Tài chính

Nhiều gam màu trong bức tranh ngành dược nửa đầu năm 2016

(VNF) – Tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp dược niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2016 có phần dè dặt. Nhiều doanh nghiệp dược cố gắng đẩy mạnh công tác bán hàng nhằm gia tăng doanh thu nhưng có những doanh nghiệp cũng không mặn mà với cách làm này lắm.

Nhiều gam màu trong bức tranh ngành dược nửa đầu năm 2016

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của 10 doanh nghiệp dược niêm yết chỉ khoảng 7,4%

Tăng trưởng dè dặt

Thống kê 10 doanh nghiệp niêm yết ngành dược bao gồm: DCL, TRA, DBT, DHG, DHT, DMC, IMP, OPC, PMC và SPM cho thấy, tổng doanh thu thuần của 10 doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm 2016 là 5.699 tỷ đồng.

Trong khi đó, con số này ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái là 5.304 tỷ đồng. Như vậy, tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần ngành dược 6 tháng đầu năm 2016 với đại diện là 10 doanh nghiệp dược niêm yết ở mức khá thấp, đạt mức tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nên nhớ, cách đây không lâu, một đơn vị nghiên cứu uy tín là Công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI) đã dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dược Việt Nam giai đoạn 2015 – 2018 ở mức 16%/năm.

Tăng trưởng doanh thu thuần của 10 doanh nghiệp dược niêm yết 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ 2015

Tăng trưởng mạnh mẽ nhất về mặt doanh thu phải kể đến CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT). Doanh nghiệp này đạt mức doanh thu thuần 556 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016, tăng tới 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp dược niêm yết có tốc độ tăng doanh thu nhanh thứ 2 là CTCP Dược Hậu Giang (DHG). 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt mức 1.690 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2015.

Vị trí thứ 3 thuộc về CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL) với mức tăng 11,8%. CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) và CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (PMC) cũng đều có mức tăng trên trung bình, lần lượt là 8,2% và 9%.

Trong khi đó, 2 "cây đa cây đề" của ngành dược Việt Nam là CTCP Traphaco (TRA) và CTCP Dược phẩm OPC (OPC) đều tỏ ra dè dặt trong tăng trưởng doanh thu khi tốc độ tăng doanh thu 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt mức 4,4% và 6%. CTCP Dược phẩm Bến Tre (DBT) cũng chỉ có mức tăng 2,4%.

Bi đát hơn là trường hợp của CTCP S.P.M (SPM) với doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2016 giảm 30,9% so với cùng kỳ 2015. CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) cũng có mức tăng trưởng âm (-) 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân vì đâu?

Nguyên nhân rõ ràng nhất có thể kể đến là do đa số các doanh nghiệp dược tại Việt Nam sản xuất và kinh doanh thuốc generic vốn không có bản quyền sở hữu nên cạnh tranh rất gay gắt. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp này cũng bán hàng qua kênh OTC (chủ yếu là bán các thuốc không cần ghi toa tại các quầy thuốc) vốn là kênh rộng rãi nên cạnh tranh cũng rất lớn. Cả 2 điều này là nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành dược trong 6 tháng đầu năm 2016 ở mức khá thấp.

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp lại cũng có những nguyên nhân riêng rẽ của họ.

Chẳng hạn như CTCP Dược Hậu Giang có mức tăng trưởng doanh thu khá cao 15,2% trong nửa đầu 2016 là do doanh nghiệp này đẩy rất mạnh hoạt động bán hàng, đặc biệt là hoạt động quảng cáo. Tổng cộng DHG đã chi tới 110 tỷ đồng cho quảng cáo trong 6 tháng đầu năm, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Hay như trường hợp của CTCP Traphaco có mức tăng trưởng doanh thu khá thấp 4,4% một phần là do công ty này không đẩy mạnh hoạt động bán hàng. 6 tháng đầu năm 2016, chi phí bán hàng của Traphaco chỉ tăng có 3,1% so với cùng kỳ 2015. Nhưng điều này cũng có nguyên nhân. Traphaco khó lòng gia tăng chi phí quảng cáo bởi hành động này tiềm ẩn rủi ro bào mòn lợi nhuận và có thể gây mất cân đối cơ cấu chi phí vì tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu thuần của Traphaco đã ở mức khá cao 22,6%.

Trong khi tỷ lệ này ở Dược Hậu Giang chỉ là 17% dù chi phí bán hàng 6 tháng đầu 2016 của công ty này đã tăng tới 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng chi phí bán hàng của 10 doanh nghiệp dược niêm yết 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ 2015

Thêm vài ví dụ về sự tương quan nữa giữa tăng trưởng chi phí bán hàng và tăng trưởng doanh thu là trường hợp của Imexpharm và S.P.M. 2 doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu âm trong 6 tháng đầu 2016 này đều có mức tăng trưởng chi phí bán hàng ở mức âm, lần lượt là âm (-) 14,3% và âm (-) 55,9%.

Tuy nhiên, trường hợp tăng trưởng nhanh 27,5% của Dược Hà Tây có vẻ không phải do công ty này đẩy mạnh chi phí bán hàng vì mức tăng chi phí bán hàng 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ 2015 của Dược Hà Tây chỉ là 11,6%.

Một trường hợp khác đại diện cho sự "thất bại" trong chiến lược đẩy mạnh chi phí bán hàng để gia tăng doanh thu là trường hợp của DMC khi chi phí bán hàng của công ty này tăng tới 51,4% nhưng doanh thu thuần chỉ tăng có 8,2% so với cùng kỳ.

Nhìn chung thì ngành dược đang gặp khó khăn nhất định trong tăng trưởng. Các doanh nghiệp hầu như phải dồn càng ngày càng nhiều tiền vào hoạt động bán hàng mới mong gia tăng mạnh mẽ doanh thu.

Tương lai sắp tới có thể còn khó khăn hơn nữa khi TPP chính thức có hiệu lực. Khi đó, làn sóng dược phẩm nước ngoài với công dụng và tính năng vượt trội cộng với sự độc quyền trong công thức sẽ càng khiến các doanh nghiệp dược Việt Nam thêm phần lao đao, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc tân dược.

Tin mới lên