Bất động sản

Nhiều chủ đầu tư ‘tay không bắt giặc’, TP HCM quyết tâm siết dự án BT

(VNF) – Dự án BT đã góp phần thay đổi hạ tầng cho TP HCM trong thời gian qua, tuy nhiên khi đánh giá mổ xẻ lại quá trình phát triển các dự án, nhiều ý kiến cho rằng hình thức đầu tư này đang làm phát sinh nhiều tiêu cực và làm chảy máu đất công.

Nhiều chủ đầu tư ‘tay không bắt giặc’, TP HCM quyết tâm siết dự án BT

Siêu đô thị Thủ Thiêm cũng là một khu vực trọng điểm về thất thoát đất công trong các dự án BT

Siêu đô thị Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng cũng có vấn đề

Theo thống kê của Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM, thông qua hình thức BT trong giai đoạn 2015 - 2017, thành phố đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, để đầu tư phát triển hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển trong điều kiện ngân sách còn hạn chế.

Qua triển khai, thành phố đã hoàn thành những dự án như: cầu Phú Mỹ 2; cầu Sài Gòn 2; mở rộng xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, nhà máy xử lý nước thải Tham Lương-Bến Cát… góp phần thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố. Theo kế hoạch, từ năm 2016 - 2020, thành phố có nhu cầu đầu tư lớn với tổng vốn khoảng 850 nghìn tỷ đồng, trong đó khả năng ngân sách chỉ đáp ứng được 20%.

Tuy nhiên, theo Sở KH-ĐT TP. HCM, dù có nhiều hiệu quả, các dự án theo hình thức PPP, BT… vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thành phố. Có rất nhiều nhà đầu tư muốn khai thác hình thức BT nhưng quỹ đất và ngân sách hạn chế. Khó khăn trong đền bù giải tỏa cũng gây ức chế cho doanh nghiệp khi dự án kéo dài, chậm trễ.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình MPP – Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng TP.HCM có thuận lợi trong đầu tư theo phương thức BT. Bởi tính khả thi của các dự án rất cao vì tác động kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng lớn.

Bên cạnh đó, địa phương cũng quy tụ được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực nhất nước. Tuy nhiên, vẫn có nhiều rủi ro là khả thi về tài chính không cao, trong khi đó nguồn lực địa phương có hạn nên không hỗ trợ được quá trình phát triển dự án.

"Mô hình BT thì hoàn toàn dựa vào phương thức đổi đất lấy hạ tầng, mà thực chất là "hàng đổi hàng". Nếu phương thức này cứ tiến hành như hiện nay thì chủ đầu tư có 2 lần lợi thế. Vừa tính được dự toán của công trình và vừa định giá được thông qua chỉ định thầu", ông Du nói.

Rủi ro đầu tiên là chủ đầu tư dựa quá nhiều vào nợ vay của ngân hàng thương mại, rủi ro khi sử dụng đòn bẩy tài chính cao, rủi ro lãi suất khi tình hình biến động.

Ngoài ra, việc soạn thảo hợp đồng PPP rất phức tạp, nếu không cẩn thận sẽ gây ra rủi ro cho Nhà nước. Các nghĩa vụ thực hiện cam kết trong hợp đồng nếu có trục trặc xảy ra thì bất lợi thường nghiêng về phía Nhà nước.

Ông Du dẫn chứng trong vòng 30 năm qua phương thức đối tác công tư này ở TP. HCM đang gặp rất nhiều trục trặc và chưa gặt hái được thành công. Ngay cả dự án khu đô thị phía Nam thành phố (Phú Mỹ Hưng) được xem là dự án thành công nhất với số vốn ngân sách thu được hơn 1 tỷ USD vẫn cần đánh giá lại bởi trên thực tế thành phố chỉ thành công ở khoảng 400 ha so với diện tích 2.600 ha.

Tiếp theo là Khu đô thị Thủ Thiêm, từ khi hình thành dự án đến nay chưa có công trình nào được gọi là trọng điểm hay vì mục tiêu phát triển. Năm 2009, TP. HCM đã quyết định bỏ ra hơn 20.000 tỷ để đền bù trực tiếp, nếu tính lãi suất cho khoản này theo chi phí sử dụng vốn thì nó tương đương với chi phí bỏ ra, mà việc khai thác vẫn chưa đâu vào đâu.

Dự án trùng tu nhà thi đấu Phan Đình Phùng đình trệ nhiều năm nhưng chủ đầu tư Phát Đạt đã được cấp một mảnh đất khác để làm dự án căn hộ.

Nói không với "đất vàng"

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM, cho rằng việc chỉ định nhà đầu tư cho các khu đất vàng… mà nguồn vốn nhà đầu tư chỉ chiếm 10%, còn 90% toàn vốn vay đã ảnh hưởng đến vốn đầu tư. Trong khi Nhà nước lại thiếu cơ chế kiểm soát, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hưởng lợi hai lần.

"Dự toán công trình, các khu đất đối ứng cũng do nhà đầu tư đề xuất… như vậy họ đạt được lợi ích hai lần. Để cho nhà thầu, nhà đầu tư chủ động cả 2 giai đoạn, Nhà nước chỉ giám sát là chính Nhà nước, xã hội chịu thiệt. Nguồn vốn đối ứng là tài sản công, không đấu thầu mà chỉ định thầu khi đối ứng là thất thoát tài sản công", ông Châu bức xúc.

Để hạn chế các mặt tiêu cực của dự án BT, ông Châu kiến nghị phải đấu giá công khai, minh bạch với các hình thức PPP, BT, kể cả các khu đất vàng đối ứng cũng phải đấu giá, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu.

Đích thân Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận, có những mảnh đất đẹp, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nếu không quản lý khéo dễ rơi vào tình trạng tiêu cực, chủ trương của thành phố là phải đấu giá, không BT đổi những mảnh đất này được. "Đất vàng phải đấu giá, nói không với dự án BT. Doanh nghiệp có thể không hài lòng nhưng cơ chế phải rõ ràng. Suy cho cùng, đất đai rất quan trọng, vì bản chất nó là ngân sách. Khi triển khai BT phải tính toán có hiệu quả", ông Phong khẳng định.

Trước đây có một dự án chống ngập, nhà đầu tư cam kết tạm ứng vốn trước, sau đó ngân sách hoàn thiện lại bằng hợp đồng BT. Nhưng sau đó kiểm tra lại thì nhà đầu tư này không đạt mọi tiêu chí, thành phố phải từ chối.

Theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du thành phố nên hạn chế hợp tác đầu tư theo kiểu "hàng đổi hàng", mà đẩy mạnh đổi tiền mặt lấy hạ tầng. Tiền mặt huy động từ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, thành lập quỹ đầu tư, hoặc phát hành trái phiếu công trình. Như vậy, giá trị từ đất mới được phát huy tối đa.

Tin mới lên