Diễn đàn VNF

Những kỷ niệm đáng nhớ về SCCI những ngày đầu thành lập

Tháng 3 này là dịp kỷ niệm thành lập Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI), cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài trong những ngày đầu mở cửa và hội nhập.

Những kỷ niệm đáng nhớ về SCCI những ngày đầu thành lập

Khách sạn Daewoo Hanoi, một trong những dự án được cấp phép từ những ngày đầu mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.

Năm 2017 này cũng là năm kỷ niệm 30 năm ngày ban hành luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987 - 2017), văn bản đã mở ra một chương phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Tạp chí Nhà Đầu tư xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Hoàng Văn Huấn, một trong những cán bộ quản lý đầu tư nước ngoài từng làm việc tại SCCI trong những ngày đầu thành lập. 

Từ những bước khởi động đầu tiên

Tôi về làm việc tại Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) vào tháng 9 năm 1989. Việc đầu tiên tôi được giao là cùng các cán bộ, chuyên viên của Ủy ban cùng với một số chuyên gia luật của nước ngoài đến làm việc với các bộ ngành liên quan thảo luận để triển khai Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Có thể nói Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là luật đầu tiên đưa Việt Nam vào con đường hội nhập với quốc tế theo chủ trương của Đảng được đề ra trong Đại hội lần thứ VI.

Nhờ có các chuyên gia nước ngoài nên thông qua các cuộc làm việc, những vấn đề pháp lý được làm rõ dần. Có những vướng mắc gì, chúng tôi lại về xin ý kiến Luật sư Lưu Văn Đạt và Bộ trưởng Võ Đông Giang, những người đã góp công lớn cho việc hình thành Luật này. 

SCCI là một Ủy ban Nhà nước mang tính liên ngành, do vậy lãnh đạo Ủy ban này cũng có sự tham gia của các ngành liên quan. Thường trực Ủy ban thời đó có Bộ trưởng Chủ nhiệm Đậu Ngọc Xuân, Bộ trưởng-Phó chủ nhiệm Võ Đông Giang, Phó Chủ nhiệm Lữ Minh Châu, Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Ích, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mại.

Bộ phận không thường trực bao gồm các Phó chủ nhiệm kiêm nhiệm là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan như ông Đỗ Quốc Sam (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), ông Hồ Tế (Bộ Tài chính), ông Tư Triết (Bộ Ngoại Thương)… Lãnh đạo Ủy ban họp định kỳ để đưa ra các quyết sách về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Luật sư Lưu Văn Đạt, một cây cổ thụ trong làng luật Việt Nam tuy không tham gia Ban lãnh đạo Ủy ban nhưng luôn được mời dự các cuộc họp quan trọng bàn về pháp lý. Ông là người đã tham gia soạn thảo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 và các điều khoản sửa đổi luật sau này cũng như các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành Luật. Phải nói, sự đóng góp của ông vào công cuộc hợp tác đầu tư là vô cùng to lớn. 

Sau khi thành lập SCCI, các Ban kinh tế đối ngoại của các địa phương cũng được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nghiên cứu thực hiện Luật và đón đầu dòng vốn nước ngoài. Cũng có nơi Ban này đã có sẵn để làm nhiệm vụ kinh tế đối ngoại trước đây, nay chỉ thêm chức năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lãnh đạo SCCI cho tổ chức thi tuyển chuyên viên để bổ sung lực lượng. Tôi chứng kiến sự kiện này như một điều mới mẻ, một sự đổi mới thật sự trong công tác nhân sự. 

Với sự hợp tác của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), SCCI đã tổ chức một lớp bồi dưỡng kiến thức Luật Đầu tư nước ngoài cho các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên làm công tác đối ngoại của các địa phương và các Bộ, ngành liên quan, trong đó có các chuyên viên của SCCI vừa mới thi tuyển.

Lớp học do chuyên gia nước ngoài giảng dạy thông qua phiên dịch vì lúc đó trình độ tiếng Anh của anh em ta còn rất hạn chế. Cuối khóa, anh chị em nộp bản thu hoạch và cuối cùng là lên danh sách để Bộ trưởng Võ Đông Giang ký và trao Giấy chứng nhận đã qua khóa đào tạo này. Mục đích của SCCI, theo lời Bộ trưởng Võ Đông Giang, là tạo ra một đội ngũ "thầy giáo" để sau khóa học, trở về đơn vị, truyền đạt lại tinh thần của Luật và cách thức thu hút vốn đầu tư.

Đội ngũ này được coi như hạt giống trên thửa ruộng đầu tư nước ngoài mà về sau đã đâm hoa kết trái, đóng góp lớn lao cho sự nghiệp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các địa phương và các ngành. 

Chủ động gọi vốn đầu tư nước ngoài

Bạn bè bắt đầu biết đến một Việt Nam đổi mới. Cuối năm 1990, mặc dù chưa có quan hệ chính thức, Hàn Quốc đã mời một đoàn của ta sang trao đổi về phương thức hợp tác đầu tư. Để khỏi gây rắc rối vì lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, phía bạn giao trường Đại học Yun-Sei do Giáo sư Kim-Tal-Chung phụ trách, đứng ra mời; phía ta cử một đoàn dưới danh nghĩa các học giả. Ông Trần Đức Nguyên được Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân mời làm trưởng đoàn. Đoàn gồm anh Võ Hồng Phúc của Ủy ban kế hoạch Nhà nước, chị Phạm Chi Lan của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hai vị Giáo sư là Hiệu trưởng của hai Trường đại học kinh tế từ Hà Nội và TP. HCM, các anh ở Viện sử học, Ban Kinh tế trung ương…, mỗi người được phân công phát biểu về một lĩnh vực chuyên sâu. 

Với sự giúp đỡ hiệu đính bản dịch của bạn bè bên Bộ ngoại giao, tôi đã đọc bài phát biểu bằng tiếng Hàn, gây thiện cảm trong cử tọa. Trường Đại học Yun-Sei đã tổ chức một cuộc hội thảo, mời các cơ quan hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp, chuyên gia đến dự và trao đổi với Đoàn. Lãnh đạo nhà trường cũng sắp xếp cho Đoàn có các cuộc làm việc với các cơ quan Chính phủ và Quốc hội Hàn quốc.

Ông Trần Đức Nguyên, với tài thuyết phục của mình đã làm cho bạn hiểu và chia sẻ với khó khăn của Việt Nam khi tiến hành đổi mới trong bối cảnh bị cấm vận. Anh Hoài, một phiên dịch viên được Ban tổ chức ngưỡng mộ về kiến thức tiếng Anh, đã có đóng góp lớn cho sự thành công của chuyến công tác. Qua các cuộc trao đổi với bạn, chúng tôi thấy cánh cửa hợp tác đầu tư với Hàn quốc đang được mở ra, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. 

Năm 1991, UNIDO giúp ta tổ chức một diễn đàn đầu tư lớn với khoảng 600 khách nước ngoài vào dự. Một lượng khách Việt Nam tương đương được mời. Hà Nội khi đó, ngoài khách sạn Giảng Võ ra, dường như không còn chỗ nào đủ tiêu chí để khách nước ngoài ở, đành phải tổ chức hội thảo ở TP. HCM. Vậy mà sau khi thuê hết buồng tại Khách sạn nổi, Rex… vẫn không đủ chỗ cho khách.

Hầu như tất cả buồng ở các khách sạn được ưu tiên cho khách nước ngoài, còn anh em chúng tôi đều phải tá túc tại các Văn phòng đại diện của các Bộ. Hội trường thì không có nơi nào khác đủ lớn ngoài Dinh Độc lập cũ của chính quyền Sài Gòn. SCCI cử một đội quân vào TP. HCM lo chuẩn bị. TS Nguyễn Anh Tuấn được giao nhiệm vụ chuẩn bị bài cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu tại Hội thảo còn tôi chuẩn bị bài cho Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân. Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân và Bộ trưởng Võ Đông Giang chỉ đạo chúng tôi viết các bài phát biểu này.

Vấn đề khó ở chỗ cả hai bài phát biểu làm sao để nói lên được chủ trương đổi mới và thu hút đầu tư của ta nhưng không được trùng lặp ý tứ và hai cách tiếp cận vấn đề cũng phải ở hai góc độ khác nhau. Tôi còn có một ấn tượng về trí nhớ tuyệt vời của ông Giang. Ngày đó không có máy tính như bây giờ, sau khi viết xong bài phát biểu, tôi mang vào TP. HCM cho ông Đậu Ngọc Xuân. Ông Giang đã gọi điện vào dặn tôi sửa thêm mấy chỗ. Vậy là ông gần như đã thuộc lòng bài phát biểu đó và suốt đêm trăn trở về nó. 

Sau sự kiện này, bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam đã nhiều, công cuộc kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu khởi sắc. SCCI tung quân ra nước ngoài để làm công tác xúc tiến đầu tư. Anh Nguyễn Ngọc Phúc, anh Trần Đông Phong được cử đi châu Âu làm việc bên cạnh UNIDO. Tôi và anh Ngô Văn Điểm được gửi sang Hàn Quốc. Tôi làm việc bên cạnh Tổ chức phát triển kinh tế tư nhân Hàn quốc (IPECK), còn anh Ngô Văn Điểm làm việc tại UNIDO Seoul.

Phải nói rằng chủ trương cử người ra nước ngoài để kêu gọi đầu tư là một chủ trương rất sáng suốt. Trong khi các nhà đầu tư muốn vào Việt Nam làm ăn, nhưng lại có rất it thông tin về ta thì đây là những địa chỉ quan trọng để họ đến tìm hiểu luật pháp, môi trường đầu tư của ta. Họ hiểu rằng, mặc dù họ là những cơ quan chuyên nghiệp, nhưng không có ai nói về tình hình Việt Nam đáng tin cậy hơn những người trong cuộc.

Khi chúng tôi làm việc bên cạnh họ, vị thế của họ cũng được tăng lên đáng kể nhờ vào những cuộc tiếp xúc giữa chúng tôi với các nhà đầu tư mà chính họ là người sắp xếp và đặc biệt khi có nhiều dự án đi vào hoạt động sau các cuộc tiếp xúc như vậy. 

Những dự án đầu tay

Một hôm, anh Jang-Kyu-Sang, chuyên viên của IPECK sắp xếp cho tôi một cuộc ăn sáng làm việc với ông Kim, giám đốc của Orion Daewoo. Ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên, tôi đã bị ông Kim thu hút bởi một người đàn ông đẹp trai và rất lịch lãm. Ông ấy nói với tôi rằng, ông ấy sắp đi Việt Nam và nhờ tôi tư vấn cho ông ấy một số việc. Ông ấy bảo ông ấy sẽ đi thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hỏi lại: "Sao ông không vào Hà Nội?". Ông trả lời vì ông đã nghe nói nhiều trước năm 1975, còn Hà Nội thì không có thông tin gì cả; nếu vào Hà Nội thì tôi phải giúp. Ông ấy dự định đầu tư hai dự án trong ngành điện tử, một sản xuất đèn hình và một sản xuất vỏ TV. 

Trước khi sang Hàn Quốc, tôi có tháp tùng Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân thăm xí nghiệp Hanel do anh Hoàng Văn Nghiên làm giám đốc và được giới thiệu khá kỹ về xí nghiệp này. Tình cờ tôi nhớ đến Hanel và giúp ông Kim bằng cách viết hai lá thư tay cho Hanel và xí nghiệp điện tử Đống Đa. Chừng một tuần sau, khi ở Việt Nam trở lại Hàn Quốc, ông Kim đến gặp tôi và cho hay ông đã làm việc với ông Nghiên để bàn về việc liên doanh sản xuất đèn hình và với xí nghiệp điện tử Đống đa để làm vỏ TV. Ông ấy cười rất vui: "Tôi làm việc với ông Nghiên rất dễ chịu, chắc dự án sẽ thành công".

Quả vậy, sau đó liên doanh Orion-Hanel được thành lập và trở thành dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nổi đình nổi đám một thời. Trên cơ sở sự hợp tác này, một loạt dự án lớn của Daewoo đã có mặt tại Việt Nam như khách sạn Daewoo-Hanel, Ô tô Daewoo…

Một câu chuyện khác cũng khiến chúng tôi nhớ mãi. Một buổi tối, tại TP. HCM, tôi và Giáo sư Nguyễn Mại bước từ phòng họp với lãnh đạo Ban tư tưởng văn hóa Trung ương ra thì thấy anh Út Phương, Chủ tịch tỉnh Sông Bé ngồi bệt trên đôi giày vải. Anh ấy nói với Giáo sư Mại là Giáo sư phải lên Sông Bé giúp anh ấy. Anh ấy đòi chúng tôi phải đi ngay. Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải đi trong khi bụng đói cồn cào.

Ngay sáng hôm sau, anh Út Phương tổ chức một cuộc họp. Anh ấy nói như ăn vạ: "Các anh lên đây thấy tỉnh Sông Bé chúng tôi nghèo đến mức nào. Anh Mại phải giúp tôi đưa một số dự án vào. Mặc kệ anh muốn làm thế nào thì làm". Giáo sư Mại chỉ về phía tôi nói: "Cậu này mới đi làm tư vấn bên Hàn Quốc về, anh bàn với cậu ấy nhé".

Vì "mệnh lệnh" của Giáo sư và vì sự chân thành của một vị Chủ tịch tỉnh, tôi đã thuyết phục một số nhà đầu tư Hàn Quốc vào Sông bé. Cũng với nhiệt huyết hiếm có của vị Chủ tịch này, dần dà Sông Bé đã thu hút thêm nhiều dự án từ Đài Loan và nhiều nước khác, đưa Sông Bé và sau này là Bình Dương trở thành một trong những ngọn cờ về phát triển. 

Tin mới lên