Nhân vật

Ông chủ Facebook có ý định bước chân vào Chính phủ Mỹ

(VNF) - Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg đã có kế hoạch làm việc cho Chính phủ Mỹ, theo hồ sơ nộp lên tòa án mà Bloomberg được chứng kiến.

Ông chủ Facebook có ý định bước chân vào Chính phủ Mỹ

Mark Zuckerbergcó kế hoạch làm việc cho Chính phủ Mỹ.

Facebook mãi mãi nằm dưới quyền kiểm soát của Mark Zuckerberg?

Các tài liệu này nằm trong hồ sơ vụ kiện, trong đó, một cổ đông của Facebook cáo buộc hội đồng quản trị không hoàn thành nhiệm vụ đại diện cho những lợi ích tốt nhất của các cổ đông nắm giữ cổ phiếu phổ thông của công ty này.

Vụ kiện tập trung vào sự thay đổi cơ cấu cổ phiếu của Facebook vào đầu năm nay. Đầu năm 2016, một cổ đông của Facebook đã đệ đơn kiện lên tòa công lý bang Delaware (xét xử theo lẽ công bằng chứ không theo thông luật) kiện công ty này nhằm ngăn kế hoạch tung hai loại cổ phiếu mới hạng C ra thị trường.

Facebook có hai loại cổ phiếu, một là cổ phiếu hạng A bán cho các nhà đầu tư cho họ một quyền bỏ phiếu kiểm soát công ty, hai là cổ phiếu hạng B do người sáng lập và cũng là người nắm giữ cổ phiếu nhiều nhất công ty là Chủ tịch Mark Zuckerberg sở hữu có tới 10 quyền bỏ phiếu. Mark Zuckerberg sở hữu khoảng 28% cổ phiếu của Facebook nhưng kiểm soát tới 57% số lá phiếu của các cổ đông.

Như thế, ngoài Mark Zuckerberg không một cổ đông hay nhà đầu tư nào có quyền kiểm soát và quyết định sử dụng vốn của Facebook, hay nói cách khác không thể đẩy Mark Zuckerberg khỏi hội đồng quản trị và chức chủ tịch Facebook.

Cổ phiếu hạng C này được chào bán công khai nhưng không kèm theo quyền bỏ phiếu.

Đơn kiện cáo buộc đây là bước đi không công bằng nhằm củng cố thêm quyền lực và lợi ích của Mark Zuckerberg. Cổ phiếu hạng C này sẽ mang lại cho Mark Zuckerberg hàng tỷ USD từ việc huy động vốn từ các nhà đầu tư, trong khi đó Mark Zuckerberg không phải trả giá gì cả.

Đơn kiện cũng cáo buộc Mark Zuckerberg âm mưu giữ quyền lực trong khi vẫn bán ra một lượng lớn cổ phiếu thu về hàng tỷ USD. Tháng 12/2015, Mark Zuckerberg tuyên bố hiến 99% cố phiếu mình giữ ở Facebook cho các dự án từ thiện.

Vì sáng kiến quỹ từ thiện Chan Zuckerberg, tỷ phú trẻ tuổi phải bán đi số cổ phiếu này nhưng như vậy sẽ đồng nghĩa với mất đi một phần quyền kiểm soát. Do vậy, Zuckerberg đã đề xuất bổ sung một loại cổ phiếu mới cho riêng bản thân mình mà theo đó dù phải bán đi cổ phiếu, quyền biểu quyết vẫn được bảo lưu. Như vậy ông chủ Facebook có thể làm từ thiện, mà vẫn đảm bảo được quyền lực của mình.

Đây không phải lần đầu tiên một "gã khổng lồ" có động thái "bảo vệ" quyền kiểm soát của những người đứng đầu. Trước đó, Google (hiện tại là Alphabet) cũng đã có một sự chuyển dịch cơ cấu tương tự, giúp các lãnh đạo của hãng này duy trì quyền lực của mình với công ty.

Muốn làm việc cho Chính phủ mà không mất đi quyền kiểm soát Facebook

Marc Andreessen - nhà đồng sáng lập Netscape và hiện đang là một nhà đầu tư ở thung lũng Silicon - là một trong ba thành viên của hội đồng quản trị được chọn vào một ủy ban đặc biệt nhằm đại diện cho các cổ đông đưa ra ý kiến về việc này.

Tuy nhiên, Andreessen đã bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng quy tắc về xung đột lợi ích khi thường xuyên trao đổi với Zuckerberg trong lúc đang làm việc cho ủy ban đặc biệt. Do đó nhân vật này không thể đưa ra một quyết định độc lập về cổ phiếu Facebook.

Andreessen đã bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng quy tắc về xung đột lợi ích khi thường xuyên trao đổi với Zuckerberg

Một vài tin nhắn trao đổi giữa Andreessen và Zuckerberg đã được công bố trong các tài liệu gửi lên tòa án, cho thấy những điều ngạc nhiên về nhà lãnh đạo của mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Theo đó, một trong những động cơ của Zuckerberg là tỷ phú này muốn vào làm việc cho Chính phủ Mỹ, trong khi vẫn muốn nắm quyền kiểm soát Facebook.

Các tài liệu cho thấy Erskine Bowles, một trong những thành viên hội đồng quản trị của Facebook tham gia vào ủy ban đặc biệt, đã "lo lắng rằng tham vọng của Zuckerberg muốn phục vụ Chính phủ trong 2 năm mà không mất đi quyền kiểm soát Facebook là thiếu trách nhiệm". Bowles là cựu chánh văn phòng Nhà Trắng.

Theo các bản sao tin nhắn được nhìn thấy bởi The Guardian, Andreessen đã nhắn tin cho Zuckerberg hồi tháng 3 rằng "vấn đề lớn nhất" là "làm thế nào để khẳng định những công việc liên quan đến chính phủ không khiến cổ đông lo sợ rằng cậu đang xao nhãng công việc ở Facebook".

"Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất vẫn là xung quanh công việc phục vụ Chính phủ".

"Erskine rất khó chịu với việc cho phép cậu sở hữu ít cổ phiếu nhưng vẫn giữ nguyên kiểm soát", Andreessen nhắn.

"Chúng tôi liên tục thảo luận về vấn đề này… Tôi đang cố gắng thuyết phục một lần nữa. :) "

"Erskine lo lắng rằng mọi người sẽ chỉ vào thông báo và nói rằng "các ông đang làm cái quái gì vậy, sao lại chấp nhận việc này". Erskine nghĩ công việc phục vụ Chính phủ sẽ buộc cậu phải từ bỏ quyền kiểm soát Facebook và đó là điểm mấu chốt".

Một thành viên hội đồng quản trị của Zuckerberg, người đồng sáng lập Paypal - Peter Thiel gần đây cũng bộc lộ ý muốn tham gia vào chính trường. Thiel là một trong số ít những nhà lãnh đạo ở thung lũng Silicon ủng hộ chiến dịch của Donald Trump và hiện đang nhắm đến một vị trí trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của Trump.

Tin mới lên