Nhân vật

Sếp FPT phân tích lý do 'người Việt mãi nghèo' nhưng tin 'nhất định sẽ giàu'

Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT mới đây đã "gây bão" khi chia sẻ trên mạng xã hội Facebook một bài phân tích với nội dung "Vì sao người Việt mãi nghèo?". Ngay sau đó, ông tiếp tục chia sẻ những ý tưởng để giúp Việt Nam thoát nghèo, sánh vai với bạn bè quốc tế.

Sếp FPT phân tích lý do 'người Việt mãi nghèo' nhưng tin 'nhất định sẽ giàu'

Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT.

Ông Đỗ Cao Bảo sinh ngày 18/6/1957, là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT và hiện đang giữ chức Phó Tổng giám đốc FPT. Với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong và ngoài nước, ông Bảo là một chuyên gia phần mềm có uy tín ở Việt Nam. Ông đã tham gia quản trị nhiều dự án mang tầm quốc gia và có đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển của FPT.

Từ năm 1994, với vai trò lãnh đạo cao nhất của Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), ông đã đưa FPT IS trở thành mũi nhọn công nghệ của FPT và liên tục dẫn đầu thị trường tích hợp hệ thống, phát triển phần mềm và dịch vụ tin học Việt Nam.

Mới đây, "người đàn ông quyền lực" của FPT gây bão cộng đồng mạng khi viết bài bác phân tích về nguyên nhân người Việt mãi nghèo.

"Vì sao Việt Nam mãi nghèo?"

"Sự lười biếng, dễ hài lòng, tư duy nhỏ, áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác… là một trong những điểm yếu cản trở sự phát triển, khiến người Việt mãi nghèo".  Đây là phát ngôn đang "gây bão" của CEO Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT khi nói về lý do vì sao người Việt mãi nghèo!

Theo Phó Tổng giám đốc Đỗ Cao Bảo, 4 yếu điểm của người Việt là: Sự lười biếng biểu hiện từ thanh niên không chịu lập nghiệp, nằm chờ người khác tạo công ăn việc làm; Không chịu vận động và sẽ chỉ làm những việc bé dẫn đến tư duy nhỏ, dễ hài lòng; Áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác và nền tảng triết học yếu, không chuẩn đã cản trở sự phát triển, khiến cho người Việt mãi nghèo.

Không phải vô cớ mà lãnh đạo của doanh nghiệp lớn như FPT lại phát ngôn gây sốc như vậy.

Theo kết quả khảo sát "Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam" do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với tập đoàn Manpower tiến hành mới đây tại 6.000 doanh nghiệp thuộc 9 lĩnh vực kinh tế tại 9 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực.

Trước đây, vào năm 2014, Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh Quốc) đã đăng tải một nghiên cứu khoa học, đã công bố rằng, trên thế giới có khoảng 1/3 số người trưởng thành mắc "bệnh" lười vận động. Trong đó, Việt Nam lọt vào nhóm những nước lười vận động nhất với chỉ khoảng 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.

Sự lười biếng, dễ hài lòng, tư duy nhỏ, áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác… là một trong những điểm yếu cản trở sự phát triển, khiến người Việt mãi nghèo. Ảnh minh họa: Internet

Cũng vào năm 2014, thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa ra con số về năng suất lao động của người Việt Nam thuộc diện thấp nhất châu Á. Cụ thể, năng suất lao động của người Việt thua năng suất lao động tại Singapore 15 lần, thua Nhật Bản 11 lần và thua Hàn Quốc 10 lần.

Còn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ILO cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Malaysia 5 lần, và thấp hơn Thái Lan là 2,5 lần.

Mặc dù diện vẫn do những yếu tố khách quan như cơ cấu nền kinh tế, quy mô GDP của nền kinh tế, hay mức độ hiện đại hóa trong sản xuất… khiến năng suất lao động của Việt Nam lại ở mức thấp nhất châu Á. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính bởi theo một số các quốc gia có sự tương đồng về cơ cấu nền kinh tế, quy mô GDP hay mức độ hiện đại hóa gần giống với Việt Nam ở châu Á nhưng năng suất lao động của họ lại vẫn cao hơn so với năng suất lao động của Việt Nam, thậm chí năng suất lao động của Việt Nam thuộc diện thấp gần nhất ở châu lục.

Còn theo số liệu từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), chỉ số trung bình sản lượng trên một đơn vị lương của Việt Nam hiện đang ở mức rất thấp, thấp hơn khoảng 73% so với công nhân Trung Quốc.

Đơn cử như với 1 USD thù lao, công nhân Việt Nam chỉ làm ra được 2,4 đơn vị sản phẩm, trong khi cũng với 1 USD thù lao thì công nhân Trung Quốc đã làm ra được 7,8 đơn vị sản phẩm, tức cao hơn Việt Nam từ 3-4 lần.

Ba câu hỏi giúp Việt Nam thoát nghèo

Ông Đỗ Cao Bảo đưa ra 3 câu hỏi mà theo ông, nếu trả lời được và làm theo thì sẽ giúp Việt Nam thoát nghèo:

- Tại sao người Việt lại mắc một số yếu điểm cố hữu mà các dân tộc khác lại không mắc hoặc mắc ít hơn, mắc nhẹ hơn? Làm cách nào để khắc phục hoặc hạn chế các điểm yếu cố hữu của người Việt?

-  Tại sao sao các nước Phương Tây (Châu Âu, Mỹ, Australia), Nhật Bản (trừ các nước Trung Đông) lại giàu có vượt trội so với phần còn lại của thế giới?

- Tại sao các nước Châu Phi, Nam Á, ASEAN (trừ Singapore) lại nghèo?

Với 3 câu hỏi này, câu trả lời chung được ông Đỗ Cao Bảo đưa ra đó là: Các nước phương Tây văn minh và có dân trí cao hơn. Trong khoảng 1.000 năm trở lại đây, những phát minh lớn của nhân loại đều do phương Tây phát minh.

Trong khi đó, người Việt và các nước châu Phi, Nam Á,... nghèo, lại hay mắc yếu điểm cố hữu vì chưa văn minh, dân trí thấp, giao lưu quốc tế ít. Do đó, người Việt chưa "mở rộng tầm mắt nhìn nhận thế giới văn minh". Với trình độ dân trí hiện tại, người Việt và các nước nghèo khác khó phát triển dù có áp dụng thể chế nào chăng nữa.

Học tập kinh nghiệm từ những nước bạn

Phó Tổng giám đốc FPT tóm tắt những lời giải cho bài toán "giúp Việt Nam thoát nghèo" tập trung vào 3 hướng: Đường lối canh tân đất nước, nâng cao dân trí của Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX; Học tập theo mô hình của các nước Âu Mỹ, Nhật Bản; Học tập theo mô hình của Singspore và Hàn Quốc.

Mô hình canh tân đất nước, "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" do Phan Chu Trinh đưa ra; cũng như phong trào Đông Du, đưa người sang Nhật Bản học tập của Phan Bội Châu sau đó đều thất bại được lý giải do Việt Nam khi đó chưa độc lập, số người tiếp xúc thế giới văn minh quá ít, và Nhật Bản khi đó vẫn chỉ đang học tập từ thế giới văn minh.

Còn việc học tập các nước Âu Mỹ, Nhật Bản, vốn là những quốc gia giàu có và văn minh nhất, lại cho thấy kết quả không thực sự khả quan. Nhiều quốc gia đi theo mô hình này nhưng hiện tại phát triển ngày càng chậm, điển hình như Philippines và Bangladesh.

Đường lối phát triển của Singapore có thể đúng đắn, nhưng trong quy mô nhỏ (Singapore có diện tích chỉ tương đương một thành phố). Do đó, ông Đỗ Cao Bảo tập trung vào phân tích trường hợp của Hàn Quốc - một quốc gia có diện tích và quy mô dân số lớn.

Người dân Hàn Quốc nổi tiếng với thái độ làm việc quyết liệt, đã làm là làm đến cùng.

Từ đó, ông Đỗ Cao Bảo chỉ ra trong quá trình phát triển "từ thế giới thứ ba đi lên thế giới thứ nhất", Hàn Quốc đã làm những việc sau để cải thiện những điểm yếu cố hữu của dân tộc:

- Truyền hình dạy cách làm người văn minh, dạy kinh doanh văn minh: Dạy từ nụ cười của nhân viên bán hàng đến cách xây dựng và vận hành một nhà máy, xí nghiệp.

- Cải cách giáo dục, dịch sách giáo khoa của Nhật Bản sang tiếng Hàn giảng dạy (trừ địa lý, lịch sử, văn học).

- Đưa những người xuất chúng nhất tới thế giới văn minh học tập, thể hiện qua những sinh viên giỏi toán nhất tới các trường đại học lớn ở Mỹ học tập.

- Tự nhận thức các điểm yếu cố hữu và khắc phục: Người Hàn Quốc nâng cao tinh thần tự cường, chỉ dùng đồ Hàn Quốc dù chưa tốt, chất lượng chưa đẹp; Đặt lợi ích Tổ quốc lên trên bản thân; Làm việc chăm chỉ, sẵn sàng làm thêm giờ không kêu ca.

Nhờ đó Hàn Quốc giờ đây đã đuổi kịp các nước phát triển, thể thao luôn đứng thứ hạng cao tại Olympic. Xã hội Hàn Quốc có quy củ, tôn ti trật tự rõ ràng. Người dân Hàn Quốc nổi tiếng với thái độ làm việc quyết liệt, đã làm là làm đến cùng.

Lời giải giúp Việt Nam thoát nghèo - Đất nước nhất định sẽ giàu

Sau loạt bài viết "gây bão" trên mạng xã hội, chỉ ra 4 điểm yếu cố hữu của người Việt, Phó Tổng giám đốc FPT chia sẻ, ông nhận được nhiều ý kiến đồng quan điểm. Rất nhiều bạn trẻ thấy bản thân cần tự thay đổi để hạn chế điểm yếu. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại: "Viết về điểm yếu của người Việt làm một số bi quan và nản".

Đáp lại, Đỗ Cao Bảo cho hay: "Tôi rất lạc quan và luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, của đất nước Việt Nam thân yêu. Tôi tin tưởng sâu sắc, nhất định đất nước ta sẽ giàu, sẽ đuổi kịp Thái Lan, sẽ vượt Philippines trong một thời gian không xa nữa".

Sếp FPT tin rằng Việt Nam nhất định sẽ giàu.

Theo ông Đỗ Cao Bảo, lời giải cho bài toán giúp Việt Nam thoát nghèo giờ đây là "Nâng cao dân trí trong thời đại toàn cầu hóa và Internet". Quan điểm của Phó Tổng giám đốc FPT là "muốn học muốn làm như thế giới văn minh, chúng ta phải có nền tảng dân trí, văn hóa gần ngang bằng họ".

Tư tưởng nâng cao dân trí vốn được các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh thực hiện đầu thế kỷ XX nhưng thất bại. Tuy nhiên theo ông Đỗ Cao Bảo, việc này thực hiện ở thời điểm hiện tại sẽ thành công do đất nước đã độc lập, và thời đại toàn cầu hóa - Internet giúp mọi người có thể tiếp xúc với tri thức và thế giới văn minh mà không cần phải trực tiếp ra nước ngoài.

Với bài toán "Nâng cao dân trí trong thời đại toàn cầu hóa và Internet", ông Đỗ Cao Bảo đưa ra 6 nội dung sau:

- Tăng cường giao lưu quốc tế, bao gồm cả tham quan, học tập, du học nước ngoài. Khi đi cần có trải nghiệm thực tế, tự thâm nhập vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh của nước ngoài để hiểu về bản chất và cách vận hành nền kinh tế - xã hội nước bạn. Qua đó sẽ tổng kết những điểm hay của nước bạn để áp dụng, học tập ở Việt Nam.

- Đẩy mạnh toàn cầu hóa, đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc nâng cao dân trí. Người Việt ở nước ngoài sẽ học tập được cách tư duy, suy nghĩ, điều hay từ thế giới văn minh.

- Phổ cập Internet, công nghệ thông tin tới toàn dân, nhất là người dân ở nông thôn, miền núi.

- Nhận thức rõ những điểm yếu cố hữu của người Việt làm cản trở phát triển kinh tế đất nước.

- Sửa đổi những điểm yếu cố hữu: Dạy cho người Việt chăm chỉ hơn, nghĩ lớn hơn, biết tôn trọng chính kiến khác biệt với mình, biết sử dụng người tài, hiểu đúng về giá trị đồng tiền.

- Học tập các điểm hay của dân tộc khác, như Hàn Quốc.

Ở phần cuối chia sẻ, ông Đỗ Cao Bảo nhấn mạnh trong 15 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hiện cao nhất khu vực ASEAN và thu hẹp đáng kể về trình độ phát triển với nhiều quốc gia trong khu vực. Phó Tổng giám đốc FPT tin tưởng nếu mỗi người Việt Nam có thể nâng cao dân trí, Việt Nam "nhất định sẽ thịnh vượng".

Tin mới lên