M&A

Nhiều đại gia y tế muốn tham gia cổ phần hóa các bệnh viện giao thông

Đang có thêm nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực y tế tư nhân tham gia cuộc đua giành quyền kiểm soát hệ thống bệnh viện công lập ngành giao thông - vận tải (GTVT).

Nhiều đại gia y tế muốn tham gia cổ phần hóa các bệnh viện giao thông

Đại gia nhập cuộc

Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ là cái tên mới nhất gia nhập cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược một số cơ sở khám chữa bệnh công lập ngành GTVT.

Trong đề xuất mới nhất gửi Bộ GTVT, Hoàn Mỹ thể hiện mong muốn tham gia tiến trình xã hội hóa đầu tư Bệnh viện GTVT TP.HCM và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng ngay sau khi chủ trương cổ phần hóa các đơn vị này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Chúng tôi mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược giữ cổ phần chi phối tại 2 bệnh viện trên", ông Huỳnh Lê Đức, Tổng giám đốc Hoàn Mỹ nói.

Được thành lập năm 1997, theo ông Đức, Hoàn Mỹ là tập đoàn y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, gồm 7 bệnh viện, 1 phòng khám, hiện thuộc sở hữu của Clermont (tiền thân là Tập đoàn Chandler) - tập đoàn đầu tư hàng đầu của Singapore.

Mặc dù lọt vào mắt xanh của Hoàn Mỹ, nhưng Bệnh viện GTVT TP.HCM chưa được bộ chủ quản lên kế hoạch cổ phần hóa trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, với tư cách là bệnh viện hạng hai lớn, cơ sở vật chất tương đối hiện đại, có thương hiệu và uy tín tốt trên địa bàn với số người đăng ký khám chữa bệnh khoảng 30.000 người/năm, đây vẫn là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) rất đáng chờ đợi đối với các nhà đầu tư.

Cần phải nói thêm rằng, 3 bệnh viện ngành GTVT nằm trong danh mục thí điểm cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Nam Thăng Long, GTVT Vinh và GTVT Đà Nẵng.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện Cục Y tế (Bộ GTVT) đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp đối với Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng để có thể cổ phần hóa vào đầu năm 2017.

Trong khi danh sách nhà đầu tư đâm đơn vào 2 cơ sở y tế này chưa lộ diện nhiều, thì tại Bệnh viện Nam Thăng Long đã có 5 nhà đầu tư đệ đơn xin trở thành cổ đông chiến lược, gồm: Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Dầu khí, Công ty cổ phần Tập đoàn Lạc Việt, Công ty cổ phần Dầu khí Bắc Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn.

Trước đó, theo phương án cổ phần hóa được Cục Y tế trình Bộ GTVT vào tháng 12/2015, Công ty cổ phần Bệnh viện Nam Thăng Long sẽ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tương ứng với 3 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, Nhà nước nắm giữ 900.000 cổ phần, chiếm 30%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 780.000 cổ phần, chiếm 26%; bán đấu giá công khai 799.900 cổ phần, chiếm 26,66% vốn điều lệ...

Bán hay không bán?

Bên cạnh những háo hức của các nhà đầu tư, vừa xuất hiện những cấn cá nhất định từ chính phía cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với tiến trình cổ phần hóa thí điểm 3 bệnh viện GTVT.
Cụ thể, trong bản kiến nghị được gửi tới Bộ trưởng Bộ GTVT vào tháng 6/2016, ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế cho biết, khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, các bệnh viện công sẽ đối diện với nguy cơ thiếu hụt đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên giỏi.

"Hoạt động của bệnh viện cổ phần gắn với lợi nhuận, trong khi những thầy thuốc chuyên môn tốt có tâm lý chung là mong muốn làm việc ở bệnh viện công lập, vì ở đây họ có điều kiện học tập, phát triển chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp được bảo vệ chính đáng", ông Triển cho biết.

Trước đó, tháng 10/2015, Bộ GTVT đã thí điểm xã hội hóa thành công Bệnh viện GTVT Trung ương, làm cơ sở cho việc cổ phần hóa các cơ sở y tế công lập khác, mà mục tiêu kế tiếp là Bệnh viện Nam Thăng Long. Hiện 51,43% cổ phần của bệnh viện đa khoa cấp I có số vốn điều lệ 168 tỷ đồng này do Tập đoàn T&T của bầu Hiển sở hữu; 30% cổ phần do Nhà nước nắm giữ; phần còn lại được nắm giữ bởi một số cổ đông nhỏ lẻ và cán bộ, công nhân viên Bệnh viện.

Cần phải nói thêm, trong đơn đăng ký làm cổ đông chiến lược, các nhà đầu tư đều cam kết tạo mọi điều kiện để nâng cao năng lực chuyên môn, đời sống của cán bộ, nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên, đánh giá của lãnh đạo Cục Y tế được tổng hợp từ báo cáo của 3 bệnh viện đang thí điểm cổ phần hóa và từ chính Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT Trung ương lại trái ngược với viễn cảnh màu hồng từng được vẽ ra bởi các nhà đầu tư.

Một điều rất đáng lưu ý nữa, ông Vũ Văn Triển cho biết, đến nay, Bộ Y tế và Bộ Tài chính chưa có hướng xác định giá trị thương hiệu, trong khi đây là giá trị rất quan trọng có tính quyết định để triển khai các dịch vụ y tế và thu hút người bệnh.

Vì vậy, trong khi chưa có kết quả đánh giá thực hiện của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, để bảo vệ tài sản nhà nước, ổn định nguồn nhân lực, Cục Y tế đề xuất 2 phương án: chuyển 3 bệnh viện thuộc diện thí điểm cổ phần hóa sang hoạt động tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư từ năm 2017 hoặc cổ phần hóa vào năm 2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đã nhận được đề xuất này, nhưng đang trong giai đoạn nghiên cứu, nên chưa thể đưa ra bình luận.

Tin mới lên