Diễn đàn VNF

Nhượng quyền thương mại sẽ tăng trưởng khoảng 15-20%

(VNF) - Thị trường Việt Nam tiếp tục chứng tỏ sức hấp dẫn của mình khi có hơn 20 thương hiệu ngoại hàng đầu hiện tìm kiếm cơ hội nhượng quyền thương hiệu.

Nhượng quyền thương mại sẽ tăng trưởng khoảng 15-20%

Ông Sean T. Ngo, CEO của VF Franchise Consulting, là công ty Singapore chuyên tư vấn, điều hành và nhượng quyền thương mại hoạt động trên toàn châu Á có văn phòng tại Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã chia sẻ với VietnamFinance về tình hình nhượng quyền 6 tháng đầu năm 2016 và triển vọng thời gian tới tại thị trường Việt Nam.

- Những thương hiệu quốc tế mới nhất nào đang tìm kiếm cơ hội nhượng quyền thương mại tại Việt Nam thưa ông? 

VF Franchise Consulting hiện tư vấn cho hơn 20 thương hiệu nhượng quyền thương mại đang tìm kiếm địa điểm lý tưởng cũng như đối tác uy tín để nhượng quyền thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Những thương hiệu này chủ yêu hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như Denny’s, Grimaldi’s, Lawry’s, Texas Roadhouse, Tilted Kilt, Donut King, Brumby’s, Munch, Pizza Capers.

Ngoài ra một số tên tuổi hàng đầu về giáo dục và đào tạo như New Horizons IT Training, The Edge và Direct English, các thương hiệu trong lĩnh vực dịch vụ như Mosquito Squad, Synergy HomeCare, and Pressto cũng đánh giá cao thị trường Việt Nam và mong muốn tìm kiếm đối tác. Tất cả các thương hiệu trên đến từ Mỹ, Úc, châu Âu và châu Á. 

- Trong nửa đầu năm 2016 có bao nhiêu thương hiệu đã nhượng quyền thành công tại Việt Nam? Ông đánh giá thế nào về chất lượng của các đối tác Việt sau nhượng quyền thương hiệu?  

Trong nửa đầu năm nay, chúng tôi có khoảng 5-10 thương hiệu quốc tế đã ký giao dịch với đối tác Việt. Những thương hiệu đến từ Mỹ cũng như từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Thực phẩm và đồ uống là ngành hàng đang được ưa chuộng theo định hướng người tiêu dùng Việt.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng nhìn thấy nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng như dịch vụ đã tăng lên. Một trong những yếu tố quyết định cho việc lựa chọn các đối tác Việt Nam là sự tin cậy và minh bạch. Nhượng quyền thương mại là một cuộc hôn nhân lâu dài, thường kéo dài từ ít nhất 10 - 20 năm, mỗi bên đều xem xét cẩn thận tiềm năng của đối tác trước khi thoả thuận nhượng quyền thương mại được ký kết. 

- Ông đánh giá như thế nào về thị trường nhượng quyền thương hiệu Việt Nam năm nay cũng như triển vọng trong thời gian tới? Ông có thể so sánh sự phát triển của nhượng quyền thương mại tại Việt Nam với một số nước ở châu Á?

Chúng tôi tin rằng thị trường nhượng quyền thương mại tại Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 15-20 phần trăm về số lượng so với năm ngoái. Chúng tôi thấy rằng dư địa cho hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam còn rất lớn. So với hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng nhất với Việt Nam là Indonesia và Philippines, có thể thấy rằng ngành công nghiệp nhượng quyền thương mại của Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của mình.

Indonesia và Philippines có nền kinh tế tương tự và cả hai đều có dân số lớn hơn so với Việt Nam. Indonesia là nước có dân số lớn nhất trong ASEAN với ước tính 250 triệu người. Số lượng của các hệ thống nhượng quyền thương mại ở Việt Nam là khá nhỏ so với Indonesia và Philippines, hai quốc gia lần lượt có hơn 600 và 2.000 hệ thống nhượng quyền thương mại. Tiềm năng tăng trưởng cho Việt Nam là rõ ràng. 

- Đối tác nước ngoài thường kỳ vọng điều gì từ đối tác Việt Nam thưa ông? Những thuận lợi và khó khăn mà các đối tác ngoại gặp phải khi tìm cách để nhượng quyền tại Việt Nam là gì? 

Đối tác nước ngoài luôn mong đợi các đối tác Việt Nam nắm được cốt lõi kinh doanh để phát triển thành công thương hiệu của họ. Họ cũng yêu cầu các đối tác Việt Nam minh bạch và đáng tin cậy - có lẽ đây là hai tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn đối tác. Chìa khóa thành công cho các đối tác Việt chính là thường xuyên trao đổi, học hỏi từ bên nhượng quyền.

Có rất nhiều thuận lợi đem lại cho thương hiệu quốc tế khi nhượng quyền thương mại ở Việt Nam. Họ sẽ có cơ hội tăng cường hiện diện của mình ở châu Á ví dụ như Việt Nam là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới (đứng thứ 13 trên thế giới). Thu nhập bình quân đầu người (GDP) của Việt Nam cũng đang dần tăng lên, chỉ xếp sau Trung Quốc trong thập kỷ qua giúp đời sống cũng như khả năng chi tiêu, hưởng thụ của người dân Việt Nam ngày càng cao hơn.

Hơn thế, Việt Nam cũng được kỳ vọng là một trong các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam tiếp tục có nhiều thách thức quan trọng đối với nhà nhượng quyền, bao gồm nhiều điểm còn hạn chế đó là vị trí bán lẻ, chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực cần được cải thiện hơn nữa để có thể tăng được hiệu quả kinh doanh.

- Cho đến nay, có bao nhiêu đối tác ngoại đã nhượng quyền thương mại thành công tại Việt Nam, thưa ông? Ngành nào là nổi trội?

Theo số liệu mới nhất, tính đến tháng 7, 2016 của Bộ Công Thương, Việt Nam đã có 148 thương hiệu quốc tế nhượng quyền thành công tại Việt Nam. Trong đó ngành thực phẩm và đồ uống vẫn chiếm ưu thế với một loạt các thương hiệu nổi tiếng đang hoạt động thành công tại Việt Nam như KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut, Burger King, Starbucks, McDonald’s, Domino’s Pizza, Popeye’s Chicken, Texas Chicken hay Coffee Bean & Tea Leaf. Thời gian tới, nhiều thương hiệu quốc tế lớn nhỏ đang liên tục tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường.

Bên cạnh các thương hiệu ngoại thì một số thương hiệu Việt được ưa thích tại Việt Nam cũng mong có cơ hội nhượng quyền thương hiệu của mình tại Việt Nam và khu vực như Phở 24, Highlands Coffee, Wrap & Roll, Món Huế...

Tin mới lên