Tiêu điểm

Nhìn lại một năm Chính phủ kiến tạo

Theo kế hoạch, cuối tháng 3/2017, cuộc gặp lần thứ hai của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp sẽ được tổ chức, sau thành công của cuộc gặp lần thứ nhất cuối tháng 4/2016. gạch nối giữa hai sự kiện này chính là một chương trình hành động nhất quán cho mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, cho dù phía trước vẫn còn vô vàn thử thách.

Nhìn lại một năm Chính phủ kiến tạo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Nghệ An năm 2017. Ảnh: TL

Ngay từ những ngày đầu, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp ngay một "phép thử" từ môi trường kinh doanh: câu chuyện về quán cà phê Xin Chào, nơi mà quyền tự do kinh doanh của người dân, một quyền được hiến định và luật hóa chi tiết, đã bị thách thức một cách trắng trợn.

Nhớ lại thời điểm đó, đã có không ít những băn khoăn và chờ đợi, để rồi với những chỉ đạo sát sao và cụ thể, vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa trong tiếng vỗ tay của công chúng. Cho dù đó chỉ là một sự vụ cụ thể, thông điệp về quyết tâm cải cách môi trường đầu tư kinh doanh đã được Chính phủ phát đi một cách hết sức rõ ràng và mạnh mẽ. 

Như đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, việc Thủ tướng đã có chỉ đạo dừng khởi tố vụ chủ quán cà phê Xin Chào sau khi lắng nghe công luận, đã là một động thái làm ấm lòng cộng đồng doanh nghiệp. Động thái này, theo ông Lộc, "tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn" bởi vì "môi trường kinh doanh không chỉ nhiều trở ngại mà còn kém an toàn. Niềm tin của doanh nghiệp được đảm bảo trước hết bởi tính an toàn của môi trường kinh doanh và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp về sự an toàn của môi trường kinh doanh". Đó là thông điệp rất quan trọng, rằng Chính phủ sẽ bảo vệ người dân, doanh nghiệp", ông Lộc nhấn mạnh. 

Nhưng cà phê Xin Chào cũng chỉ là sự vụ đơn thuần. Khi bắt tay vào công việc, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ mới thấy được có vô vàn phiên bản "Xin Chào" khác, ở nhiều cấp độ, sắc thái khác nhau đang đè nặng lên môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Và thực tế một năm qua cho thấy, đã và đang có một cuộc chiến thật sự giữa cái mới và cái cũ, giữa nỗ lực cải cách và thái độ bảo thủ, và đặc biệt là giữa tinh thần Chính phủ kiến tạo đang nhen nhóm với những thành trì lợi ích đã được xây dựng lên trước đó. Cho dù cấp độ của cuộc chiến là khác nhau ở mỗi cấp, mỗi ngành, không khó để nhận ra những điểm nóng, như trường hợp Bộ Công Thương. 

Bộ Công Thương có lẽ là ví dụ điển hình nhất về việc, một Chính phủ kiến tạo cần làm gì, nên làm gì trong bối cảnh hiện tại. Nhìn lại một năm qua, có thể thấy, một khối lượng công việc đồ sộ về "thể chế" đã được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và các đồng sự dày công xử lý, trong bối cảnh bản thân bộ này cũng đang bị "phân tâm" vì nhiều công việc khác là hệ quả của nhiệm kỳ trước.

Có thể thấy rằng, trên phương diện cải cách môi trường kinh doanh, đã có một loạt cuộc "tấn công" vào những "thành trì" mà trước đó tưởng không hề đơn giản như Thông tư 20, quy định về kiểm tra formaldehyde, quy định về dán nhãn năng lượng, về khai báo hóa chất, các điều kiện về kinh doanh gas, xuất khẩu gạo… Không phải những phát ngôn to tát mà chính những nỗ lực cụ thể như thế này đã giúp cho Bộ Công Thương từng bước lấy lại hình ảnh của mình với tư cách một siêu bộ đã và đang nắm cả mảng sản xuất lẫn thương mại của quốc gia. 

Bên cạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực nên việc hoàn thiện bộ máy hoạt động là một trong những ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Với tinh thần của Chính phủ kiến tạo và phát triển, trong thời gian tới, Bộ sẽ sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn; tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại, thu gọn đầu mối theo nguyên tắc tổ chức sắp xếp lại để đảm bảo hiệu quả hoạt động tốt nhất. 

Nhất quán mục tiêu Chính phủ kiến tạo

Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội từ tháng 3/2016 và sau đó, đã liên tục được tái khẳng định trong các nghị quyết, quyết định quan trọng thời gian qua của Chính phủ như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ... cũng như các văn bản điều hành.

Khối lượng công việc trong năm đầu của Chính phủ mới là rất lớn, tuy nhiên điều mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp có thể cảm nhận khá rõ là ở đâu thì thông điệp về "Chính phủ kiến tạo" cũng đã được thắp lửa. 

Cụ thể, Chính phủ đã và đang tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp...

Đồng thời, chú trọng khắc phục những hạn chế, yếu kém; giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng, cấp thiết như giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nặng nề vừa qua... 

Tuy nhiên, trong các diễn đàn chính thức, Chính phủ cũng luôn nhận thức rõ việc còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém phải tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng GDP bình quân đạt 6,5-7% giai đoạn 2016-2020.

Chính vì vậy, Chính phủ khẳng định quan điểm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp - coi đây là "một nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2016-2020". 

Theo ghi nhận của Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng, các cuộc làm việc liên tục tại các bộ ngành trong một năm qua đã giúp cho tổ nắm được tình hình chung, theo đó vẫn còn có vô vàn công việc cần được giải quyết để môi trường kinh doanh thật sự được cải thiện. Đáng chú ý là, với tinh thần cầu thị và minh bạch, các nội dung làm việc, kiểm tra đều đã được công khai với báo chí và giới truyền thông. 

Thống kê cho thấy Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra 16 bộ ngành, địa phương, đơn vị sau 6 tháng được thành lập. "Công tác kiểm tra đòi hỏi sự thẳng thắn, khách quan và trung thực; với cương vị là Tổ trưởng Tổ công tác, tôi không tránh khỏi những áp lực, nhưng với tinh thần vì công việc chung, tôi không ngại va chạm, không né tránh", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết. 

Tuy nhiên, như thực tiệc nhiều năm qua đã cho thấy, nếu công việc chỉ "nóng" ở cấp vĩ mô mà "nguội" ở cấp thực thi cuối cùng thì cũng không đi vào thực chất. Hiểu rất rõ điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không phải chỉ có Chính phủ chuyển động, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ chuyển động mà "cả hệ thống phải chuyển động, phải làm gương để bộ máy từ trung ương đến các bộ, ngành, tỉnh, thành, quận huyện, xã phường phải chuyển động phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp".

Đó cũng chính là thách thức lớn nhất mà hành trình xây dựng "Chính phủ kiến tạo" tiếp tục phải đối mặt và giải quyết trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Tin mới lên