Thị trường

Nhập siêu thép 6,7 tỷ USD: Nhập cả những mặt hàng còn dư khả năng sản xuất

(VNF) - Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thép đạt 2,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 9,1 tỷ USD. Như vậy, ngành thép nhập siêu 6,7 tỷ USD.

Nhập siêu thép 6,7 tỷ USD: Nhập cả những mặt hàng còn dư khả năng sản xuất

Theo báo cáo của VSA, năm 2016, ngành thép nhập siêu 6,7 tỷ USD

Báo cáo tổng kết của VSA cho biết năm 2016, tổng các loại sản phẩm thép sản xuất đạt 17,5 triệu tấn, tăng 16,8%; bán hàng các sản phẩm thép đạt hơn 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng thép xây dựng đạt mức cao so với các năm trước, đạt hơn 8,5 triệu tấn, tăng 18,3% về sản xuất và đạt hơn 8,4 triệu tấn, tăng 20,6% về bán hàng. Các mặt hàng thép cuộn cán nguội, ống thép hàn và tôn mạ các loại cũng đạt tăng trưởng cao hơn 20%.

Xuất khẩu thép trong năm đã tăng 18,1%, đạt trị giá 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập khẩu cũng tăng rất mạnh, đạt 9,1 tỷ USD, dẫn tới nhập siêu thép lên tới 6,7 tỷ USD.

Theo VSA, Việt Nam thậm chí nhập khẩu cả những mặt hàng trong nước còn dư khả năng sản xuất, như: phôi thép nhập khẩu là hơn 1,1 triệu tấn, chiếm 12,6% thị phần phôi cả nước; tôn mạ và sơn phủ màu đạt hơn 1,8 triệu tấn, tăng 30,7% so với năm 2015 và chiếm tới trên 50% thị phần nội địa; thép hợp kim nhập khẩu hơn 8,1 triệu tấn; trong đó có khoảng 1,9 triệu tấn thép dài có thể đã được sử dụng như thép xây dựng thông thường.

VSA dự báo ngành công nghiệp thép năm 2017 của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng sẽ không cao như năm 2016, chỉ khoảng 12%.

Theo VSA, Việt Nam nhập khẩu cả những mặt hàng thép mà trong nước còn dư khả năng sản xuất

Theo VSA, Việt Nam nhập khẩu cả những mặt hàng thép mà trong nước còn dư khả năng sản xuất

Báo cáo tổng kết tình hình công nghiệp, thương mại năm 2016 của Bộ Công Thương công bố hôm 6/1 cho biết thêm sản xuất sắt thép năm 2016 mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sắt thép nội địa. Lượng sắt thép thô đạt 5.154,3 nghìn tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ; thép cán đạt 5.351,5 nghìn tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 4.702,9 nghìn tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

Với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu phôi thép và thép xây dựng và thép cán nguội cho nhu cầu trong nước (khoảng 7-8 triệu tấn/năm). Tuy nhiên, chủng loại thép tấm cán nóng là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội, tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo, có nhu cầu lớn (khoảng 10 triệu tấn/năm) trong nước lại chưa sản xuất được, hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Trước đó, trong một báo cáo về tình hình thép, Bộ Công Thương dự báo đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô. Đến năm 2025, lượng thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng giai đoạn này là thời điểm Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp thép để khai thác tối đa các lợi thế về tài nguyên.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, nếu xây dựng được các khu luyện thép liên hợp có công suất 7-10 triệu tấn/năm, mỗi năm chúng ta có thể khai thác được khoảng 15 triệu tấn quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ sắt khác trong nước.

Với giá quặng nhập khẩu hiện nay khoảng 60 USD/tấn thì mỗi năm sẽ đóng góp khoảng 900 triệu USD vào giá trị sản xuất nội địa, tương đương 2 triệu tấn dầu thô theo thời giá hiện nay, đóng góp khoảng 0,3% GDP. Đồng thời, sẽ góp phần hạn chế nhập siêu ngành thép mỗi năm 3-4 tỷ USD.

Tin mới lên