Tài chính

Nhiều văn bản thuế vừa ra đã chỉnh sửa, văn bản ra lúc nào doanh nghiệp không biết

(VNF) - "Có nhiều Nghị định, Thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung; văn bản ra lúc nào doanh nghiệp cũng không biết", Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương nhận định điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp nắm bắt không kịp các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung.

Nhiều văn bản thuế vừa ra đã chỉnh sửa, văn bản ra lúc nào doanh nghiệp không biết

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2017 vừa được tổ chức sáng 27/11 tại Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho hay, mặc dù ghi nhận những chính sách, pháp luật về thuế đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng một số quy định trong chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Cụ thể, ghi nhận ý kiến từ nhiều doanh nghiệp, ông Khương cho biết "có nhiều Nghị định, Thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung; văn bản ra lúc nào doanh nghiệp cũng không biết". Ông nhận định điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp nắm bắt không kịp các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung.

Bên cạnh đó, do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều Thông tư, Nghị định của các năm khác nhau, trong khi đó, một số lĩnh vực lại chưa rõ ràng cụ thể hoặc lại chồng chéo dẫn đến khó thực hiện cho doanh nghiệp. Để áp dụng cho một tình huống cụ thể, doanh nghiệp phải tìm hiểu quá nhiều Thông tư, Nghị định để biết những quy định về thuế hiện tại.

Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế hải quan 2017.

Cũng theo ông Khương, thủ tục dành cho các doanh nghiệp nợ thuế, phạt chậm nợ thuế còn rườm rà, phức tạp, làm khó doanh nghiệp.

"Có doanh nghiệp cho biết, phát sinh thuế phải nộp quý IV năm nay nhưng thời hạn cuối nộp rơi vào quý I năm sau nên doanh nghiệp nộp vào quý I năm sau (vẫn được xem là nộp đúng hạn và không nợ thuế). Nhưng khi doanh nghiệp cần xác nhận nghĩa vụ nộp thuế thì không xác nhận được hay thủ tục rất rườm rà và không phản ánh đúng tình trạng nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp, vì cán bộ phụ trách nói chỉ xác định căn cứ đến 31/12 của năm đó và xem như khoản nộp vào đầu năm sau là nợ thuế", ông Khương nói.

Chưa kể, mức phạt khoản tiền chậm nộp quá cao khiến doanh nghiệp gặp thêm khó khăn về kinh doanh. "Cơ quan thuế nên xem xét, đánh giá tình hình của doanh nghiệp để có thể miễn, giảm khoản mức phạt khoản tiền chậm nộp", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Về quy trình, thủ tục theo quan điểm của ông Khương, ngành thuế đã ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai thủ tục hành chính tuy nhiên theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số bất cập.

"Khá nhiều doanh nghiệp cho biết phần mềm hỗ trợ kê khai được nâng cấp nhiều lần nhưng vẫn chưa có đầy đủ các biểu mẫu phù hợp cho kê khai, như các báo cáo; đăng ký với cơ quan thuế, biểu mẫu 06/GTGT; 08-MST… Nộp tờ khai qua mạng nhưng chưa hỗ trợ nộp các giấy tờ công văn khác", ông Khương nói.

Cũng theo ông Khương, hệ thống nộp báo cáo thuế qua mạng giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp không đồng bộ dẫn đến doanh nghiệp gửi báo cáo qua mạng thành công nhưng cơ quan thuế báo lỗi không nhận được.

Về thanh tra, kiểm tra thuế, đại diện VCCI cho hay, các doanh nghiệp mong muốn khâu thanh tra, kiểm tra nên nhanh chóng, gọn nhẹ và đúng mục đích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hơn. 

"Trong một số trường hợp, thanh tra, kiểm tra thuế quá chậm, đến khi kiểm tra sau 5 năm thậm chí 10 năm mới kiểm tra thì tính phí nộp chậm/ngày của chi phí không hợp lý, khiến bị truy thu vừa tiền lãi chậm nộp lên hơn 100 triệu chẳng hạn thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản", Phó Chủ tịch VCCI nói.

Cũng theo ông Khương, hiện tại khá nhiều doanh nghiệp lo ngại khả năng tuân thủ chính sách, pháp luật thuế. Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nhiều thời gian cũng như nguồn lực dành cho bộ phận kế toán làm việc chuyên sâu và bài bản.

Về lĩnh vực hải quan, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, doanh nghiệp phản ánh, công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp còn chung chung, chủ yếu đưa ra các Thông tư, Nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Quá trình giải quyết thủ tục hành chính cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định. "Trong một số trường hợp sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan chưa đồng bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế", đại diện VCCI cho biết.

Tin mới lên