Ngân hàng

NHNN đề xuất loạt đặc quyền cho VAMC và các TCTD trong xử lý nợ xấu

(VNF) – Một loạt đặc quyền cho VAMC và các TCTD, đặc biệt là quyền về xử lý tài sản bảo đảm, đã được NHNN đề xuất trong khuôn khổ xây dựng Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

NHNN đề xuất loạt đặc quyền cho VAMC và các TCTD trong xử lý nợ xấu

VAMC sẽ có một loạt đặc quyền trong xử lý nợ xấu, nếu các đề xuất của NHNN được thông qua

Trong khuôn khổ xây dựng Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đề xuất một loạt đặc quyền cho VAMC và các tổ chức tín dụng (TCTD) trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là về quyền xử lý tài sản bảo đảm.

VAMC/TCTD được quyền thu giữ tài sản đảm bảo

Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, BLDS 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. NHNN đánh giá, điều này gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý TSBĐ của VAMC/TCTD vì VAMC cũng như các TCTD không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến TSBĐ để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý TSBĐ.

Với lý do trên, NHNN đề xuất, cần có quy định hướng dẫn riêng về trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản cho bên xử lý tài sản theo hướng: cho phép VAMC/TCTD được thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý trong trường hợp VAMC/TCTD và chủ tài sản đã có thỏa thuận về việc thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm tài sản.

Tuy nhiên, bản thân NHNN cũng đánh giá, nếu không có các quy định chặt chẽ thì sẽ xảy ra tình trạng tùy tiện trong quá trình thu giữ tài sản.

VAMC được quyền nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

Thực tế hiện nay, trong quá trình VAMC xử lý nợ, nếu khách hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì VAMC cũng không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, vì đối tượng được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, theo Luật Đất Đai 2013, chỉ có thể là các TCTD.

Điều này cũng có nghĩa là, khi VAMC bán lại nợ xấu đã mua cho bên mua nợ là các cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thì các cá nhân, tổ chức này cũng không được nhận thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất.

Với lý do này, NHNN đề xuất bổ sung quy định cho phép VAMC/bên mua nợ của TCTD và VAMC (đối với khoản nợ được bảo đảm bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất) được nhận thế chấp bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất.

Bỏ quy định người được thi hành án phải nộp phí thi hành án

Theo quy định, bản thân người phải thi hành án cũng phải nộp phí thi hành án. NHNN đánh giá, điều này đang vô tình khuyến khích người phải thi hành án chây ỳ, không tự nguyện thi hành án, kéo dài thời gian thi hành án.

Trên cơ sở nhận định này, NHNN đề xuất bỏ quy định bắt buộc người được thi hành án phải nộp phí thi hành án.

Không được kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp tại TCTD/VAMC khi chưa đến hạn trả nợ được bảo đảm

Luật thi hành án dân sự 2008 cho phép chấp hành viên kê biên cả tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án đang thế chấp/cầm cố tại TCTD đảm bảo cho khoản vay.

NHNN nhận định, quy định này ảnh hưởng lớn đến quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm, gia tăng nợ xấu của hệ thống TCTD, đặc biệt trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay hoặc là nguồn thu nhập chính để trả nợ cho TCTD.

Với lý do trên, NHNN đề xuất bổ sung quy định theo hướng: chấp hành viên không được kê biên đối với tài sản đang cầm cố, thế chấp tại TCTD/VAMC khi chưa đến hạn trả nợ được bảo đảm.

Tuy nhiên, theo đánh giá, quy định này sẽ làm giảm khả năng thi hành án của bên chủ tài sản cầm cố/thế chấp.

Sửa thứ tự ưu tiên thanh toán cho VAMC/TCTD trước khi thu các loại thuế khác

Hiện nay, các cơ quan thuế thường yêu cầu trích từ số tiền bán TSBĐ để thanh toán tiền thuế trước khi thanh toán cho bên bảo đảm thì mới xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế để TCTD thực hiện thủ tục sang tên. Thực tế, nhiều trường hợp số tiền bán TSBĐ không đủ thu hồi nợ cho TCTD nhưng vẫn phải nộp thuế.

Với nhận định này, NHNN đề xuất bổ sung quy định miễn thuế thu nhập đối với tổ chức, cá nhân có TSBĐ bị xử lý theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc chỉ thu thuế tính trên số tiền chênh lệch cao hơn giá trị khoản nợ xấu cần thu hồi và sửa đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho VAMC/TCTD trước khi thu các loại thuế khác của tổ chức, cá nhân có TSBĐ bị xử lý.

Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng (theo báo cáo số 3542/BC-TCTHADS ngày 25/10/2016  của Tổng cục thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp).

Tin mới lên