Tài chính

Nikkei: ACV sẽ niêm yết sàn HoSE vào cuối năm 2017

(VNF) – Theo Nikkei, ACV hiện đang khát vốn và sẽ niêm yết hơn 2,1 tỷ cổ phiếu trên sàn HoSE vào cuối năm 2017.

Nikkei: ACV sẽ niêm yết sàn HoSE vào cuối năm 2017

Khát vốn, ACV sẽ niêm yết sàn HoSE vào cuối năm nay

Theo thông tin từ tờ Nikkei, sau một thời gian dài, chính phủ Việt Nam đã chấp thuận cho Aeroports de Paris (ADP), cơ quan hàng không Pháp, mua lại 20% Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), trở thành đối tác chiến lược của nhà khai thác sân bay quốc doanh.

"Hợp đồng này sẽ được hoàn tất trong những tháng tới", một nguồn tin chính thức tiết lộ với Nikkei.

Tuần trước tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp ông Augustin de Romanet de Beaune, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ADP để chúc mừng và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ADP tại Việt Nam.

Vẫn theo tờ Nikkei, ACV sẽ phải huy động vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng sân bay của Việt Nam. Công trình trọng điểm là sân bay Quốc tế Long Thành tại Đồng Nai, cách TP.HCM 40km về phía đông. Dự án này nhằm thay thế cho sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải trong thập niên tới với chi phí 16 tỷ USD.

Nikkei cho biết, hai năm trước, ADP từng cho biết có thể đầu tư 2 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành.

Vốn điều lệ của ACV là 21.700 tỷ đồng (951 triệu USD). Sau đợt chào bán công khai lần đầu tiên vào năm 2015, 2,1 tỷ cổ phiếu của công ty này đã được niêm yết trên Upcom vào tháng 11/2016 như là một động thái bắt đầu cho việc tư nhân hoá một phần các doanh nghiệp nhà nước. Cổ phiếu ACV đã được giao dịch ở mức khoảng 50.000 đồng, gấp đôi lần niêm yết đầu tiên, đưa giá trị thị trường của ACV lên 110.000 tỷ đồng (4,8 tỷ USD).

Đáng chú ý, theo nguồn tin từ Nikkei, ACV hiện đang khát vốn và dự kiến sẽ niêm yết trên 2,1 tỷ cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào cuối năm nay.

Tân Sơn Nhất

ACV đang rất khát vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không, trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải

Hai ngày sau khi chính phủ phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa, ADP là nhà đầu tư đầu tiên liên hệ với ACV như một đối tác chiến lược tiềm năng. Vào năm 2015, ADP đã đề nghị mua tới 30% cổ phần của ACV trước giờ IPO.

Theo Nikkei, ACV ban đầu dự định sẽ không bán quá 10% cổ phần cho một đối tác chiến lược, nhưng mức trần này sau đó đã được nâng lên 20% và dự kiến sẽ làm giảm quyền sở hữu nhà nước xuống còn 75% từ mức 95,4%.

Năm 2016, ACV đã phục vụ gần 81 triệu hành khách trong mạng lưới 22 sân bay, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời vận chuyển hơn một triệu tấn hàng hóa – tăng 12% so với cùng kỳ.

Nikkei đưa tin, ADP muốn bảo đảm một chỗ đứng vững chắc trong một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới mà trước đây do nhà nước sở hữu độc quyền. Vẫn theo Nikkei, ADP từng đánh bại Changi Airport Group của Singapore và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) của Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có VinaCapital, hiện đang nắm giữ dưới 3% cổ phần của ACV.

Năm 2016, ACV đạt 2.000 tỷ đồng (87 triệu USD) lãi ròng trong tổng số 14.500 tỷ đồng (635 triệu USD) doanh thu. Công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng 8% và lợi nhuận trước thuế tăng 3% mỗi năm trong giai đoạn 2017 - 2020.

Tin mới lên