Thị trường

Những chiến lược đắt giá của 'hãng hàng không bikini' Vietjet

(VNF) – Tuy phải mất tới 4 năm mới có thể đưa chiếc máy bay đầu tiên của mình lên bầu trời nhưng hiện tại Vietjet Air đã trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Việt Nam chỉ sau "ông lớn" Vietnam Airlines. Những chiến lược tiếp thị độc đáo đã góp một phần không nhỏ cho thành công của hãng hàng không non trẻ này, theo nhận định của Nikkei.

Những chiến lược đắt giá của 'hãng hàng không bikini' Vietjet

Những hình ảnh quảng cáo của Vietjet Air đã vấp phải khá nhiều lời chỉ trích.

Chiêu tiếp thị độc đáo

Từ những ngày đầu thành lập, hình ảnh dàn nữ tiếp viên mặc bikini nóng bỏng bên những chiếc máy bay hay trên lịch năm mới của Vietjet đã vấp phải khá nhiều lời chỉ trích. Tuy nhiên, chính những lời chỉ trích đó đã thu hút sự quan tâm của dư luận vì hãng này dám thay đổi những điều tưởng như mẫu mực của ngành hàng không.

Theo Nikkei, đằng sau những chiêu quảng cáo như vậy là một hãng hàng không trẻ đang phát triển lanh lẹ và khôn khéo.

Chiến lược mà Vietjet Air thực hiện đã từng được hãng hàng không Virgin Atlantic tại Anh triển khai khi đối đầu với "ông lớn" British Airways . Và khi đó, Virgin Atlantic đã thành công vang dội.

Khởi động một hãng hàng không giá rẻ

Kể từ chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011, Vietjet Air đã trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 Việt Nam, chiếm 40% thị phần trong nước và chuyên chở khoảng 50 triệu khách mỗi năm. 

Thành tích đáng nể này đã đưa bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập của hãng, trở thành nữ tỷ phú USD duy nhất ở Đông Nam Á và là một trong hai tỷ phú USD ở Việt Nam.

Vietjet đã giúp cho tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có cơ hội sử dụng máy bay nhiều hơn. Trong giai đoạn 2011 – 2016, số hành khách dùng máy bay ở thị trường trong nước đã tăng với tốc độ trung bình 17,2% mỗi năm. Đây là tốc độ tăng trưởng được ghi nhận ở mức cao nhất so với các nước trong khu vực.

Bà Thảo cũng tạo ra một doanh nghiệp vững chắc bằng chiến lược giá rẻ: đưa nhiều ghế hơn lên một máy bay, tối ưu hóa các nguồn lực và năng suất lao động của nhân viên và duy trì chi phí vận hành thấp. Đây chính là công thức giúp Vietjet vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường Đông Nam Á.

Ý tưởng khởi động một hãng hàng không giá rẻ xuất phát từ những dự đoán của chính bà Thảo về nhu cầu đi lại bằng máy bay tại Việt Nam sẽ tăng cao.

Vietjet tham vọng mở rộng đường bay ra khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo một báo cáo từ VinaCapital, trong năm 2017, Vietjet có thể đạt tổng doanh thu 1,84 tỷ USD, tăng 53% so với năm trước và có mức lợi nhuận ròng đạt khoảng 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 56%.

Không chỉ dừng lại ở đó, Vietjet tham vọng mở rộng đường bay ra khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những thỏa thuận của Vietjet với các hãng sản xuất máy bay lớn trên thế giới gần đây thể hiện rõ những bước đi trong chiến lược 5 năm sắp tới của hãng. Ở thời điểm hiện tại, Vietjet cũng có đội tàu bay thuộc loại trẻ nhất thế giới với tuổi tàu trung bình chỉ là 3,3 năm.

Ông Andy Ho hiện là Giám đốc Điều hành của VinaCapital nhận định Vietjet sẽ là ngôi sao sáng của ngành hàng không và sẽ vẫn nhận được nhiều ưu đãi từ các chính sách phát triển của chính phủ trong vài năm sắp tới.

Bên cạnh bà Thảo, Chủ tịch HĐQT VietJet Air Nguyễn Thanh Hà cũng là yếu tố quan trọng giúp Vietjet bứt phá ngang tầm với "anh cả" Vietnam Airlines, trong khi các đối thủ khác tiếp tục tụt lại phía sau: Indochina Airlines (phá sản), Pacific Airlines (bị mua lại) và Air Mekong (đang treo dự án).

Hành động thực sự để hỗ trợ phụ nữ trong việc phát triển sự nghiệp

Bà Thảo (47 tuổi) sinh ra tại Hà Nội nhưng học đại học tại Liên Xô cũ, chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng và Kinh tế. Bà lập gia đình và thành lập công ty Sovico Holdings tại Nga vào những năm 1990. Sau khi nhận học vị Tiến sĩ Kinh tế, ở tuổi 27, bà Thảo đầu tư vào 4 lĩnh vực tại Việt Nam: tài chính, hàng không, bất động sản và công nghiệp.

Bà Thảo khá khép mình với truyền thông kể từ thời gian đó, tuy nhiên, mau chóng nổi lên thành một "ngôi sao" trên thị trường chứng khoán, kể từ thời điểm Vietjet lên sàn vào tháng 2/2017. Bà Thảo cũng xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, diễn ra vào hồi tháng 11/2017. Hầu hết các sự kiện của hội nghị đều diễn ra trên các bất động sản của vị nữ tỷ phú tại Đà Nẵng.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air.

Tuy nhận được khá nhiều chỉ trích về việc sử dụng hình ảnh người phụ nữ để quảng bá, bà Thảo cam kết sẽ hành động thực sự để hỗ trợ phụ nữ trong việc phát triển sự nghiệp tại Việt Nam.

Bà Thảo cho hay Vietjet thiết lập một tỷ lệ nhất định những vị trí điều hành thuộc về nữ giới, kể cả những công việc như kỹ sư hay phi công. Vietjet cũng có mục tiêu thay thế dần những vị trí của nam giới bằng nữ giới trong tương lai.

"Vietjet đặt mục tiêu trở thành một hãng hàng không quốc tế, chứ không chỉ là một hãng hàng không nội địa", CEO Vietjet tiết lộ.

>> Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lọt nhóm 1.000 người giàu nhất thế giới

Tin mới lên