Tài chính quốc tế

Nhìn thị trường chứng khoán, đoán kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

(VNF) - Nhìn vào thị trường chứng khoán, tín hiệu hiện nay từ thị trường này dường như không tốt cho Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Nhìn thị trường chứng khoán, đoán kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

Tín hiệu hiện nay từ thị trường chứng khoán dường như không tốt cho Hillary Clinton.

Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ kể từ năm 1984 đã nhiều lần được dự đoán đúng dựa trên độ biến thiên chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ, theo một phân tích của Strategas Research Partners LLC.

Nếu chỉ số chuẩn mực của cổ phiếu Mỹ tăng trong 3 tháng trước ngày bỏ phiếu thì đảng có đương kim tổng thống thắng cử trong 86% trường hợp kể từ năm 1928.

Hiện nay, chỉ số này giảm 3,6% từ ngày 8/8 khi chỉ còn gần một tuần trước ngày bỏ phiếu bầu cử chính thức. Đây được xem là điềm tốt cho Donald Trump.

Tổng thống Mỹ đương nhiêm là ông Barack Obama, một thành viên đảng Dân chủ cùng bà Clinton trong khi Donald Trump là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Ngoài diễn biến chỉ số chứng khoán Mỹ trong thời kỳ 3 tháng, hôm thứ Ba 2/11/2016 chỉ số S&P 500 giảm mạnh nhất trong ba tuần, giảm ngày thứ sáu liên tiếp xuống còn 2.111,72, lần đầu tiên trượt xuống dưới mức 2.100 điểm kể từ ngày 7/7 trước khi hồi phục. Chỉ số này đang trên đà lao dốc dài nhất kể từ tháng 8/2015 trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng đang sít sao.

Nhìn chứng khoán, đoán kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

Kể từ năm 1984 khi chỉ số chứng khoán chuẩn của Mỹ giảm điểm trong vòng 3 tháng trước ngày bầu cử, ứng viên đảng đối lập là người chiến thắng.

Xét về logic, khả năng tiên đoán khá tốt của thị trường chứng khoán bắt nguồn từ sự nhạy cảm với nền kinh tế. Cổ phiếu giảm giá tương quan với tâm lý bất mãn của người tiêu dùng, điều này sẽ có lợi cho ứng cử viên của đảng đối đầu với đảng có đương kim tổng thống.

Năm nay, bầu cử Mỹ đang diễn ra giữa lúc GDP tăng trưởng chậm chạp và cùng mức sút giảm hàng tháng lớn nhất trong một năm về mức độ lạc quan của người tiêu dùng. Một số nhà phân tích cũng băn khoăn liệu có phải biện pháp kích thích kinh tế của Fed đã khiến chứng khoán là tín hiệu về hiện trạng kinh tế ít đáng tin cậy hơn trước kia.

Daniel Clifton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách tại Strategas Research Partners nói: "Mọi người có thể nói rằng ‘Tôi nghĩ Clinton sẽ thắng’, nhưng người ta lại không bỏ tiền ra đầu tư do sợ một sự kiện như Brexit".

Uy tín của thị trường trong việc tiên đoán chính trị đã sút giảm thê thảm hồi tháng 6, khi chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trước cuộc trưng cầu ý dân ở Anh về Brexit để rồi giảm mạnh nhất trong 5 năm khi cử tri chọn rời EU. Chỉ 4 tháng sau cú sốc đó, mức lo ngại đã tăng mạnh trong tuần cuối cùng của một mùa bầu cử Mỹ với đầy kịch tính. Khoảng cách dẫn điểm trước đây của Clinton so với Trump đã thu hẹp trong các cuộc thăm dò dư luận từ hôm 28/10 khi có tin FBI lại mở lại điều tra vụ bê bối email của bà Clinton.

Những ai hy vọng dùng tín hiệu từ thị trường chứng khoán để dự đoán chính trị thì nên lưu ý rằng thị trường chứng khoán xưa nay hiếm khi xa rời với thực tiễn nền kinh tế như trong 7 năm qua. Nhờ lãi suất gần bằng 0, chỉ số S&P 500 đã tăng trung bình 3,7% mỗi quý kể từ tháng 3/2009, trong khi GDP tăng 0.,%. Đó là mức chênh lệch lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2.

Tin mới lên