Tài chính quốc tế

Nhật Bản 'vượt mặt' Trung Quốc trúng thầu đường sắt cao tốc lớn nhất Ấn Độ

(VNF) - Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã đạt được hàng loạt thỏa thuận cấp cao, bao gồm xây dựng đường tàu cao tốc, công nghệ quốc phòng và hợp tác hạt nhân hôm 12/12.

Nhật Bản 'vượt mặt' Trung Quốc trúng thầu đường sắt cao tốc lớn nhất Ấn Độ

Thỏa thuận này đạt được sau khi Nhật Bản đã để thua Trung Quốc trong dự án đường sắt 5 tỷ USD của Indonesia trong tháng 10. Năm ngoái, Thái Lan cũng chọn Trung Quốc làm nhà thầu xây một dự án đường sắt cao tốc ở nước này. Cùng với thỏa thuận xây dựng đường sắt, người đứng đầu Chính phủ hai nước đã ký hiệp định về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự và công nghệ quốc phòng.

Tuyến đường sắt cao tốc nối trung tâm tài chính Mumbai với Ahmedabad tại Ấn Độ có tổng vốn đầu tư 14,6 tỷ USD. Đây được xem là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên và có quy mô lớn nhất ở Ấn Độ từ trước tới nay, được thiết kế với với vận tốc chạy tàu cao nhất lên tới 320km/h, rút ngắn thời gian di chuyển từ 8 tiếng hiện nay xuống còn 2 tiếng.

Dự kiến dự án sẽ được khởi công năm 2017 và hoàn thành vào năm 2023.

Ấn Độ dự kiến sẽ sử dụng mẫu tàu Shinkansen của Nhật Bản cho dự án này. Đây sẽ là "phi vụ" thành công thứ hai của Nhật trong việc xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc ra nước ngoài sau một thỏa thuận với Đài Loan vào năm 2007. Tàu chở khách chạy nhanh nhất của Ấn Độ hiện chỉ đạt 160 km/giờ, chỉ bằng một nửa tốc độ của tàu Shinkansen của Nhật Bản.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ tin tưởng rằng: "Những thỏa thuận vừa đạt được sẽ tạo ra cuộc cách mạng đường sắt Ấn Độ, giúp quốc gia đông dân thứ 2 thế giới tăng tốc trên hành trình hướng tới phát triển trong tương lai".

Hiện nay, Nhật Bản đang thực hiện giải ngân khoảng 12 tỷ USD trong cam kết hỗ tợ 14,6 tỷ USD cho Ấn Độ trong dự án hợp tác vừa mới đạt được, Thủ tướng Ấn Độ Modi cho biết. Khoản vay 50 năm này được giải ngân với mức lãi suất 0,1% với thời gian ân hạn 10 năm.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tới năm 2013, Ấn Độ đứng thứ hai trong số các nước tiếp nhận khoản cho vay bằng đồng yên với 4.456 tỷ yên, chỉ sau Indonesia với 4.722 tỷ yên. Với khoản vay gần 15 tỷ USD được giải ngân, Ấn Độ sẽ trở thành nước tiếp nhận các khoản vay bằng đồng yên nhiều nhất.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực quốc phòng, hai bên cũng thỏa thuận trao đổi, chuyển giao công nghệ, thiết bị và chia sẻ các thông tin quân sự. Hai nhà lãnh đạo cũng cũng đạt thỏa thuận về hạt nhân dân sự, qua đó mở đường cho Tokyo xuất khẩu công nghệ nhà máy điện hạt nhân cho New Delhi.

Việc hợp tác hạt nhân trong lĩnh vực dân sự của Tokyo và New Delhi hợp được coi là bước tiến lớn trong quan hệ hai nước. Trong quá khứ, Nhật Bản đã  từng từ chối hợp tác hạt nhân với Ấn Độ, quốc gia không phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Theo các nhà phân tích, lập trường từ phía Tokyo đã có phần thay đổi.

Ông Abe cũng tuyên bố rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập quỹ trị giá 1.500 tỷ yên (12,3 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này đầu tư và tham gia các dự án khổng lồ tại Ấn Độ. Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Cơ quan Bảo hiểm xuất khẩu và đầu tư Nhật Bản (NEXI) sẽ là hai cơ quan chủ lực hỗ trợ vốn và bảo hiểm rủi ro các các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Ấn Độ.

Hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản diễn ra trong thời điểm Trung Quốc đang liên tục gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Cả hai bên đều bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới.

Tin mới lên