Tài chính

‘Nhiệm vụ chính của 60 ngân hàng và tổ chức tài chính vẫn là xử lý nợ xấu’

(VNF) – Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, khối ngân hàng trước đây đóng góp 8.600 tỷ đồng tiền thuế nhưng nay đã chuyển sang số âm. Bởi hơn 60 ngân hàng và tổ chức tài chính đang hoạt động bình thường thì nhiệm vụ chính của họ vẫn là xử lý đống nợ xấu, tăng trích lập dự phòng.

‘Nhiệm vụ chính của 60 ngân hàng và tổ chức tài chính vẫn là xử lý nợ xấu’

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hơn 60 ngân hàng và tổ chức tài chính đang hoạt động bình thường thì nhiệm vụ chính của họ vẫn là xử lý đống nợ xấu, tăng trích lập dự phòng

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Thuế năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, khối ngân hàng, bao gồm cả khối ngân hàng quốc doanh và khối ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh, là khối gây hụt thu lớn cho ngành Thuế nói riêng và Bộ Tài chính nói chung.

Theo Thứ trưởng, khối ngân hàng trước đây đóng góp 8.600 tỷ đồng tiền thuế nhưng đến nay đã chuyển sang số thu âm.

"Không ngân sách nào cấp bù số âm đó, họ phải tự bù. Nhưng không còn nguồn thu từ ngân hàng Nhà nước như mọi năm. Bởi hơn 60 ngân hàng và tổ chức tài chính đang hoạt động bình thường thì nhiệm vụ chính của họ vẫn là xử lý đống nợ xấu, tăng trích lập dự phòng", ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Tuấn nhận định, phải đến năm 2019, tình trạng này mới chấm dứt. Bộ Tài chính đã giao ngành thuế phải tìm giải pháp khác bù thu.

Xử lý nợ xấu khiến hụt thu thuế ngân hàng

Khối ngân hàng trước đây đóng góp 8.600 tỷ đồng tiền thuế nhưng đến nay đã chuyển sang số thu âm

Ngoài khối ngân hàng, khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng đang gây hụt thu ngân sách cho Bộ Tài chính. Thứ trưởng Tuấn cho biết, số lượng DNNN là trên 870 nhưng chỉ thu đạt 90%. Về thoái vốn DNNN mới đạt 5,5%. Ngoài 5 doanh nghiệp lỗ lớn mà Quốc hội yêu cầu báo cáo còn tới 7 doanh nghiệp đang phải xử lý.

"Nhà nước phải có trách nhiệm công bố công khai các chỉ tiêu sử dụng vốn của DNNN, cơ quan thuế có phát biểu cũng đúng quy định của luật, để thấy đây là tồn tại lớn của nền kinh tế. Tôi cho rằng, năm 2017, tình trạng này vẫn tiếp tục làm suy giảm nguồn thu 5% so với năm trước và giảm 9% so với dự toán", ông Tuấn đánh giá.

Vị lãnh đạo này yêu cầu ngành thuế phải tìm giải pháp khác để khắc phục lượng hụt thu được đánh giá từ 12.000 đến 14.000 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, ngành thuế phải chia nhau khoản thuế có nguy cơ hụt thu từ đầu năm, xác định xem mỗi đơn vị gánh bao nhiêu.

Thứ trưởng Tuấn lấy ví dụ, năm 2016, Bộ Tài chính đã giao Thanh tra Tổng cục Thuế "gánh" 1 nghìn tỷ đồng và yêu cầu tăng thu 1 nghìn tỷ đồng từ một số doanh nghiệp lớn. Kết quả là Thanh tra Tổng cục Thuế đã thu được 1.400 tỷ đồng, riêng doanh nghiệp lớn, qua thanh tra thu được gần 1.300 tỷ đồng.

Năm 2017, ngành thuế được giao thu 968.580 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 38.300 tỷ đồng và thu nội địa là 930.280 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho hay, nguồn thu từ dầu sẽ tiếp tục giảm thêm 2.500 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi đã giảm 2.500 tỷ đồng trong năm 2016.

Tin mới lên