Tài chính quốc tế

Nhật, Mỹ muốn 'ép' Triều Tiên sau vụ 'nhầm' tên lửa

(VNF) – Người dân Nhật, Mỹ hoảng loạn vì cảnh báo tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng cho rằng chỉ có ngừng hoàn toàn tập trận chung với Mỹ, Hàn Quốc mới có thể cải thiện quan hệ hai miền...

Nhật, Mỹ muốn 'ép' Triều Tiên sau vụ 'nhầm' tên lửa

Canada, Nhật, Mỹ thống nhất cần phải duy trì sức ép trừng phạt đối với Triều Tiên.

Canada muốn duy trì sức ép trừng phạt với Triều Tiên

Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên đã chính thức khai mạc tại thành phố Vancouver của Canada vào ngày 16/1 với sự tham gia của đại diện ngoại giao đến từ 20 nước, trong đó có 11 ngoại trưởng, theo CNN.

Canada, Nhật, Mỹ thống nhất cần phải duy trì sức ép trừng phạt đối với Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Bà Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Canada cho rằng các nước tham dự hội nghị tại Vancouver phải nỗ lực nâng cao tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện hành đối với Triều Tiên.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh "chúng ta phải tăng 'cái giá' mà Triều Tiên phải trả cho hành vi của mình, đến mức chính quyền Bình Nhưỡng phải bước vào bàn đàm phán để tiến hành những cuộc thảo luận đáng tin cậy".

Về phía Nhật Bản, Ngoại trưởng Taro Kono cho rằng "hiện không phải thời điểm để giảm bớt sức ép hay trao thưởng cho Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng tiến hành đối thoại có thể được xem như bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng".

Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha bày tỏ hy vọng đà can dự với Triều Tiên sẽ được duy trì sau Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang 2018 vào tháng 2 tới.

Theo nghị trình, hội nghị sẽ được chia thành nhiều phiên thảo luận theo các chủ đề gồm Đánh giá tình hình hiện tại, Các biện pháp trừng phạt, Phi hạt nhân hoá, Ngoại giao và các bước đi tiếp theo.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của Nga và Trung Quốc – hai đối tác chủ chốt trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên – khiến cho các bên khó có thể tìm được một giải pháp ngoại giao toàn diện.

Nhật, Mỹ phát nhầm báo động tên lửa

Trước sự đe dọa về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, giới chức và người dân Mỹ, Nhật dường như luôn trong trạng thái sẵn sàng để đối phó với những tình huống xấu nhất xảy ra. Chỉ trong 3 ngày, người dân Mỹ, Nhật liên tiếp nhận những báo động tên lửa giả. Mặc dù đã xác nhận không có mối đe dọa tên lửa đạn đạo nào từ bên ngoài nhưng người dân hai nước đã bị một phen hoảng loạn thực sự.

Vào lúc 18h55 ngày 16/1 (giờ địa phương), Đài truyền hình nhà nước NHK Nhật Bản phát cảnh báo trên thiết bị di động và trên website rằng Triều Tiên vừa phóng tên lửa và yêu cầu người dân tìm nơi trú ẩn, theo AFP.

Báo động của Nhật Bản.

"Chính phủ: Dường như Triều Tiên vừa phóng một tên lửa. Hãy sơ tàn vào trong các tòa nhà hoặc xuống dưới mặt đất ", báo động viết.

Tuy nhiên chỉ 5 phút sau, NHK thừa nhận báo động được phát đi là không đúng. NHK đăng lời xin lỗi trên website và không giải thích gì thêm.

Trước đó, vào 8 giờ sáng ngày 13/1 (giờ địa phương), người dân Hawaii (Mỹ) cũng nhận được một cảnh báo tương tự trên truyền hình và sóng phát thanh trên toàn bang. Nội dung tin nhắn gửi qua hệ thống cảnh báo khẩn cấp nêu rõ: "Mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang tới gần Hawaii. Hãy tìm nơi trú ẩn ngay lập tức. Đây không phải là một cuộc diễn tập".

Báo động gửi tới người dân Hawaii.

Giới chức quân sự và chính quyền bang phải mất 15 phút để xác nhận tin nhắn gửi đi là lỗi. Gần 40 phút sau khi làm người dân hoảng hồn, một tin nhắn thứ hai mới được gửi đi để đính chính rằng: "Không có mối đe dọa hay nguy hiểm nào với bang Hawaii. Nhắc lại. Báo động giả".

Theo Reuters dẫn lời ông David Ige, Thống đốc bang, báo động được gửi đi trong lúc một nhân viên Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Hawaii đổi ca trực nhưng lại bấm nhầm nút. Ngay sau sự cố này, cơ quan trên đã chỉ đạo thay đổi quy trình phát báo động khẩn là hai người thay vì một người như trước nay.

Triều Tiên kêu gọi Hàn Quốc đưa ra "quyết định dũng cảm"

"Hàn Quốc không nên trì hoãn mà phải ngừng hoàn toàn các cuộc tập trận chung như 'Giải pháp then chốt' hay 'Đại bàng non' nếu họ thực sự hy vọng cải thiện quan hệ liên Triều và có ý định nỗ lực tạo ra môi trường hòa bình trên bán đảo", trích bài viết xã luận trên trang Uriminzokkiri của nhà nước Triều Tiên ngày 16/1.

Trước đó, Mỹ đã đồng ý hoãn tập trận chung với Hàn Quốc đến sau Thế vận hội Mùa đông diễn ra vào tháng 2 tại Pyeongchang, theo đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tuần san Tongil Sinbo của Triều Tiên cũng cho rằng "quyết định dũng cảm" chấm dứt hoàn toàn các cuộc tập trận chung là hoàn toàn cần thiết cho lợi ích của Mỹ cũng như hòa bình và ổn định trên bán đảo này.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 9/1 tổ chức đối thoại lần đầu tiên sau hơn hai năm. Bình Nhưỡng đồng ý cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội Pyeongchang, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức đối thoại quân sự với Seoul để giảm căng thẳng.

Triều Tiên kêu gọi Hàn Quốc ngừng tập trận với Mỹ.

Cùng ngày, một bài viết trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên đã có phản ứng gay gắt trước lời phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông còn có nút hạt nhân "lớn hơn và mạnh hơn nhiều" so với của ông Kim

Bài viết cho rằng "sự huênh hoang" của ông không hơn một "cơn co thắt của kẻ loạn trí" hoảng sợ trước sức mạnh Triều Tiên. Bài viết còn so sánh phát ngôn của Tổng thống Mỹ với "tiếng sủa của chó dại".

Trong bài phát biểu đầu năm mới ngày 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố: "Toàn bộ Mỹ nằm trong phạm vi vũ khí hạt nhân của chúng ta và nút kích hoạt hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của tôi. Đó là thực tế chứ không phải là lời đe dọa. Mỹ không thể phát động chiến tranh chống lại chúng ta".

Sau đó một ngày (2/1), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân: "Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới nhấn mạnh rằng 'nút kích hoạt hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc' của ông ấy. Ai đó làm ơn báo với ông ta rằng tôi cũng có nút bấm hạt nhân và nó còn to và mạnh mẽ hơn rất nhiều so với của họ. Thêm nữa, nút bấm của tôi có thể hoạt động".

> Liên Triều tiếp tục đàm phán, Mỹ điều thêm máy bay tàng hình B-2

Tin mới lên