Bất động sản

Nhìn lại những 'kế hoạch cao ốc': Người thành hình, kẻ vẫn trên giấy

(VNF) - Không phải chủ đầu tư nào cũng may mắn với những tòa tháp mà mình dự kiến hoặc đã xây dựng.

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận.

Theo đó, thành phố đề xuất quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng cao 40-70 tầng, trong đó có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40-70 tầng gồm: Khu tài chính, khu kiến trúc bố cục ở phía bắc khu đất lập quy hoạch (cao 40-70 tầng); Khu truyền thông bố cục phía đông khu đất (cao 40-70 tầng); khu lối sống mới bố cục phía tây nam khu đất (cao 40-60 tầng); Khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch (cao 40-60 tầng) và khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch (cao 40-70 tầng).

UBND thành phố Hà Nội đề xuất xây cao ốc 70 tầng tại ga Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet

Chiều cao công trình từ 100-200 m xây dựng quanh khu vực hồ Linh Quang, trong đó có một công trình điểm nhấn cao 200 m tại phía Tây Bắc hồ. Vốn đầu tư dự kiến của đồ án là khoảng 23.800 tỷ đồng, trong đó Hà Nội đảm nhận nguồn vốn khoảng 700 tỷ đồng cho toàn bộ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật.

Ở Việt Nam, những công trình 70 tầng như Keangnam Landmark Tower, Lotte Center (Hà Nội) hay Bitexco Financial Tower (TP. HCM) đã được xây dựng và được xem là những công trình kiến trúc biểu tượng cho sự phát triển của các thành phố. Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng may mắn với những tòa tháp mà mình dự kiến hoặc đã xây dựng.

Keangnam Hanoi Landmark Tower

Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower do Tập đoàn Keangnam Enterprise đầu tư xây dựng tại Hà Nội. Công trình được xây dựng vào năm 2011 với tổng chi phí đầu tư là khoảng 1.200 tỷ won (tương đương 1,1 tỷ USD). 

Khu phức hợp gồm 1 tháp trung tâm thương mại (cao 346 mét, 72 tầng), văn phòng cho thuê, khách sạn 7 sao cùng 2 tòa nhà căn hộ cao cấp cao 48 tầng. Với chiếu cao gần 350 m, tòa Keangnam 72 thuộc dự án này phá kỷ lục chiều cao 262 m của Bitexco Financial Tower (TP. H​CM), trở thành công trình cao nhất Việt Nam.

Tòa Keangnam 72 là tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Dù căn hộ của Keangnam được bán ra với giá cao ngất ngưởng nhưng Keangnam vẫn phải vật lộn với các khoản nợ. Keangnam Hanoi Landmark chọn cách "tự bán mình" để thoát ra khỏi những khoản nợ này.

Thông tin rao bán tòa nhà Keangnam Hà Nội đã xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc sau hàng loạt bê bối tại công ty xây dựng Keangnam Enterprises như lập quỹ đen, đưa hối lộ và Chủ tịch Sung Wan Jong tự tử. 

Sau thời gian dài thông báo chuyển nhượng, tòa nhà này đã về tay Công ty tài chính AON Holdings vào hồi đầu năm 2016.

Tháng 1/2017, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc bắt giữ em trai của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon vì liên quan đến vụ án hối lộ xây dựng việc tòa tháp Keangnam Landmark 72 tại Hà Nội.

Lotte Center Hà Nội

Lotte Center Hanoi là dự án xây dựng tòa chọc trời cao thứ 2 Việt Nam trên đất Hà Nội do Tập đoàn Lotte làm chủ đầu tư.

Công trình trên giao lộ Liễu Giai - Đào Tấn được khởi công năm 2009, vận hành vào tháng 9/2014. Tổng vốn đầu tư xây dựng Lotte Center Hanoi là 500 triệu USD. Diện tích mặt bằng là 14.094 m2 với 5 tầng hầm, 65 tầng nổi gồm trung tâm thương mại, giải trí, khu văn phòng cho thuê và khách sạn.

Lotte Center Hanoi là dự án xây dựng tòa chọc trời cao thứ 2 Việt Nam.

Với chiều cao 267 m, Lotte trở thành tòa nhà cao thứ 2 Việt Nam, thấp hơn Keangnam Landmark72 (Hà Nội) và cao hơn tháp tài chính Bitexco (TP. HCM).

Bitexco Financial Tower

Dự án Bitexco Financial Tower (Tháp tài chính Bitexco) do Tập đoàn Bitexco thực hiện, khởi công năm 2005, đi vào vận hành ngày 31/10/2010.

Bitexco là tòa tháp cao nhất Sài Gòn.

Với chiều cao 262 m, diện tích nền gần 6.100 m2, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD, Bitexco là tòa nhà chọc trời cao thứ 3 Việt Nam và lọt top 25 tòa nhà biểu tượng thế giới do CNN bình chọn.

Tháp tài chính Bitexco nằm bên "anh hàng xóm" Saigon One Tower cao 195 m bị bỏ hoang. Hiện Bitexco vẫn giữ danh hiệu tòa tháp cao nhất Sài Gòn.

Lotus Hotel 

Dự án Lotus Hotel của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh Bắc (KBC) do ông Đặng Thành Tâm làm chủ được thành phố Hà Nội chấp thuận phương án vào tháng 1/2010. Thời điểm này trùng hợp với giai đoạn thăng hoa của thị trường bất động sản cũng như kết quả kinh doanh của KBC.

Quý I/2011, ông Đặng Thành Tâm cho biết muốn triển khai ngay dự án Lotus tại phần đất vàng rộng khoảng 4 ha trên đường Phạm Hùng, gần Trung tâm hội nghị quốc gia (Từ Liêm, Hà Nội).

Dự án này có tổng vốn khoảng 1 tỷ USD và từng gây ấn tượng về mặt thiết kế, quy hoạch, với điểm nhấn của dự án là 2 tòa tháp hình bông lúa cao 100 tầng và 80 tầng.

Điểm nhấn của Lotus Hotel là 2 tòa tháp hình bông lúa cao 100 tầng và 80 tầng.

Theo dự kiến, khi hoàn thành Lotus Hotel có thể vượt độ cao của Keangnam Landmark Tower - tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay. Trước đó, Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) là chủ đầu tư dự án với số vốn chỉ bằng một nửa, tuy nhiên sau đó gặp khó khăn về tài chính nên chuyển giao cho KBC.

Thế nhưng, từ năm 2011 đến nay, dự án siêu khách sạn này vẫn chưa được khởi động và vẫn chỉ nằm trên giấy.

Trong suốt 4 năm kể từ lúc nhận lại dự án từ tay nhà đầu tư ngoại, kết quả kinh doanh của công ty do ông Đặng Thành Tâm làm chủ không khả quan. Năm 2011, lợi nhuận sau thuế của KBC giảm còn 77 tỷ đồng (so với hơn 1.100 tỷ năm 2010). Đến 2012, công ty thua lỗ hơn 483 tỷ đồng. Năm 2013, KBC có lãi sau thuế hơn 78 tỷ đồng và sang năm 2014 có phần khả quan hơn khi tăng lên 311 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2017, sau 7 năm "đắp chiếu", siêu dự án tổ hợp Lotus Hotel Hà Nội có khả năng sẽ được tái khởi động khi chủ đầu tư bất ngờ được công ty mẹ là Tập đoàn Kinh Bắc góp vốn, tăng vốn điều lên gấp hơn 10 lần hiện tại.

PVN Tower

Một công trình chọc trời khác cũng có khai sinh và số phận giống siêu khách sạn Lotus, đó là tháp PVN Tower. Cao ốc này còn có tên khác là 102 vì có 102 tầng, tổng chiều cao 528 m, trên phần đất có diện tích 6,5 ha.

Cũng có vốn đầu tư ban đầu lên đến 1 tỷ USD, chủ đầu tư của tòa tháp này là Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group). Dự án được kỳ vọng sẽ là biểu tượng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời kỳ hưng thịnh. Nếu hoàn thành, đây sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Tháp 102 cũng là dự án có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD và được kỳ vọng là công trình cao nhất Việt Nam nếu hoàn thành.

Nếu hoàn thành, PVN Tower sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Dự tính, công trình "có một không hai này" sẽ hoàn thành năm 2014, trở thành một biểu tượng tự hào cho ngành dầu khí và thủ đô Hà Nội, tương tự như tòa tháp đôi của Malaysia.

Tháng 3/2011, PVC công bố điều chỉnh PVN Tower từ 102 tầng xuống còn 79 tầng. Kế hoạch điều chỉnh dự án PVN Tower được PVC công bố một ngày sau phiên thảo luận về việc tái đầu tư 3.500 tỷ đồng từ ngân sách cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Việc hạ thấp số tầng và chiều cao khiến PVN Tower không còn là tòa nhà cao nhất Việt Nam, nhưng vẫn là một trong những tòa nhà cao nhất và được thị trường chờ đợi. PVC cũng dự kiến khởi công dự án vào quý I/2012.

Tháng 1/2012, lãnh đạo PVN thời điểm đó cho biết PVN đã rút khỏi tòa tháp PVN Tower. Lãnh đạo tập đoàn này khẳng định thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, PVN chủ trương dần rút vốn khỏi lĩnh vực bất động sản.

Sau đó, Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi chủ đầu tư dự án này và giao UBND thành phố Hà Nội xem xét đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh, quyết định việc chuyển đổi chủ đầu tư đảm bảo hiệu quả quỹ đất.

Đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch dự án Golden Palace A trên nền đất của PVN Tower. Theo đó, số tầng cao nhất đối với khối chung cư cao tầng của Golden Palace A trên nền đất này chỉ là 44 tầng - giảm rất nhiều so với "siêu dự án" 102 tầng trước đó.

Tin mới lên