gửi tâm thư đến các cán bộ nhân viên để phủ nhận những đồn đoán hiện nay, đồng thời khẳng định Maritime Bank đang hoạt động tốt, đúng pháp luật và có tình trạng tài chính lành mạnh.

Tin mới lên