Học thuật

Nhập khẩu là gì?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu nhập khẩu (import) là gì?

Nhập khẩu là gì?

Nhập khẩu (import) là mua hàng hóa và dịch vụ (kể cả hàng đầu tư) từ nước ngoài.

Nhập khẩu là gì?

Nhập khẩu (import) là mua hàng hóa và dịch vụ (kể cả hàng đầu tư) từ nước ngoài.

Hàng nhập khẩu quan trọng trên hai phương diện. Một là, cùng với hàng xuất khẩu nó tạo thành cán cân thương mại của một nước. Hàng nhập khẩu phải được thanh toán băng giá trị tương đương của hàng xuất khẩu để duy trì trạng thái cân bằng trong cán cân thanh toán. Hai là, nó là khoản rút ra hay rò rỉ khỏi vòng chu chuyển của thu nhập quốc dân, do đó làm giảm sản lượng và thu nhập trong nước

Một mặt, nhập khẩu có lợi vì nó tạo điều kiện cho đất nước hưởng thụ những ích lợi do chuyên môn hóa và thương mại quốc tế mang lại, tức đất nước mua được hàng hóa và dịch vụ với giá thấp hơn trường hợp nó tự sản xuất.

Nhưng mặt khác, như điểm thứ hai nêu trên chỉ ra, nó là một trở ngại vì làm giảm sản lượng và thu nhập trong nước. Điều quan trọng là phải duy trì được sự cân bằng giữa xuất và nhập khẩu. Nhập khẩu có lợi khi nó được thanh toán bằng hàng xuất khẩu, vì thu nhập bị mất cho hàng nhập khẩu được thu lại từ xuất khẩu hoặc nguồn vốn chảy vào để đầu tư ở nền kinh tế trong nước

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Các hình thức nhập khẩu

Nhập khẩu trực tiếp

Đối với hình thức này thì người mua và người bán hàng hóa trực tiếp giao dịch với nhau, quá trình mua và bán không hề ràng buộc lẫn nhau. Bên mua có thể mua mà không bán và ngược lại. 

Nhập khẩu ủy thác

Nhập khẩu ủy thác được hiểu là hoạt động dịch vụ thương mại theo đó chủ hàng thuê một đơn vị trung gian thay mặt và đứng tên nhập khẩu hàng hóa bằng hợp đồng ủy thác.

Nói một cách dễ hiểu hơn, các doanh nghiệp trong nước có vốn ngoại tệ riêng và có nhu cầu nhập khẩu một loại hàng hóa nào đó, tuy nhiên lại không được phép nhập khẩu trực tiếp, hoặc gặp khó khăn trong quá trình kiếm, giao dịch với đối tác nước ngoài thì sẽ thuê những các doanh nghiệp có chức năng thương mại quốc tế tiến hành nhập khẩu cho mình.

Trách nhiệm của bên nhận ủy thác là phải cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, khách hàng, những điều kiện có liên quan đến đơn hàng được ủy thác, ký kết hợp đồng và thực hiện các thủ tục liên quan đến nhập khẩu.

Buôn bán đối lưu

Buôn bán đối lưu có thể được coi là một phương thức thanh toán trong thương mại quốc tế, được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch mua bán với chính phủ những nước đang phát triển. Hàng hóa và dịch vụ được đổi lấy hàng hóa và dịch vụ khác có giá trị tương đương. Ví dụ: Caterpillar xuất khẩu máy xúc sang Venezuela, bù lại, chính phủ Venezuala sẽ trả cho Caterpillar 350.000 tấn quặng sắt.

Trong phương thức này, chỉ với 1 hợp đồng doanh nghiệp có thể tiến hành đồng thời cả hai hoạt động trọng điểm là xuất khẩu và nhập khẩu. Lượng hàng hóa giao đi và hàng nhận về có giá trị tương đương nhau. Do đó, doanh nghiêp xuất khẩu được tính vào cả kim ngạch xuất khẩu và doanh thu trên hàng hóa nhập khẩu.

Tạm nhập tái xuất

Tạm nhập tái xuất là hình thức mà thương nhân Việt Nam nhập khẩu tạm thời hàng hóa vào Việt Nam, nhưng sau đó lại xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam sang một nước khác.

Hình thức này là tiến hành nhập khẩu hàng hóa nhưng không để tiêu thụ trong nước mà để xuất khẩu sang một nước thứ ba nhằm thu lợi nhuận. Giao dịch này bao gồm cả nhập khẩu và xuất khẩu với mục đích thu lại lượng ngoại tệ lớn hơn số vốn ban đầu đã bỏ ra.

Khi tiến hành tạm nhập tái xuất, doanh nghiệp cần tiến hành đồng thời hai hợp đồng riêng biệt, gồm: hợp đồng mua hàng ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng ký với thương nhân nước nhập khẩu.

Lưu ý, có trường hợp gần giống như tạm nhập tái xuất, nhưng hàng hóa được chuyển thẳng từ nước bán hàng sang nước mua hàng, mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Đó gọi là hình thức chuyển khẩu.

Nhập khẩu gia công

Là hình thức mà bên nhận gia công của Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu từ người thuê gia công ở nước ngoài, theo hợp đồng gia công đã ký kết. Chẳng hạn như doanh nghiệp dệt may, giầy da của Việt Nam nhập nguyên phụ liệu từ Đài Loan để sản xuất hàng gia công cho đối tác Đài Loan.

Tin mới lên